Cơ hội cuối của ông Zelensky để thuyết phục Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Nhà Trắng ngày 26/9 có lẽ là cơ hội cuối cùng để thuyết phục Tổng thống Mỹ về các mục tiêu của mình.

Chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tác động sâu sắc đến tương lai đất nước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tận dụng thời điểm này để chỉ ra sự tương phản rõ rệt giữa cách tiếp cận của bà và cựu Tổng thống Donald Trump với cuộc xung đột ở Ukraine.

Sự chia rẽ sâu sắc là bầu không khí chung trong cuộc họp ngày 26/9 tại Nhà Trắng. Trong một lần xuất hiện cùng ông Zelensky, bà Harris ám chỉ rằng đối thủ đảng Cộng hòa sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

"Có một số người ở đất nước tôi muốn Ukraine phải từ bỏ phần lớn lãnh thổ có chủ quyền của mình. Đây là những người sẽ yêu cầu Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập cũng như từ bỏ các mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác", bà Harris nói, đồng thời cho biết: "Những đề xuất này giống với những đề xuất của Tổng thống Putin và chúng tôi muốn làm rõ rằng chúng không phải là những đề xuất cho hòa bình. Thay vào đó, chúng là những đề xuất đầu hàng, điều này rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được".

Mặc dù bà Harris không nêu cụ thể người bà đang nói đến nhưng hàm ý thì đã rõ ràng.

"Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng Mỹ không thể và không nên cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới", bà Harris nói.

Tổng thống Zelensky đã có mặt tại Washington ngày 26/9 để cố gắng thuyết phục chính quyền Tổng thống Biden rằng Kiev vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, miễn là Mỹ và các nước khác tăng cường đáng kể và nhanh chóng viện trợ quân sự cho họ.

Cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Zelensky

Cựu Tổng thống Trump đã nói với báo giới hôm 26/9 rằng cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Ukraine sẽ diễn ra tại New York ngày 27/9 (giờ Mỹ). Ông Trump cho biết: "Tổng thống Zelensky đã yêu cầu gặp tôi và tôi sẽ gặp ông ấy vào sáng mai lúc 9h45 tại Tháp Trump".

Trước đó, ông Trump đã đăng trên Truth Social những gì có vẻ là một cuộc trao đổi riêng giữa Phó Đại sứ Ukraine và một trợ lý của ông, yêu cầu chuyển đề nghị của ông Zelensky về một cuộc gặp. Ông Trump không xác nhận trong bài đăng ông có chấp nhận yêu cầu này không. Theo một nguồn thạo tin, ông Zelensky đã ở lại Mỹ thêm 1 ngày để tổ chức cuộc họp trên.

Cuộc gặp này diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine gần đây nói với tờ The New Yorker rằng ông Trump "thực sự không biết cách ngăn chặn xung đột ngay cả khi ông ấy có thể nghĩ rằng mình biết cách".

"Với cuộc xung đột này, thường thì càng nhìn sâu vào nó bạn càng không hiểu", ông Zelensky nói trước chuyến đi Washington.

Ngày 26/9, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông mong đợi một cuộc gặp với ông Zelensky nhưng không đồng ý với đánh giá của nhà lãnh đạo Ukraine và nói rằng: "Tôi tin là tôi có thể tạo ra một thỏa thuận giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky khá nhanh chóng".

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump từ chối đi sâu vào chi tiết kế hoạch của mình và để ngỏ câu trả lời khi được hỏi liệu ông có tin rằng Ukraine nên nhượng lãnh thổ cho Nga như một biện pháp chấm dứt xung đột hay không.

Trước khi Tổng thống Zelensky đến Washington, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh tăng cường viện trợ cho Ukraine, chỉ đạo Lầu Năm Góc phân bổ toàn bộ số tiền còn lại đã được Quốc hội phê duyệt trước khi ông rời nhiệm sở với hy vọng đưa Kiev vào vị thế thuận lợi hơn, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

"Điều này sẽ tăng cường vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán tương lai", ông Biden nói.

Tổng thống Biden thường có xu hướng dành thời gian để đưa ra quyết định về việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí mới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử vào tháng 11 có khả năng báo trước sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ nếu ông Trump đắc cử nên các quan chức Ukraine và nhiều người Mỹ tin rằng không có nhiều thời gian để lãng phí.

Nỗ lực tăng cường viện trợ cho Ukraine của Tổng thống Biden

Nỗi lo lắng về tương lai hỗ trợ của Mỹ đã chi phối đến các chuyến thăm của ông Zelensky tới Washington. Khi nhà lãnh đạo Ukraine thăm Nhà Trắng vào năm ngoái, mục tiêu của chuyến thăm này một phần là để gây áp lực lên những người đứng đầu Quốc hội của đảng Cộng hòa để phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ mới. Khoản viện trợ đó cuối cùng đã được thông qua nhưng sự ủng hộ cho Ukraine trong số các đồng minh của ông Trump không cao. Mới đây, khi đến Tòa nhà Quốc hội hôm 26/9, ông Zelensky đã không gặp Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.

Tại cuộc họp kéo dài hơn 1 tiếng với các thượng nghị sĩ trước chuyến thăm Nhà Trắng, ông Zelensky đã đưa ra lập luận của mình về việc cần tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong khi vạch ra kế hoạch chiến thắng mà sau đó ông sẽ trình bày với ông Biden. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh Kiev cần được phép tấn công sâu hơn vào Nga - điều mà nhiều thượng nghị sĩ từng ủng hộ và đây tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Ukraine.

Trong khi đó, trước cuộc họp với ông Zelensky, Tổng thống Biden cho biết, ông đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng "phân bổ toàn bộ nguồn tài trợ hỗ trợ an ninh còn lại cho Ukraine vào cuối nhiệm kỳ của tôi". Tổng thống Mỹ cũng thông báo ông đang phê duyệt các vũ khí tầm xa mới, tên lửa Patriot và hoạt động mở rộng đào tạo cho các phi công Ukraine lái tiêm kích F-16.

Ông Biden tiết lộ ông có kế hoạch triệu tập các nhà lãnh đạo phương Tây vào tháng tới tại Đức để phối hợp nhằm giúp Ukraine giành chiến thắng.

Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có đủ để giúp đánh bại Moscow và Washington có cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga hay không. Mới đây, Tổng thống Biden cho biết ông quyết định cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa Joint Standoff Weapon (JSOW) để "nâng cao khả năng tấn công của Ukraine".

Trước chuyến thăm Nhà Trắng của ông Zelensky một ngày trước đó, Tổng thống Biden tuyên bố bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng chính quyền của ông "quyết tâm đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết để giành chiến thắng" trong xung đột.

Ukraine tìm cách phát triển quan hệ với bà Harris

Cuộc gặp riêng giữa ông Zelensky và bà Harris ngày 26/9 diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Ukraine kết thúc cuộc gặp với ông Biden, cho thấy mong muốn của ông trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ với ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Bà Harris và các trợ lý đã nỗ lực hết sức để khẳng định rằng, không có sự khác biệt giữa lập trường của bà và Tổng thống Biden trong các vấn đề chính về đối ngoại. Theo đó, cuộc xung đột ở Ukraine cũng không phải ngoại lệ và Kiev sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ không lay chuyển của Washington nếu bà Harris trở thành Tổng thống.

Cuộc gặp trực tiếp giữa Phó Tổng thống Harris với ông Zelensky hôm 26/9 đánh dấu cuộc gặp thứ 6 giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Vài ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, bà Harris đã gặp ông Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich, nơi hai người thảo luận về việc Nga tăng cường quân sự quanh Ukraine và khả năng xảy ra chiến tranh.

Bà Harris nhấn mạnh, không giống như dưới thời ông Trump, nếu bà trở thành tổng thống, Ukraine có thể trông cậy vào sự ủng hộ không lay chuyển của Mỹ.

Trước đó, đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chỉ trích ông Zelensky về một cuộc phỏng vấn với The New Yorker khi nhà lãnh đạo Ukraine gọi ứng viên phó tổng thống JD Vance là "quá cực đoan".

"Thông điệp của ông ấy có vẻ là Ukraine phải hy sinh. Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi về cái giá của xung đột và ai sẽ là người gánh chịu nó. Ý tưởng rằng thế giới nên chấm dứt cuộc xung đột này bằng việc Ukraine phải trả giá là không thể chấp nhận được. Với chúng tôi, đây là những tín hiệu nguy hiểm đến từ một người có thể trở thành phó tổng thống", Tổng thống Zelensky cho hay.

Trên thực tế, ngay trong chính quyền Tổng thống Biden cũng có một sự thừa nhận kín đáo rằng, bất kỳ đảm bảo nào mà ông Zelensky có thể nhận được từ ông Biden và bà Harris trong tuần này về cam kết hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine đều có thể trở nên vô nghĩa dưới thời của một tổng thống Mỹ khác.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/co-hoi-cuoi-cua-ong-zelensky-de-thuyet-phuc-my-tiep-tuc-ho-tro-ukraine-post1124423.vov
Zalo