Cơ hội nào cho New START?
Ngày 5/6, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố: Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí và Moscow chờ đợi các đề xuất cụ thể của Washington trên các kênh ngoại giao.
Động thái mới nhất này làm dấy lên những tia hy vọng, dù vẫn còn vô cùng mong manh, cho một tiến trình hồi sinh cũng như nối lại việc thực thi đầy đủ Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START) - vốn đã bị “khai tử” theo đà tuột dốc của mối quan hệ Nga - Mỹ, xuống mức “thấp chưa từng có trong lịch sử” thời gian qua.
Đồ thị hình sin
Thỏa thuận New START được hai phía Nga và Mỹ ký năm 2010, theo đó Nga và Mỹ có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí, định kỳ 6 tháng/lần. Hai nước cũng cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống còn không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), máy bay ném bom hạng nặng (TB).
Mỹ và Nga cam kết thực hiện những cắt giảm cần thiết để đạt được những giới hạn này không muộn hơn 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực. Trong giới hạn tổng hợp, mỗi quốc gia có thể linh hoạt xác định cấu trúc lực lượng chiến lược của mình.
Vào ngày 5/2/2020, đúng một năm trước khi hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START giữa Mỹ và Nga hết hạn, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã lên kế hoạch bắt đầu các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga. Tuy nhiên, một ngày trước thông báo của O'Brien, Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp phóng từ tàu ngầm, như một phần của dự án hiện đại hóa kho vũ khí do chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy, điều dường như trái ngược với mục tiêu của New START.
Đến tháng 6/2020, hai bên bắt đầu đàm phán tại Wien về việc gia hạn New START. Ở diễn biến liên quan, Trung Quốc từ chối lời mời tham gia đàm phán từ Washington. Tháng 10/2020, phía Mỹ đề xuất gia hạn thêm 1 năm cho Hiệp ước New START, đồng thời đóng băng ngắn hạn kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên. Đề xuất này ban đầu bị Nga từ chối. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: Nga sẽ chấp nhận thỏa thuận, nếu Mỹ không thêm bất kỳ điều kiện nào về việc đóng băng kho vũ khí. Cố vấn Robert O'Brien đã bác bỏ điều này, các bên đồng ý tiếp tục đàm phán về các điều kiện.
Cuối tháng 12/2020, Tổng thống Putin tiếp tục kêu gọi gia hạn vô điều kiện Hiệp ước New START. Ngày 21/1/2021, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ chấp thuận gia hạn New START thêm 5 năm mà không có các điều khoản bổ sung. Một ngày sau, Điện Kremlin thông báo: Nga hoan nghênh việc gia hạn New START.
Ngày 4/2/2021, New START chính thức được gia hạn và sẽ có hiệu lực cho đến ngày 5/2/2026. Tuy nhiên, tháng 2/2022, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine bùng nổ.
Giai đoạn đầu, Mỹ và Nga vẫn tuân thủ hiệp ước và tiếp tục trao đổi thông tin như New START quy định. Đến ngày 8/8/2022, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đình chỉ các cuộc kiểm tra vũ khí theo New START, với nguyên nhân: Các hạn chế đi lại mà Mỹ áp đặt đối với Nga đã tạo ra "những lợi thế đơn phương cho nước Mỹ và tước đi quyền tiến hành thanh sát của Liên bang Nga trên lãnh thổ Mỹ".
Ngày 31/1/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Nga không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo New START, khi từ chối các cuộc thanh sát của Mỹ. Ngày 28/2/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật đình chỉ tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước.
Tròn 2 tháng sau, ngày 28/4, Điện Kremlin bác bỏ thông tin rằng Nga đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh: Tất cả các bên vẫn đang tiếp tục tuân thủ lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, phía Nga cũng nhiều lần khẳng định, họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Trước đó, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí (Bộ Ngoại giao Nga) - ông Vladimir Yermakov nêu rõ: "Cấu trúc an ninh quốc tế không nên chỉ là lời nói suông, mà thay vào đó, các bên cần cân nhắc lợi ích cơ bản của nhau. Muốn vậy, trước hết cần ổn định quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân - nghĩa là các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu”.
Theo ông Yermakov, nếu Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cho một cam kết như vậy, sẽ có cơ hội cho những thỏa thuận mới, khả thi trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.
Đến ngày 2/6, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, cho biết: Mỹ sẵn sàng duy trì giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), nếu Nga thực hiện bước đi tương tự. Ông kêu gọi Moscow tham gia hiệp ước mới thay thế New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2026, đồng thời hé lộ rằng Washington sẵn sàng đàm phán về hiệp ước mới với Trung Quốc mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tìm điểm thỏa hiệp
Đã lại vọng lên những tiếng gõ, đằng sau cánh cửa đóng sập. Lý do tiên quyết có lẽ là bởi tình trạng bấp bênh bên bờ vực của nguy cơ tự hủy diệt, khi New START là mối ràng buộc cuối cùng giữa hai cường quốc vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. New START bị vô hiệu hóa, có nghĩa là không còn “chốt chặn an toàn” nào hoạt động nữa.
Chính điều này cũng từng được ông Dmitry Peskov xác nhận ngày 19/5, rằng ông lấy làm tiếc vì hiện không có các kênh tiếp xúc nghiêm túc, thực chất về vấn đề này giữa hai nước. Đây là động thái được đưa ra một ngày sau khi có một nhóm 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trình Quốc hội Mỹ xem xét dự luật kêu gọi chính quyền rút khỏi New START và tăng cường lực lượng hạt nhân.
Tuy vậy, điểm mấu chốt để có thể xúc tiến vãn hồi các cam kết theo New START, nhằm bảo vệ sự tồn vong chung của cả loài người, dường như lại đang tương đối mịt mờ.
Điều khoản cho phép thanh tra tại chỗ là đặc điểm quan trọng nhất của hiệp ước vì New START yêu cầu cả Mỹ lẫn Nga không chỉ hạn chế mà còn phải cắt giảm quy mô kho vũ khí của họ. Hình ảnh vệ tinh có thể tiết lộ số lượng tên lửa mà một quốc gia sở hữu, nhưng không tiết lộ số lượng đầu đạn có thể chứa bên trong tên lửa. Hình ảnh cũng có thể phát hiện các thành viên phi hành đoàn đang sửa đổi vị trí đặt tên lửa - nhưng không phải cách họ sửa đổi tên lửa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra tại chỗ việc thực thi hiệp ước.
Trong khi đó, theo các chuyên gia quân sự, nếu cả hai bên vi phạm các giới hạn của New START thì Mỹ có thể tăng kho vũ khí hạt nhân tầm xa và bom từ 1.670 lên 3.570, trong khi Nga có thể tăng kho vũ khí từ 1.674 lên 2.629. Ít nhất, đó cũng sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang điên rồ, với sự phí phạm nguồn lực khủng khiếp.
Cuộc chạy đua vũ trang này, thực chất, đã thành hình với mức độ gia tăng đầu tư ngân sách quốc phòng của toàn bộ thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Mỹ là cường quốc lãnh đạo.
Do đó, ngày 1/6, trong một tuyên bố đáp lại việc Mỹ thông báo ngừng cung cấp cho Nga một số thông tin cần thiết theo quy định của New START từ ngày 1/6, trong đó có thông tin cập nhật về vị trí tên lửa và bệ phóng, Đại sứ quán Nga tại Mỹ làm rõ: Những tuyên bố của Washington về việc Moscow không tuân thủ New START không liên quan tới những lý do đích thực đằng sau cuộc khủng hoảng hiện nay, liên quan thỏa thuận này.
Tuyên bố này nhất quán với ý tưởng của Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu hồi tháng 2, khi ông nhấn mạnh: Trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải được biết chắc chắn rằng New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong NATO - là Anh và Pháp - như thế nào.
Cũng trong ngày 2/6, theo Reuters, một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên chia sẻ nhận định: “Khi các mối quan hệ chính trị ở mức thấp, khi căng thẳng lên cao, chúng tôi thấy rằng nhiệm vụ kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro hạt nhân là quan trọng nhất và chúng ta đang ở trong thời điểm đó”.
Ngày 3/6, theo Sputnik, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: Điều kiện để Nga nối lại việc thực thi đầy đủ New START là việc Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” nhằm vào Nga. Ông nhấn mạnh rằng quyết định của Nga đình chỉ tham gia New START là không thể thay đổi "bất chấp bất kỳ biện pháp hay hành động đáp trả nào từ phía Mỹ".
Tuy nhiên, đến ngày 5/6, ông Peskov đã ghi nhận: Tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Nga về kiểm soát vũ khí mà không có điều kiện tiên quyết là "quan trọng và tích cực". Ông hy vọng tuyên bố ấy sẽ được củng cố trên thực tế bằng các bước đi theo kênh ngoại giao. Sau đó, Nga có thể sẽ xem xét các hình thức đối thoại được đề xuất.
Và Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh: Trong những vấn đề quan trọng và nhạy cảm như thế này mà chỉ nhìn vào những tuyên bố trên báo chí sẽ rất khó đánh giá, trong bối cảnh mối quan hệ song phương Nga - Mỹ đang trải qua tình trạng thiếu lòng tin trầm trọng.
Hàm ý ở đây là khá rõ ràng: Nước Mỹ cũng như phương Tây cần thể hiện nhiều hơn những hành động thiện chí nhằm tái xây dựng lòng tin chiến lược, nếu muốn các hoạt động thanh sát tại chỗ giữa hai bên trong khuôn khổ New START được nối lại.
Moscow quá hiểu, rằng với “cơn sóng gió” mang tên “trần nợ công” mà đảng Dân chủ cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phải chật vật xử lý, Nhà Trắng sẽ không thể dễ dàng tiếp tục duy trì thái độ căng thẳng, về tăng cường vũ khí hạt nhân cũng như chi tiêu quốc phòng nói chung. Vả lại, kỳ bầu cử năm 2024 cũng đã cận kề...