Cơ hội mới cho doanh nghiệp từ chính quyền địa phương 2 cấp

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng là 'làn gió mới' cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin, động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh mẽ hơn.

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức được vận hành trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong tiến trình cải cách thể chế của Việt Nam.

Cú hích thể chế

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Gia Viên, TP Hải Phòng trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Gia Viên, TP Hải Phòng trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ đang diễn ra với những thay đổi nền tảng: giảm số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ từ 22 xuống còn 17; sắp xếp lại các đơn vị hành chính, sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34; tinh gọn mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp.

Song song với đó, Hiến pháp và hàng loạt bộ luật quan trọng cũng được sửa đổi, bổ sung, nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả hơn ở Trung ương và địa phương, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đây chính là “cú hích thể chế” mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh trong báo cáo “Việt Nam 2045: Thể chế cho Tương lai Thu nhập cao”. Do đó, những cải cách này sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

WB chỉ rõ, doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phàn nàn về những thủ tục hành chính tiền kiểm; các quy trình đầu tư công chậm, cứng nhắc và chưa đáp ứng nhu cầu điều chỉnh.

“Mặc dù đã có nhiều lần nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng trên 35% các doanh nghiệp vẫn cho rằng họ phải dành ít nhất 10% thời gian để tìm hiểu và xử lý các quy định”, báo cáo nêu.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi là mô hình quản lý hành chính còn nhiều tầng nấc, quyền lực phân tán, chồng chéo giữa các cấp.

Các nhà phân tích của WB cho rằng, việc chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp sẽ giúp cắt bỏ tầng trung gian, tạo điều kiện để địa phương chủ động hơn trong quản lý và điều hành, trực tiếp nắm bắt, giải quyết kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là bước đi đúng hướng nhằm giảm gánh nặng cho các cấp trên.

VIS Rating, trong báo cáo triển vọng tín nhiệm cuối năm 2025, cũng đánh giá cao động thái cải cách hành chính này khi nhận định cơ cấu hành chính tinh gọn và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là động lực đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

“Ở cấp địa phương, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giúp tinh gọn quy trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực và ngân sách nhà nước. Ở cấp trung ương, yêu cầu cắt giảm 30% ở hầu hết thủ tục hành chính sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho nhiều ngành nghề kinh doanh”.

Kỳ vọng mới của doanh nghiệp

Tại nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ sự kỳ vọng lớn đối với mô hình mới. Hưng Yên - địa phương có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, việc tinh gọn tổ chức bộ máy được các doanh nghiệp tại đây đánh giá tích cực.

“Thực hiện chính quyền 2 cấp sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt, khi cấp xã/phường được giao thêm chức năng, nhiệm vụ, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận chính quyền địa phương dễ dàng hơn, được hỗ trợ kịp thời các vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, ông Trần Quang Huy, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Giày Ngọc Tề (Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối, tỉnh Hưng Yên) - đơn vị có 4 nhà máy trên địa bàn tỉnh với gần 10.000 người lao động, chia sẻ với báo chí.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trước đây mà doanh nghiệp thường gặp là sự chồng chéo về chức năng giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, tài nguyên, giấy phép con và đăng ký kinh doanh. Việc bỏ cấp trung gian không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian còn giúp hạn chế phát sinh các chi phí không chính thức.

Các doanh nghiệp cũng tin tưởng việc bố trí cán bộ sở, ngành về công tác tại xã/phường sẽ giúp tăng tính kết nối, tiết kiệm chi phí đi lại, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ dễ tiếp cận những hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Mô hình chính quyền 2 cấp còn giúp tăng tính linh hoạt, chủ động trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Các quyết sách điều hành được triển khai nhanh hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, từ đó tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp từ gốc.

Không chỉ rút gọn bộ máy, cải cách lần này còn gắn với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ dành cho doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã ban hành loạt Nghị quyết số 57, 59, 66 và 68 trong tháng 5 vừa qua, theo WB, điều này báo hiệu một sự chuyển biến chiến lược trong dài hạn: đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp xanh và công nghệ cao, củng cố thể chế pháp lý. Các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ vốn cho các đối tượng cụ thể, ưu đãi thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các đổi mới về công nghệ.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi không tránh khỏi thách thức. Nhiều doanh nghiệp cho rằng mô hình mới cần có giai đoạn quá độ hợp lý để các địa phương thích nghi. Việc tiếp cận, triển khai các nghị định, thông tư mới cần đảm bảo vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tiễn địa phương.

Năng lực của cán bộ cấp cơ sở cũng là một dấu hỏi lớn - nếu không được đào tạo và phân quyền rõ ràng, dễ dẫn tới ách tắc mới trong xử lý công việc.

Ngoài ra, việc gắn cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là yếu tố quan trọng. Khi được triển khai đồng bộ các giải pháp, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới sẽ thực sự trở thành “bệ đỡ” vững chắc, mở ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bất cập, vướng mắc, bởi vậy đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh đoàn kết, nỗ lực biến khó khăn thành động lực; chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ, nâng cao hiệu quả công việc. Các cán bộ, công chức cần chủ động nghiên cứu, tự giác học hỏi, tìm hiểu các văn bản, thông tư, nghị định mới, không ngừng trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nhân kiều bào tại Hàn Quốc

Tôi tin rằng nếu việc sắp xếp đã được thực hiện thận trọng, khoa học, có lộ trình cụ thể, đồng thời gắn liền với công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, thì đây sẽ là nền tảng để xây dựng một nền hành chính và quản trị hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam

Cuộc cải cách lần này đòi hỏi nỗ lực rất lớn về thể chế, về con người và về văn hóa công vụ. Nó không chỉ đòi hỏi cán bộ phải nâng tầm năng lực, mà còn đòi hỏi toàn xã hội phải thay đổi tư duy tiếp cận chính quyền và khi thành công, Việt Nam chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Thế kỷ XXI là thế kỷ của tốc độ, của sáng tạo và của hiệu quả. Trong dòng chảy ấy, một bộ máy hành chính gọn nhẹ, năng động và gần dân chính là điều kiện tiên quyết để đất nước không bị bỏ lại phía sau.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-tu-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-1107867.html
Zalo