Cơ hội mong manh khi tái khởi động giấc mơ 'Hai nhà nước' ở Trung Đông

Trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine tiếp tục leo thang, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã khiến cộng đồng quốc tế chú ý khi đề xuất công nhận Nhà nước Palestine, một phần quan trọng của kế hoạch 'Hai nhà nước' từng được Liên hợp Quốc ủng hộ.

Đưa “Hai nhà nước” trở lại

Khởi đầu từ bài phát biểu của Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud bên lề cuộc họp của Đại hội đồng tại New York (Mỹ) ngày 27/9/2024 khi ông này thông báo nước mình đã thành lập một liên minh toàn cầu để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Liên minh gồm một số quốc gia Arab, Hồi giáo và các đối tác châu Âu.

Nỗ lực của Pháp và các đối tác Arab nhằm thực hiện giải pháp “Hai nhà nước”.

Nỗ lực của Pháp và các đối tác Arab nhằm thực hiện giải pháp “Hai nhà nước”.

Theo Hãng thông tấn quốc gia của Saudi Arabia thì: "Thực hiện giải pháp “hai nhà nước” là giải pháp tốt nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn của xung đột và đau khổ, đồng thời tạo ra thực tế mới mà ở đó toàn bộ khu vực, bao gồm cả Israel, cùng tồn tại và cùng hưởng an ninh". Ngay sau đó, những cuộc họp của liên minh này đã diễn ra tại Riyadh (Saudi Arabia) và Brussels (Bỉ).

Tháng 1/2025, Pháp tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất “hai nhà nước” được đưa ra bàn thảo rất tích cực. Sau hội nghị, Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch tài trợ 500 triệu Euro cho các dự án phát triển hạ tầng tại Palestine, nhằm củng cố thiện chí với chính quyền Palestine. Đồng thời, nhà lãnh đạo nước Pháp cũng chủ động liên hệ với các quốc gia Hồi giáo xung quanh để tìm kiếm sự ủng hộ với kế hoạch của mình.

Trong cuộc điện đàm hôm 5/2/2025, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với Pháp trong kế hoạch này. Một số nước Trung Đông như Saudi Arabia còn tuyên bố sẽ không công nhận Israel nếu không có nhà nước Palestine.

Thủ tướng Israel Netanyahu kiên quyết phản đối kế hoạch của Pháp.

Thủ tướng Israel Netanyahu kiên quyết phản đối kế hoạch của Pháp.

Tháng 3/2025, Pháp trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đề nghị công nhận Palestine là quan sát viên thường trực. Dự thảo này sau đó bị loại bỏ do vấp phải sự phản đối từ Mỹ và Israel. Pháp sau đó đã tích cực thuyết phục các nước EU như Ireland và Thụy Điển ủng hộ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Trong một tuyên bố mới hôm 8/4/2025, Tổng thống Macron cho biết Pháp có thể tiến tới công nhận nhà nước Palestine "trong những tháng tới". Trả lời báo chí, ông Macron cho biết muốn hoàn thành kế hoạch này tại hội nghị của Liên hợp quốc về xung đột Israel-Palestine, nơi nước ông sẽ đồng chủ trì với Saudi Arabia vào tháng 6/2025 tới đây. Vậy, điều gì đang thúc đẩy nước Pháp đi đầu trong tiến trình “hai nhà nước” như vậy?

Kế hoạch mang tên “Thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất năm 2020 bị chỉ trích vì trao cho Israel quyền kiểm soát gần như toàn bộ Jerusalem, hợp pháp hóa các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây - vốn bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Palestine chỉ được đề xuất một nhà nước "cắt cụt", không có chủ quyền đầy đủ và bị bao quanh bởi lãnh thổ Israel. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột kéo dài từ tháng 10/2023 tới nay ở Dải Gaza. Sự thiếu cân bằng này khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU, hoài nghi về vai trò trung gian của Mỹ.

Pháp, với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, muốn lấp đầy khoảng trống này bằng cách đề cao tính đa phương và công bằng. Sau Brexit và sự chia rẽ trong khối EU, Pháp đang nỗ lực củng cố vị thế là lãnh đạo chính trị của châu Âu. Việc thúc đẩy giải pháp “hai nhà nước” không chỉ phù hợp với truyền thống ngoại giao cân bằng của Pháp mà còn giúp Paris giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, nơi Mỹ đang dần rút lui để tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc .

Nỗ lực đấu tranh suốt nhiều thập kỷ nhằm thành lập nhà nước của người Palestine vẫn chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của quốc tế.

Nỗ lực đấu tranh suốt nhiều thập kỷ nhằm thành lập nhà nước của người Palestine vẫn chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của quốc tế.

Phản ứng của các bên

Trước đề xuất của Pháp, nước thường trực Hội đồng Bảo an, kế hoạch “hai nhà nước” đang nhận được nhiều chú ý. Chính quyền Palestine, bên trực tiếp được hưởng lợi đã “hoan nghênh động thái” của Pháp, coi đây là "tín hiệu công bằng đầu tiên sau nhiều thập kỷ bất công". Tuy nhiên, nhiều ý kiến, đặc biệt là từ Hamas vẫn nghi ngờ tính khả thi, cho rằng kế hoạch không có sự đảm bảo về biên giới với Palestine. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Israel Netanyahu lập tức bác bỏ đề xuất, khẳng định "Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn và không chia cắt của Israel". Chính phủ Israel cũng cảnh báo việc công nhận Palestine sẽ "kích động bạo lực".

Bất chấp việc đã được ủng hộ rộng rãi thì cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ sâu sắc với đề xuất của Pháp. Tại EU, một số nước như Ireland, Thụy Điển, Na Uy ủng hộ, trong khi Đức và Ý tỏ ra thận trọng, lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ. Chính quyền Mỹ trước tới nay vẫn giữ quan điểm phản đối công nhận Nhà nước Palestine, họ cho rằng "giải pháp “hai nhà nước” chỉ khả thi khi Palestine từ bỏ bạo lực".

Trong khi đó Liên đoàn Arab luôn đề ra yêu cầu đảm bảo quyền lợi tối thiểu của Palestine, bao gồm biên giới 1967 và quyền kiểm soát Đông Jerusalem, điều mà dường như không còn tồn tại trên thực địa trong bối cảnh hôm nay nữa. Những khúc mắc này cho thấy giải pháp “hai nhà nước” từng được đề xuất trong lịch sử khó lòng có thể đạt được và nó cần “sửa” lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Để “sửa” được, sẽ cần nhiều thời gian và công sức cũng như sự thiện chí của các bên hơn là chỉ một tuyên bố của người đứng đầu nước Pháp. Tuy nhiên, đây vẫn là một tín hiệu mừng khi đề xuất này gần như là tín hiệu duy nhất để giải quyết cuộc xung đột đang khiến hàng trăm nghìn người Palestine rơi vào cảnh khốn khó.

Tổng thống Pháp Macron trong tuyên bố hướng tới công nhận Nhà nước Palestine.

Tổng thống Pháp Macron trong tuyên bố hướng tới công nhận Nhà nước Palestine.

Về cơ bản, những nỗ lực của Pháp và sự ủng hộ quốc tế đặc biệt đến từ Liên đoàn Arab hiện nay là nhằm tìm một “nhà trung gian” thay thế cho Mỹ “có trách nhiệm” và “công bằng hơn. Đúng như ông Ahmed Aboul Gheit (Tổng Thư ký Liên đoàn Arab) đã nói: "Đàm phán trực tiếp vẫn là con đường duy nhất, nhưng cần một bên trung gian công bằng hơn Mỹ".

Con đường đầy thách thức

Sự ủng hộ rộng rãi đối với đề xuất mà Pháp đưa ra là tín hiệu vô cùng tích cực. Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 26/3 về cam kết duy trì giải pháp “hai nhà nước” có thể coi là sự ủng hộ quốc tế đáng kể nhất với kế hoạch này. Dưới góc nhìn của các nhà bảo trợ Liên hợp quốc, việc cần thiết hàng đầu là phải giải phóng áp lực kinh tế cho chính quyền Palestine hiện nay để có thể hỗ trợ những người dân của chính mình. Theo Ngân hàng Thế giới, xung đột kéo dài đã khiến GDP Palestine sụt giảm 50% kể từ năm 2000. Việc công nhận nhà nước có thể mở ra cơ hội viện trợ và đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn khó khăn và đầy thách thức. Bế tắc chính trị trong nội bộ với sự chia rẽ giữa Hamas (kiểm soát Dải Gaza) và Fatah (Bờ Tây) làm suy yếu tiếng nói thống nhất của người Palestine nói chung. Hơn 600.000 người Do Thái đang sinh sống tại các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây, khiến việc thiết lập biên giới cho hai nhà nước dù theo tiêu chí nào cũng đều trở nên phức tạp. Người Israel sẽ không dễ dàng chấp nhận bất cứ kế hoạch nào khiến cho họ bị “thiệt hại”. Có thể nói, Pháp đang đánh cược vào uy tín ngoại giao của mình. Thành công của kế hoạch phụ thuộc vào việc họ có thể thuyết phục được Israel đối thoại hay không.

Trong khi đó, dù ảnh hưởng giảm sút, sự ủng hộ của Mỹ vẫn là tối quan trọng với bất của tiến trình nào ở Trung Đông. Mỹ không chỉ là nước thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an mà họ còn là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Israel (3,8 tỷ USD/năm). Nguồn lực này khiến Tel Aviv khó chấp nhận áp lực từ bên ngoài. Theo nhà phân tích chính trị Jeremy Bowen đến từ Anh thì: "Kế hoạch của Pháp là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng nếu không có cơ chế ràng buộc pháp lý, nó sẽ lặp lại thất bại của Oslo những năm 1990".

Cuộc xung đột vẫn gieo rắc đau khổ cho người dân Trung Đông mỗi ngày.

Cuộc xung đột vẫn gieo rắc đau khổ cho người dân Trung Đông mỗi ngày.

Đề xuất của Pháp phản ánh khát vọng hòa bình chính đáng nhưng đối mặt với vô số rào cản. Để thành công, Tổng thống Macron cần xây dựng một lộ trình chi tiết, kết hợp áp lực kinh tế lẫn ngoại giao, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc như Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh thế giới đa cực, chỉ có sự hợp tác đa phương mới có thể đưa Trung Đông thoát khỏi vòng xoáy bạo lực triền miên. Như lời nhận định của ông Antonio Guterres: "Hòa bình không thể xây dựng trên sự áp đặt, nó phải được gieo mầm từ công lý và thỏa thuận tự nguyện".

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/co-hoi-mong-manh-khi-tai-khoi-dong-giac-mo-hai-nha-nuoc-o-trung-dong-i765287/
Zalo