Cơ hội đầu tư cổ phiếu điện

Để đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp điện sẽ được đẩy mạnh trong 2025.

Nhu cầu điện tăng cao

Năm 2025, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức tăng 7 - 7,5%. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt mức tăng GDP hai con số trong năm nay.

Mục tiêu tăng trưởng cao được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế đang ở giai đoạn hồi phục, lĩnh vực công nghiệp gia tăng sản xuất; dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển sang Việt Nam mạnh hơn sau khi tân Tổng thống Mỹ lên nắm quyền; đầu tư công được đẩy mạnh. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng cao trong năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội là rất lớn. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng kế hoạch cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện sát với yêu cầu thực tiễn, trên tinh thần an toàn là trên hết.

Bộ Công thương đã đưa ra ba kịch bản cung ứng điện trong năm 2025. Trong đó, kịch bản cơ sở là tăng trưởng điện năng phải đạt từ 11 - 12%, các tháng mùa khô phải đạt từ 13% trở lên. Kịch bản cao tăng từ 12 - 13% trở lên, các tháng mùa khô phải tăng từ 14% trở lên. Kịch bản cực đoan là phải đạt từ 14 - 15% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 16% trở lên.

Năm 2024, nhiều văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến ngành điện được ban hành, gồm Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Luật Điện lực sửa đổi, Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ… và xây dựng hàng loạt khung giá phát điện. Hành lang pháp lý mới đang mở đường cho việc triển khai nhiều dự án lớn của ngành điện trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong năm 2025 cũng như giai đoạn tới, ngành điện đang tăng tốc mở rộng công suất nguồn điện. Năm 2024, chỉ có một số dự án như Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng và một vài dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được đưa vào vận hành. Do đó, ngành điện sẽ cần đẩy nhanh tiến độ các dự án công suất lớn như Điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW), Nhiệt điện Vũng Áng II (1.330 MW), Nhiệt điện Quảng Trạch I (1.403 MW), Nhiệt điện Long Phú I (1.200 MW)…

Song song đó, ngành điện cũng phải tăng tốc các dự án lưới điện. Theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn tới là khá lớn, cần 134,7 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030 và 399,2 - 523,1 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050. Trong đó, nhu cầu vốn cho đầu tư lưới điện chiếm khoảng 11,1% cho giai đoạn 2021 - 2030 và 8,7% cho giai đoạn 2031 - 2050.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu điện

Số liệu từ Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho thấy, tính đến đầu năm 2025, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 87.879,5 MW, tăng hơn 9% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhiệt điện than chiếm khoảng 33,6%; thủy điện chiếm 27,9%; nhiệt điện khí và dầu chiếm 10,7%; điện gió chiếm xấp xỉ 7%; điện mặt trời trang trại và mái nhà chiếm 19,2%; còn lại là nguồn điện sinh khối và các loại khác.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng công suất nguồn điện và dự kiến trong năm 2025, đây vẫn là nguồn điện chủ đạo cung cấp điện cho hệ thống.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự kiến phụ tải đỉnh (Pmax) của hệ thống điện năm nay có thể lên tới 54,3 GW, riêng miền Bắc là 28,2 GW, khiến tình hình cung ứng điện tại khu vực phía Bắc tương đối căng thẳng trong giai đoạn cao điểm. Trong nửa đầu năm 2025, thủy điện sẽ phải tích nước chuẩn bị cho cao điểm mùa khô và nhiệt điện than sẽ được NSMO ưu tiên huy động.

Kịch bản này khá tương đồng với tình hình huy động điện thực tế năm 2024, khi trong giai đoạn đầu năm, các nhà máy thủy điện triển khai quyết liệt phương án tích nước để phục vụ phát điện mùa cao điểm, trước khi La Nina quay trở lại. Sang năm 2025, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trạng thái La Nina yếu sẽ duy trì đến khoảng tháng 4, với xác suất 50 - 60%, do đó, các nhà máy thủy điện có thể sớm xây dựng phương án tích nước cho mùa khô.

Theo Ban Chỉ đạo điều hành cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều được huy động vận hành từ 6.400 - 6.500 giờ trong năm 2025. Yêu cầu đặt ra đối với các nhà máy nhiệt điện là phải chuẩn bị sẵn sàng cả nhiên liệu và tổ máy ngay từ cuối năm 2024 để đáp ứng sản xuất điện trong mọi tình huống. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang nỗ lực khai thác sản lượng than cao nhất có thể nhằm đáp ứng tối đa, nhất là cho các nhà máy điện, còn các nhà máy điện thì tập trung chuẩn bị tốt cho phương án huy động mùa cao điểm.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), công tác chuẩn bị ổn định, liên tục, hiệu quả cho năm 2025, nhất là mùa khô đã được chủ động triển khai từ sớm. Công ty đã xây dựng phương án, thực hiện chuẩn bị vật tư, thiết bị thay thế, kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, tổ máy ngay từ tháng 8/2024.

Với nguồn điện khí, Việt Nam đang đối mặt với nguồn cung khí nội địa suy giảm, do đó, điện khí LNG sẽ được chú trọng phát triển. Trong năm 2025, dự kiến hai dự án điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ được vận hành thương mại bổ sung nguồn điện mới vào hệ thống. Theo chủ đầu tư Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – PV Power (mã POW), tính đến tháng 11/2024, tiến độ tổng thể của gói thầu EPC hoàn thành ước đạt 95%. PV Power đang tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí cho dự án theo đúng tiến độ.

Tuy nhiên, điện khí LNG vẫn là loại hình khá mới mẻ của Việt Nam và khung giá phát điện cao nên các nhà phân tích cho rằng cần thêm thời gian để loại hình này được huy động ở mức cao.

Với mảng điện năng lượng tái tạo, Công ty Chứng khoán ABS cho rằng, sản lượng năm 2025 sẽ vẫn ổn định như năm trước. Trong ngắn hạn, điện năng lượng tái tạo vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và tiếp tục chờ hoàn thiện cơ chế, chính sách. Chủ đầu tư các dự án đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và pháp lý. Vào tháng 12/2024, EVN đã trình phương án xây dựng khung giá phát điện năng lượng tái tạo lên Bộ Công thương, kỳ vọng phương án sẽ sớm được thông qua trong năm 2025 và tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành.

Nhìn về cơ hội đầu tư cổ phiếu điện năm 2025, ABS cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc 3 cổ phiếu: REE, POW và PC1. Trong đó, REE là doanh nghiệp sở hữu nhiều nhà máy thủy điện, hưởng lợi từ pha thời tiết La Nina. POW là doanh nghiệp điện khí hàng đầu tại Việt Nam, là chủ đầu tư hai dự án điện khí LNG lớn là Nhơn Trạch 3 và 4 (sẽ đi vào vận hành năm 2025, giúp tăng công suất phát điện) và Nhà máy điện than Vũng Áng 1 tiếp tục hoạt động ổn định. Còn PC1 là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện trong bối cảnh hạ tầng điện đang được quan tâm đầu tư và có tính cấp thiết, đồng thời là chủ đầu tư của nhiều dự án điện thủy điện, điện gió.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-dau-tu-co-phieu-dien-post361218.html
Zalo