Cô giáo người Thái truyền đam mê luyện chữ đẹp đến với học sinh vùng cao

Cô Quàng Thị Xuân không chỉ giúp học trò cải thiện kỹ năng viết chữ mà còn truyền tải thông điệp về sự chăm chỉ, tỉ mỉ và tình yêu với tiếng Việt.

Ở vùng cao, việc mang con chữ đến với học sinh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một sứ mệnh thiêng liêng của người giáo viên.

Đặc biệt, đối với cô giáo Quàng Thị Xuân - người dân tộc Thái việc mang con chữ lên vùng cao không chỉ đơn thuần dạy học trò biết viết, mà còn khát khao giúp các em viết đẹp như in, bởi cô là một người say mê với nghệ thuật luyện chữ đẹp. Tình yêu dành cho những con chữ ngay ngắn, thanh thoát ấy đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, dẫn dắt cô đi suốt hành trình gieo mầm tri thức cho học sinh nơi miền núi.

Bỏ tiền túi mua bút máy cho học sinh luyện chữ đẹp

Cô giáo Quàng Thị Xuân, sinh năm 1990, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn - một trường học tại huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ về niềm đam mê viết chữ đẹp, cô Quàng Thị Xuân tâm sự: “Lý do tôi yêu thích viết chữ đẹp rất đơn giản đó là vì tình yêu với những con chữ, sự ngưỡng mộ đối với những người thầy, người bạn sở hữu những nét chữ thanh thoát, uyển chuyển.

Ban đầu, việc luyện chữ đẹp đối với tôi không hề dễ dàng. Tôi chưa từng tham gia khóa học nào về viết chữ đẹp, tất cả đều tự học. Tôi mua vở, bút và sách hướng dẫn luyện chữ, cố gắng thực hiện theo từng mẫu chữ một cách kiên nhẫn.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn tin rằng "nét chữ nết người", và đó chính là kim chỉ nam giúp tôi kiên trì theo đuổi niềm đam mê này”.

Từ khi còn là học sinh, cô gái trẻ người dân tộc Thái từng đạt giải Nhất chữ đẹp cấp trường tới tám lần và hai lần giành giải Nhì cấp huyện. Những thành tích đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và đam mê của cô Xuân đối với môn nghệ thuật này.

Nay khi đã trở thành giáo viên, cô Xuân muốn lan tỏa niềm đam mê luyện chữ cho các học sinh của mình. “Với tôi, việc dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là giáo dục nhân cách, rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn và sự tỉ mỉ.

Khi tôi dạy học sinh cách viết chữ đẹp, tôi cũng đang dạy các em rèn luyện sự tự trọng và lòng kiên trì. Viết chữ đẹp không chỉ là kỹ năng viết, mà còn là cách để các em bày tỏ sự tôn trọng với chính mình, với thầy cô và với người đọc bài viết của mình” - cô Xuân bày tỏ.

Học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn đến từ 7 dân tộc khác nhau là Thái, H'Mông, Lào, Khơ Mú, Mường, Tày, Kinh. Cô Xuân chia sẻ, có những học sinh còn chưa thành thạo tiếng Kinh, việc rèn chữ đẹp đối với các em ban đầu cũng gặp nhiều thử thách.

Tuy nhiên, cô Xuân luôn tin rằng việc luyện viết đúng, viết đẹp sẽ giúp các em chuyển thể từ văn bản đọc thành văn bản viết một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, chính quá trình rèn luyện này cũng khơi dậy trong các em niềm đam mê học tập, tạo động lực để các em vượt qua khó khăn.

Nữ giáo viên bày tỏ: “Hầu hết các em chưa từng tiếp xúc với bút máy, và tôi đã phải tuyên truyền, động viên các em để có thể mua bút và tự luyện viết. Thậm chí, tôi sẵn sàng mua bút cho các em để giúp các em có điều kiện luyện tập.

Tôi hiểu rằng, để viết đẹp, bút là công cụ quan trọng, bút vừa tầm tay, ngòi bút phù hợp sẽ giúp học sinh viết tốt hơn".

Chính nhờ sự kiên trì và tình yêu với chữ đẹp, cô đã thấy được những thành quả tuyệt vời, không chỉ từ chính bản thân mình mà còn từ những học sinh mà cô đã dạy dỗ, truyền cảm hứng. Câu chuyện về việc luyện chữ đẹp là một phần không thể thiếu trong hành trình dạy học của cô.

Nhà trường và ngành giáo dục huyện Sốp Cộp cũng rất quan tâm đến việc rèn chữ cho học sinh, vì vậy hàng năm đều tổ chức các hội thi viết chữ đẹp dành cho cả giáo viên và học sinh. Cô Xuân tự hào tiết lộ hàng năm đều có những học sinh do chính tay cô rèn luyện tham gia và giành giải cao trong các cuộc thi này.

 Học sinh của cô Quàng Thị Xuân tham gia cuộc thi viết chữ đẹp. Ảnh: NVCC.

Học sinh của cô Quàng Thị Xuân tham gia cuộc thi viết chữ đẹp. Ảnh: NVCC.

Mở câu lạc bộ Chữ Việt đẹp để lan tỏa tình yêu luyện chữ

Cô Quàng Thị Xuân tâm sự, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khi mà việc sử dụng các thiết bị công nghệ để đánh máy đã trở nên phổ biến, nhiều người dường như đã ít quan tâm đến chữ viết tay.

Tuy nhiên, dù thế giới có thay đổi đến đâu, nét chữ viết tay vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng mà không một công nghệ nào có thể thay thế được.

 Những sản phẩm luyện chữ hàng ngày của cô Xuân. Ảnh: NVCC.

Những sản phẩm luyện chữ hàng ngày của cô Xuân. Ảnh: NVCC.

“Viết chữ tay không chỉ đơn giản là thể hiện một kỹ năng mà còn là phương tiện giáo dục những phẩm chất quý giá như tính kiên trì, sự tỉ mỉ, tinh thần kỷ luật và thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, luyện chữ đẹp còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn khi nó góp phần bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của chữ viết Việt Nam, cũng như giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chữ viết không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là tài sản vô giá, là linh hồn của một nền văn hóa. Việc rèn luyện chữ đẹp chính là một cách để chúng ta bảo vệ và phát huy di sản văn hóa quý báu này.

Với tôi, chữ viết đẹp không chỉ là niềm đam mê cá nhân mà còn là tình yêu với vẻ đẹp tinh túy của văn hóa dân tộc, và tôi luôn mong muốn lan tỏa tình yêu ấy đến với học sinh, cộng đồng và đồng nghiệp” - nữ giáo viên bày tỏ.

Với niềm đam mê và tâm huyết dành cho việc luyện chữ đẹp, cô Xuân đã cùng một số thầy cô giáo trong trường, các đồng nghiệp từ Trường Đại học Tây Bắc và những thầy cô giáo yêu thích chữ viết đẹp ở tỉnh Điện Biên, chung tay sáng lập Câu lạc bộ Chữ Việt đẹp tại khu vực Sơn La – Điện Biên.

Đây là một sáng kiến đầy tâm huyết, không chỉ nhằm nâng cao kỹ năng viết chữ cho các thầy cô và học sinh mà còn để phát triển một phong trào văn hóa mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

Hiện tại, cô Xuân đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm của câu lạc bộ, là một người dẫn dắt quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động, giúp câu lạc bộ ngày càng phát triển và lan tỏa rộng rãi.

 Cô Xuân cùng các thành viên Câu lạc bộ Chữ Việt đẹp tại khu vực Sơn La – Điện Biên. Ảnh: NVCC

Cô Xuân cùng các thành viên Câu lạc bộ Chữ Việt đẹp tại khu vực Sơn La – Điện Biên. Ảnh: NVCC

Tại câu lạc bộ, các thành viên không chỉ có cơ hội luyện tập và cải thiện kỹ năng viết mà còn được truyền cảm hứng từ niềm đam mê chung với nghệ thuật chữ viết. Thông qua những buổi luyện chữ, các thầy cô trong câu lạc bộ mong muốn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị của việc viết đẹp, từ đó lan tỏa tình yêu với chữ Việt và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu.

Cô Xuân chia sẻ rằng, dù mới thành lập nhưng câu lạc bộ đã dần khẳng định được vị trí của mình trong cộng đồng, thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều thầy cô và học sinh từ các trường học trong khu vực.

Cô hy vọng rằng, trong tương lai, câu lạc bộ sẽ ngày càng được biết đến rộng rãi hơn, và phong trào luyện chữ đẹp sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời đại hiện đại.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-giao-nguoi-thai-truyen-dam-me-luyen-chu-dep-den-voi-hoc-sinh-vung-cao-post246960.gd
Zalo