Vô sinh vì từng mắc quai bị

Kết hôn nhiều năm không có con, đến các cơ sở y tế khám, anh Thiên được kết luận vô sinh, nguyên nhân do biến chứng của bệnh quai bị.

Kết hôn năm 2012, cô giáo Bùi Thị Giang (sinh năm 1988, trú tại Ninh Bình) và anh Trần Văn Thiên (làm thủy thủ) từng ngày mong ngóng tin vui nhưng đều vô vọng. Ai mách ở đâu có thuốc tốt anh chị đều tìm tới. Uống nhiều thuốc Nam, chị còn bị tăng men gan và phải điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Năm 2013, anh Thiên tranh thủ đi khám sức khỏe sinh sản, kết quả chẩn đoán anh bị vô sinh nam, nguyên nhân do biến chứng của bệnh quai bị trước đó. Nghi có sự nhầm lẫn, vợ chồng chị khăn gói ra bệnh viện tuyến trung ương kiểm tra lại. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ đều đưa ra kết luận, vô sinh do biến chứng quai bị. Để có con, cặp đôi phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Kỳ nghỉ hè năm 2017, vợ chồng chị ra Hà Nội khám và đăng ký làm IVF. Chị đậu thai sau lần chuyển phôi thứ 2 và sinh bé gái khỏe mạnh hồi tháng 9/2018. Tháng 12/2020, người phụ nữ quay lại để tiếp tục chuyển phôi trữ, lần này đậu thai đôi. Họ sinh thêm hai con gái nhỏ.

Bác sĩ can thiệp cho ca bệnh hiếm muộn nhiều năm.

Bác sĩ can thiệp cho ca bệnh hiếm muộn nhiều năm.

Theo Ths.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Hiện có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới. Trong đó, viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn sau mắc quai bị được coi là biến chứng rõ ràng nhất và đó là nguyên nhân có thể gây vô sinh nam.

Theo bác sĩ Việt, biến chứng sau quai bị là một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng vô tinh gây ra teo tinh hoàn, suy tinh hoàn dẫn đến không có “con giống”. Để có con, bệnh nhân cần được can thiệp và thực hiện IVF. Hiện phẫu thuật vi phẫu Micro TESE là can thiệp sâu giúp nam giới có con. Đây cũng được coi là biện pháp cuối cùng giúp nam giới được thực hiện thiên chức làm cha.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vo-sinh-vi-tung-mac-quai-bi-ar908305.html
Zalo