Cơ hội phục hồi du lịch từ SEA Games 31
SEA Games 31 là dịp hàng nghìn vận động viên, quan chức thể thao, khán giả quốc tế đến Việt Nam, nhất là Hà Nội, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và nhiều nội dung thi đấu. Sự kiện thể thao sôi động này là cơ hội để chúng ta thu hút khách du lịch quốc tế. Bởi vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh quảng bá về tiềm năng du lịch, đổi mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ... nhằm tạo 'cú huých' khôi phục du lịch.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, những đoàn vận động viên, quan khách thể thao, cổ động viên đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam để tham dự SEA Games 31 (từ ngày 12 đến 23/5). Hà Nội là nơi tổ chức nhiều nội dung thi đấu nhất, nơi lưu trú chủ yếu của các vận động viên, quan khách, cổ động viên tham dự.
Đổi mới sản phẩm, tăng tốc truyền thông
Những ngày đầu tháng 4, chính quyền, một số hộ kinh doanh tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) phối hợp Công ty lữ hành Hanoitourist hoàn thiện sản phẩm du lịch mới “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” để khai trương vào sáng 9/4. Bát Tràng là làng nghề nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội. Song lâu nay, khách du lịch đến Bát Tràng chủ yếu tự khám phá bằng việc đi chợ gốm, tham quan một số cửa hàng, lò gốm, mua sản phẩm... “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” đem đến cho du khách cách tiếp cận mới. Cùng với nghề gốm, khách cũng được đi trong những con ngõ lắt léo để đến đình làng Bát Tràng, văn chỉ - nơi tôn vinh truyền thống khoa bảng Bát Tràng... trước khi thưởng thức cơm trưa, với các đặc sản nổi tiếng như: Canh măng mực, mực xào su hào...
Một điểm nhấn rất thú vị là khách du lịch sẽ được phân nhóm, được “thả” ở khu làng cổ, với những ngõ nhỏ nhuốm màu rêu phong, chỉ vừa hai người đi bộ tránh nhau. Khách sẽ phải tìm những vị trí theo hướng dẫn, chụp ảnh check-in tại đó trước khi tìm đến điểm hẹn là chiếc lò bầu cổ duy nhất còn được bảo tồn trong làng. Chủ tịch UBND xã Phạm Huy Khôi cho biết: “Rất nhiều giá trị của Bát Tràng mà khách tham quan chưa được biết. Thí dụ như những câu chuyện về sản xuất gốm, không gian của khu vực làng cổ với những ngõ nhỏ quanh co, là ẩm thực, là truyền thống khoa bảng... Các điểm đến này được thiết kế lại để “kể chuyện” về lịch sử văn hóa và những nét đặc sắc của nghề gốm Bát Tràng”.
Cũng trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành chỉnh lý lại tua du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, từng ra mắt vào năm 2020 nhưng do dịch bệnh phải tạm dừng. Trung tâm chọn thời điểm sát ngày tổ chức SEA Games 31 để đưa vào khai thác trở lại. Khách sẽ được tham quan Đoan Môn, thềm điện Kính Thiên, các phế tích kiến trúc trong ánh sáng lung linh huyền ảo. Các vị khách cũng sẽ được chụp ảnh cùng các cung nữ, cấm vệ quân... Trưởng phòng Hướng dẫn-Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết: “Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới, với cách giới thiệu và những trải nghiệm khác lạ, thể hiện nét độc đáo của văn hóa cung đình, chúng tôi tin rằng sản phẩm sẽ thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế”.
SEA Games 31 là sự kiện thể thao quốc tế diễn ra vào đúng thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh khôi phục du lịch. Các vận động viên, quan chức thể thao, khán giả (gồm cả trong nước và quốc tế) thường không dư dả về thời gian. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị xây dựng, điều chỉnh các tua cho phù hợp nhu cầu của khách, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề, trải nghiệm du lịch xanh bằng xe đạp thăm các di tích và ngoại thành Hà Nội, tham quan chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ Đường Lâm... Hà Nội cũng “chạy” chiến dịch quảng bá để đưa các sản phẩm này đến tận tay các vị khách thông qua các tờ rơi, băng-rôn, phướn… hay các nền tảng Facebook, YouTube và nhất là các clip sẽ xuất hiện trên hệ thống của Hãng thông tấn CNN.
Đến thời điểm này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng xong tám bộ phim ngắn giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, làng nghề... để chiếu tại những nơi lưu trú của các vị khách. Các địa điểm thi đấu cũng là nơi giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch để thành viên các đoàn thể thao, khán giả quốc tế có thể tham khảo bất cứ lúc nào.
Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ, các cơ sở lưu trú cũng đang tích cực công tác chuẩn bị. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 38 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 đến 5 sao với 8.400 phòng. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp, lựa chọn các cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao, Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu 12 khách sạn đến Tổng cục Thể dục Thể thao để tổ chức đón khách phục vụ SEA Games 31. Trong đó có những khách sạn nổi tiếng của thành phố như: Melia Hanoi, Hanoi Daewoo, Pan Pacific, Du Parc Hanoi, InterContinental Westlake Hanoi, Hyatt Regency West Hanoi, Lotte Hanoi, Novotel Thái Hà... Các khách sạn trong quá trình phục vụ phải bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện ngành du lịch Hà Nội đang phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, các biện pháp bảo đảm an ninh, phòng dịch.
Tận dụng “cơ hội vàng”
Gần một tháng sau khi mở cửa du lịch quốc tế, vẫn chưa nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài lớn đặt chân đến Hà Nội. Tuy nhiên, sự kiện SEA Games 31 được kỳ vọng có thể tạo ra “bước ngoặt”. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC, cho rằng SEA Games 31 thật sự là cơ hội để quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô.
Sự kiện thể thao này không chỉ thu hút các vận động viên, thành viên đoàn thể thao các nước mà còn thu hút đông đảo truyền thông quốc tế. Nếu tận dụng được cơ hội này, ngành du lịch Thủ đô có điều kiện phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không chỉ thu hút khách trực tiếp, du lịch Hà Nội còn được hưởng hiệu ứng lan tỏa khi các cơ quan truyền thông quốc tế đưa thông tin, hình ảnh về Hà Nội; những vận động viên, quan khách thể thao, các cổ động viên khám phá, trải nghiệm du lịch Thủ đô.
Song, để tận dụng cơ hội này, việc đổi mới sản phẩm là chưa đủ. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, cho nên Sở Du lịch phối hợp các đơn vị, địa phương đề cao việc an toàn đi đôi với chất lượng. Chúng tôi quan tâm từng “chi tiết” nhỏ nhất trong phục vụ, chẳng hạn như các khách sạn phải có thực đơn riêng cho các vận động viên có “gu” ẩm thực đặc biệt vì lý do tôn giáo. Một vấn đề quan trọng không kém là xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, nhân văn.
Trong đợt chuẩn bị đón khách SEA Games 31, Sở tổ chức ba lớp tập huấn cho các cơ sở lưu trú, đội ngũ quản lý và người dân làm du lịch cộng đồng; đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, Quy tắc ứng xử nơi công cộng; cải tạo, trang trí môi trường, cảnh quan... Chúng tôi tin rằng những biện pháp trên sẽ giúp các vị khách dù là các nước hay các địa phương khác đến Hà Nội cảm thấy hài lòng, tạo động lực cho du lịch Thủ đô hồi phục bền vững”.
Từ nay đến lúc kết thúc SEA Games 31, Hà Nội sẽ tổ chức chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội (từ ngày 29/4 đến 1/5), Lễ hội Du lịch Hà Nội (từ ngày 13 đến 15/5), Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (từ ngày 18 đến 22/5)... nhằm giới thiệu, quảng bá đến các đoàn vận động viên, các cổ động viên, phóng viên quốc tế về các giá trị văn hóa, du lịch, tiềm năng hợp tác kinh tế của Hà Nội. Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị sẵn sàng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng đang “phấp phỏng” bởi đến thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới công bố lịch thi đấu của môn bóng đá nam mà chưa công bố lịch thi đấu phần lớn các môn khác.
Bản thân môn bóng đá nam - môn thể thao được người hâm mộ quan tâm nhất - cũng chưa công bố việc phân phối vé, giá vé. Đại diện nhiều hãng lữ hành cho biết, hiện không ít doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đã lên kế hoạch đưa khách đến xem các môn thi đấu ở SEA Games 31, nhưng phía Việt Nam chưa dám kết hợp. Việc công bố lịch thi đấu, giá vé, phân phối vé sớm sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hợp tác để đưa khách đến Việt Nam trong dịp này.