Có hay không cuộc gặp giữa ông Putin và Zelensky ở Istanbul?

Chỉ còn hai ngày trước khi vòng đàm phán hòa bình do Nga khởi xướng dự kiến diễn ra tại Istanbul, Điện Kremlin vẫn chưa đưa đáp án cho câu hỏi then chốt: liệu Tổng thống Vladimir Putin có trực tiếp tham dự hay không. Trong khi đó, ông Zelensky tuyên bố đã sẵn sàng gặp mặt người đồng cấp Nga

Sức ép quốc tế càng gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong phát biểu ngày 12/5, tỏ ra tin tưởng rằng “cả hai nhà lãnh đạo” sẽ có mặt tại Istanbul. Nhận định này, dù mang tính thúc đẩy, cũng đặt Điện Kremlin vào thế khó xử: Làm thế nào để từ chối đề xuất đối thoại trực tiếp của ông Zelensky mà không làm mất lòng Nhà Trắng?

“Chúng tôi thực sự chưa rõ liệu ông Putin có đến Thổ Nhĩ Kỳ hay không,” nghị sĩ Ukraine Yelyzaveta Yasko chia sẻ với The Kyiv Independent. “Tôi không loại trừ khả năng ông ấy sẽ cử một đại diện khác hoặc đưa ra một lý do nào đó để vắng mặt. Đến thời điểm này, thật khó đoán định điều gì sẽ xảy ra”.

Ông Putin. Ảnh: Reuters

Ông Putin. Ảnh: Reuters

Đề xuất của Nga

Đề xuất mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin về việc tổ chức đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn dài hạn đang gia tăng. Người phát ngôn Dmitry Peskov ngày 12/5 tuyên bố rằng “ngôn ngữ ra tối hậu thư trong các cuộc đàm phán với Nga là không thể chấp nhận được”.

Theo các nhà lập pháp và chuyên gia Ukraine, phản ứng của Nga đối với đề xuất đàm phán ở Istanbul không phải là một tín hiệu “bật đèn xanh”, mà chỉ đơn thuần là chiến thuật trì hoãn. Cũng theo bà Yanchenko, đề xuất tổ chức đàm phán tại Istanbul mang theo một mục tiêu khác: tái khởi động lại các điều khoản của cái gọi là “thỏa thuận Istanbul” từ năm 2022.

“Điều Nga đang cố gắng làm hiện nay là bình thường hóa các tối hậu thư cũ và biến chúng thành điểm khởi đầu cho một tiến trình đàm phán mới”, bà Yanchenko nói.

Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, Nga và Ukraine đã từng tổ chức các vòng đàm phán tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không đạt được tiến triển đáng kể. Kể từ đó đến nay, không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai bên được tổ chức.

Thông tin rò rỉ từ các tài liệu nội bộ tiết lộ, Nga yêu cầu Ukraine cắt giảm quân số còn 50.000 người, thấp hơn năm lần so với lực lượng hiện tại trước xung đột, đồng thời thu hẹp năng lực quân sự, từ lực lượng hải quân, không quân đến các loại vũ khí hạng nặng. Ngoài ra, một điều kiện đặc biệt gây tranh cãi là việc cấm Ukraine phát triển, sản xuất hoặc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào có tầm bắn trên 250 km.

Moscow cũng kiên định một số với một số yêu cầu trước đó, bao gồm việc Kiev phải rút toàn bộ lực lượng khỏi bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, chính thức công nhận việc Nga sáp nhập các khu vực này và từ bỏ hoàn toàn tham vọng gia nhập NATO. Đối với Ukraine, đây là “những lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.

Biến số không thể lường trước

Điều mà có lẽ Điện Kremlin không lường trước được là phản ứng nhanh chóng và cứng rắn từ phía Kiev: Tổng thống Zelensky lập tức chấp thuận đề xuất đàm phán và tuyên bố sẽ đích thân đến Istanbul vào ngày 15/5, với một điều kiện duy nhất: Cuộc gặp chỉ có ý nghĩa nếu người đối diện ông là Vladimir Putin.

Ukraine đã phát đi thông điệp rõ ràng. Theo lời cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak, bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với các đại diện cấp thấp hơn đều là vô nghĩa. “Chỉ có ông Putin mới có quyền quyết định tiếp tục hay chấm dứt xung đột”, ông Podolyak phát biểu vào ngày 15/5, ngầm nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng phải bắt đầu với người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, phản ứng từ Moscow vẫn chỉ là sự im lặng kéo dài. Điện Kremlin chưa xác nhận liệu ông Putin có đích thân tới Thổ Nhĩ Kỳ hay không và nếu xét đến mọi yếu tố chính trị, khả năng đó dường như ngày càng trở nên xa vời.

“Tôi không cho rằng ông ta sẽ xuất hiện”, ông John Foreman, cựu Tùy viên Quốc phòng Anh tại Moscow, nói với The Kyiv Independent.

Ông Zelensky. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Nga đã đưa ra một lý do không thể bác bỏ để từ chối đàm phán với người đồng cấp: sắc lệnh mà ông Zelensky ký ban hành vào mùa thu năm 2022, tuyên bố sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sắc lệnh này được thông qua ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson hồi năm 2022 thông qua các cuộc trưng cầu dân ý ở mỗi vùng.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, sắc lệnh ấy chỉ mang tính biểu tượng, nhắm đến các nhóm trong nước tìm cách đàm phán riêng rẽ với Nga, thay vì ràng buộc quyền quyết định của ông Zelensky trên cương vị nguyên thủ.

“Quyết định có đàm phán với ông Putin hay không hoàn toàn nằm trong tay Tổng thống Zelensky”, nguồn tin này khẳng định.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát nhận định rằng Điện Kremlin vẫn chưa sẵn sàng cho việc kết thúc xung đột, đặc biệt khi chiến dịch quân sự của Nga trong mùa hè và mùa thu năm nay đã được lên kế hoạch từ lâu. Cuộc chơi kéo dài không còn là câu chuyện về đàm phán hay ngừng bắn, mà là câu hỏi về việc bên nào sẽ định hình lại trật tự hậu xung đột Nga-Ukraine.

Lý do của Nga

Giới quan sát cho rằng, có nhiều lý do để Nga tiếp tục trì hoãn thêm thời gian đàm phán. Theo ông Zheng Renyi, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải), Nga hiện đang chiếm thế thượng phong cả trên chiến trường lẫn bàn đàm phán khi chủ động đề xuất tổ chức đối thoại trực tiếp với Ukraine, trong lúc Kiev và các đồng minh phương Tây vẫn loay hoay chưa tìm ra phản ứng chiến lược đủ mạnh.

Ông Zheng nhận định, việc Tổng thống Vladimir Putin hai lần đưa ra đề xuất ngừng bắn vào các thời điểm mang tính biểu tượng cao – Lễ Phục sinh và Ngày Chiến thắng – rồi sau đó kêu gọi tổ chức đàm phán trực tiếp với Ukraine, là dấu hiệu cho thấy Nga không chỉ chiếm ưu thế về quân sự mà còn đang kiểm soát nhịp độ và định hướng tiến trình ngoại giao.

“Nga đang nắm vai trò dẫn dắt trong tiến trình chấm dứt xung đột", ông Zheng nói.

Diệp Thảo/VOV.VN Theo The Kyiv Independent, BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/co-hay-khong-cuoc-gap-giua-ong-putin-va-zelensky-o-istanbul-post1199339.vov
Zalo