Cơ hội cho sự phát triển công nghiệp đường sắt

Dự án đường sắt tốc độ cao tạo nhu cầu sản xuất thiết bị, phương tiện trị giá hàng chục tỷ USD, mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp đường sắt và các ngành phụ trợ. Việc Chính phủ xác định sử dụng nguồn vốn trong nước đầu tư đường sắt tốc độ cao là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa đường sắt tốc độ cao.

Theo tính toán, dự án đường sắt tốc độ cao cần tổng số 10.000 chi tiết thiết bị cho hạ tầng và phương tiện, bao gồm xây dựng hạ tầng nền đường, cầu, hầm và các hạng mục trên nền đường như tà vẹt, ray, ghi. Phương tiện đường sắt gồm đầu máy, toa xe. Ngoài ra còn có hệ thống thông tin tín hiệu, điện, thiết bị điều khiển... Hiện các doanh nghiệp trong nước đã hoàn toàn làm chủ xây dựng hạ tầng (cầu, đường, hầm) và tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa đường sắt tốc độ cao.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, với lĩnh vực xây dựng công trình như nhà ga, hầm xuyên núi, với kinh nghiệm thực hiện các công trình tầm cỡ như đường hầm đèo Cả, tòa nhà Landmark 81… ,doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng việc thi công công trình, cả về công năng, tính thẩm mỹ và bền vững cho đời sau.

Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD. Như vậy, dự án sẽ tạo quy mô thị trường rộng lớn, tạo cơ hội cho ngành công nghiệp đường sắt.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Hải Yến - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/co-hoi-cho-su-phat-trien-cong-nghiep-duong-sat-248201.htm
Zalo