Cơ hội để Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Để tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn hợp tác kinh tế, đầu tư vào TP. Đà Nẵng, trong chương trình công tác tại Hoa Kỳ mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh và đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Xây dựng trung tâm tài chính, cần chắt lọc kinh nghiệm
Tại Hoa Kỳ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và đoàn công tác đã có nhiều cuộc làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực tài chính, xử lý chất thải rắn, vi mạnh bán dẫn, cảng biển, môi trường, giáo dục, đào tạo…
Điển hình, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tổ chức Dịch vụ tài chính tự nguyện (FSVC). FSVC là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống tài chính - ngân hàng và các dịch vụ có liên quan, hướng đến việc xây dựng môi trường tài chính ổn định và phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh thông tin, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương được lựa chọn để triển khai Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; đồng thời, ghi nhận những đóng góp của FSVC đối với Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng trong thời gian qua.
Để nâng cao mối quan hệ hợp tác, ông Chinh đề nghị FSVC tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn khung pháp lý, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cũng như các cơ chế quản lý, vận hành, các lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên để Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh khác biệt, cộng hưởng cùng Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Phó Chủ tịch Ban điều hành FSVC, ông Bill Mills đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của Đà Nẵng trong phát triển thị trường tài chính hiện đại; đồng thời cho rằng để xây dựng thành công và vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng cần tham khảo và chắt lọc kinh nghiệm thế giới, áp dụng các ưu đãi đầu tư riêng biệt đối với từng đối tượng nhà đầu tư khác nhau, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối thành phố với các đối tác, doanh nghiệp tiềm năng.
Cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Đối với lĩnh vực vi mạnh bán dẫn, ông Chinh cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Kinh tế đa phương Hoa Kỳ Carol Henniger và Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế (Quỹ ITSI) nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Đà Nẵng đến Cục trưởng Cục Kinh tế đa phương Hoa Kỳ, ông Chinh cho biết vi mạch bán dẫn được xác định là động lực tạo sự phát triển đột phá của Đà Nẵng trong thời gian đến. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút ít nhất 5.000 nhân lực thiết kế và kiểm thử, đóng gói cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cục trưởng Cục Kinh tế đa phương Hoa Kỳ và Quỹ ITSI, thời gian qua, các trường đại học trên địa bàn đã bước đầu triển khai các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Chinh đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Quỹ ITSI tiếp tục quan tâm hỗ trợ Đà Nẵng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, thông qua các chương trình học bổng, đào tạo chuyên sâu và hợp tác với các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ; triển khai các chương trình giáo dục STEM tại các trường phổ thông cũng như khuyến nghị các chính sách phù hợp cho Đà Nẵng.
Thông tin việc Đà Nẵng là địa phương duy nhất tại Việt Nam được cho phép thí điểm triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, ông Chinh mong muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ tiềm năng đến nghiên cứu đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao định hướng phát triển vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng. Sự hiện diện của các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ như Synopsys, Marvell... tại Đà Nẵng là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng và cơ hội của thành phố trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Bà Carol Henniger cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại học Bang Arizona triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo nguồn nhân lực kiểm thử, đóng gói trong khuôn khổ sáng kiến Quỹ ITSI và khẳng định sẽ hợp tác trao đổi, nghiên cứu chính sách liên quan cùng Đà Nẵng. Bên cạnh đó, đại diện Quỹ ITSI cũng đã giới thiệu các đối tác tiềm năng để Đà Nẵng nghiên cứu kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác
Tại buổi làm việc với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Lê Trung Chinh đánh giá cao sự hỗ trợ của cơ quan này dành cho Đà Nẵng, đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường, nâng cao năng lực địa phương.
Ông Chinh mong muốn, USAID tiếp tục mở rộng quy mô và lĩnh vực hợp tác theo nội dung thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên vào tháng 1/2024, tập trung ưu tiên vào lĩnh vực môi trường, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến quản lý chất thải rắn, phân loại rác thải tại nguồn, xem xét việc thành lập Văn phòng tín chỉ carbon tại Đà Nẵng... và hỗ trợ thành phố xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Phó Tổng Giám đốc toàn cầu USAID Michael Schiffer khẳng định, USAID sẽ làm việc chặt chẽ với Đà Nẵng để triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Đà Nẵng được USAID lựa chọn là địa điểm thực hiện dự án sáng kiến địa phương với các hoạt động và giải pháp hướng đến phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố xanh. Thống nhất về định hướng phát triển kinh tế bền vững lấy con người làm trung tâm, tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, hai bên cam kết sẽ tích cực phối hợp xây dựng các chương trình hợp táccó tính động lực và lan tỏa.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn công tác TP. Đà Nẵng và USAID cũng đã thảo luận về các động lực phát triển kinh tế mới của Đà Nẵng như Khu thương mại tự do, vi mạch bán dẫn... qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong thời gian đến của các bên.