Cô gái trẻ kể chuyện văn hóa qua ẩm thực truyền thống
'Những tháng vừa qua, đất nước chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ. Trong nghịch cảnh ấy, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc. Điều này khơi dậy trong chúng tôi ý tưởng tạo ra một sản phẩm chứa đựng đầy đủ hương vị bánh chưng ba miền, để kể câu chuyện giao thoa văn hóa, kết nối tình thân'. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thu Hoài, đại diện công ty Nương Bắc khi nói về ý tưởng thực hiện một sản phẩm mang tính 'Quốc thực' cho mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Từ bánh chưng truyền thống đến món quà mang niềm tự hào dân tộc
Chiều mùa đông, trong cái nắng hanh hao mang theo hơi lạnh, ghé thăm Khu làng nghề Triều Khúc (Tân Triều, Huyện Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Nguyễn Thu Hoài - cô gái sinh năm 1990 suốt 8 năm qua luôn đau đáu đi tìm lời giải cho câu hỏi: Làm sao để chiếc bánh chưng-biểu tượng của Tết Việt, không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn trở thành món quà đầy ý nghĩa kết nối văn hóa, tình thân.
Và thật bất ngờ khi biết một cô nàng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao lại có đam mê kinh doanh ẩm thực truyền thống. Càng ngạc nhiên hơn khi biết người sáng lập một thương hiệu bánh chưng có tiếng hóa ra không phải con của làng nghề làm bánh chưng nào, cũng không sinh ra trong gia đình có truyền thống buôn bán ẩm thực, thậm chí còn chẳng thạo nấu ăn.
Thu Hoài chia sẻ, ý tưởng nâng tầm ẩm thực truyền thống Việt đến với cô từ quãng thời gian cô nhập những chiếc bánh chưng ở Điện Biên về bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc. Càng tiếp xúc với nhiều tệp khách, cô càng nhận ra nhu cầu biếu, tặng những món ăn truyền thống của người Việt vô cùng lớn và gửi gắm trong đó nhiều ý nghĩa. Điều này đã thôi thúc Hoài phải nghĩ ra tên cũng như diện mạo mới cho chiếc bánh để khách hàng có thể yên tâm đem sản phẩm của mình đi làm quà tặng. Đó cũng là lý do năm 2017, Nương Bắc chính thức ra đời.
Suốt thời gian đầu, để có thể làm chủ được công thức bánh với những yêu cầu riêng, Thu Hoài cùng mẹ của mình đã tới nhiều làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng như Bờ Đậu (Thái Nguyên) hay Tranh Khúc (Hà Nội) để tìm hiểu, học hỏi. Cô nhận ra cũng là từ những nguyên liệu thuần Việt như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, nhưng mỗi cách gói, gia giảm, gia nhiệt… lại cho ra những thành phẩm, hương vị khác nhau.
Mãi sau nhiều tuần, cô mới có được sản phẩm ưng ý làm nên hương vị riêng của Nương Bắc. Những chiếc bánh chưng đầu tiên được Hoài gửi tặng khách hàng thân thiết để xin nhận xét, góp ý. Và những “cơn mưa” lời khen cùng đơn đặt hàng đến ngay sau đó đã giúp cô gái trẻ tự tin để đưa sản phẩm ra thị trường.
Không chỉ chú trọng vào khâu lựa chọn nguyên liệu chuẩn, sạch để giữ trọn độ mềm dẻo, hương vị thơm ngon của những chiếc bánh chưng truyền thống, Thu Hoài và những cộng sự của mình còn đặc biệt đầu tư cho việc mang những câu chuyện văn hóa vào sản phẩm.
Chẳng hạn, hộp bánh chưng hai tầng của Nương Bắc ra đời từ năm 2018 được lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang với đường nét thiết kế gói trọn tinh hoa của núi rừng Tây Bắc; còn hộp Ngọc Việt kết hợp bánh chưng, bánh tét được nâng cấp qua các năm 2021, 2024 lại thu hút bởi thiết kế pop-up 3D lân, rồng đón xuân...
Mỗi sản phẩm là một câu chuyện văn hóa
Đặc biệt, đánh dấu hành trình 8 năm tuổi của Nương Bắc, Thu Hoài vừa cho ra mắt Hộp quốc thực - bánh chưng ba miền đầu tiên cho mùa Tết Ất Tỵ 2025. Điểm độc đáo của sản phẩm là khi dựng dọc, hộp sẽ mở ra với hình ảnh núi non hùng vĩ tượng trưng cho miền bắc và miền trung. Còn khi mở ngang, hộp lại hiện lên với hình ảnh sông nước bao la mang đặc trưng của miền tây Nam Bộ.
Sáng tạo thú vị này cùng sự kết hợp của ba loại bánh và những câu chuyện văn hóa gắn liền bánh chưng, bánh tét, bánh gù được in trên hộp sản phẩm chở đi nhiều thông điệp ý nghĩa, khơi lên niềm tự hào về ẩm thực truyền thống và văn hóa Việt Nam.
Thu Hoài chia sẻ, với sản phẩm này, cô muốn nhấn mạnh tới sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, lan tỏa văn hóa Việt.
Khởi nguồn từ chiếc bánh chưng, Thu Hoài còn không ngừng sáng tạo để đưa câu chuyện văn hóa vào nhiều sản phẩm bánh truyền thống khác như bánh trôi, bánh chay cho dịp Tết Hàn thực; bánh gio cho dịp Tết Đoan Ngọ; hay bánh nướng, bánh dẻo cho dịp Tết Trung thu.
Không chỉ cung cấp bánh thành phẩm, cô và Nương Bắc còn cung cấp những set nguyên liệu đã sơ chế để khách hàng có thể mua về tự làm cùng gia đình, người thân, từ đó cảm nhận sâu sắc, trọn vẹn hơn tình cảm đoàn viên cũng như ý nghĩa văn hóa ẩn chứa trong từng loại bánh.
Để có những chiếc bánh với chất lượng đồng đều hơn, năm 2023, Thu Hoài đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, nhà xưởng sản xuất đạt chứng nhận về ISO 22000 - Tiêu chuẩn sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế cho Nương Bắc. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu bước tiến ngoạn mục khi Nương Bắc có thể tối ưu sản xuất, gia tăng thời hạn sử dụng bánh chưng từ 3 ngày lên 15 ngày nhờ ứng dụng công nghệ thanh trùng hiện đại và quy trình một chiều nghiêm ngặt. Đây chính là bàn đạp vững vàng để những chiếc bánh chưng Nương Bắc dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Với hơn 230.000 chiếc bánh chưng đã bán, 70.000 lượt khách hàng tin dùng trong năm 2024, và hơn 200 đối tác uy tín trên khắp cả nước, Nương Bắc đã chứng minh được hiệu quả của việc gắn kết giá trị truyền thống và tinh hoa ẩm thực.
Thu Hoài bày tỏ, Nương Bắc đặt mục tiêu sẽ "xuất khẩu" văn hóa của người Việt thông qua ẩm thực truyền thống. Cô mong muốn những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc sẽ giúp những người Việt xa xứ có thể vơi đi nỗi nhớ quê hương, từ đó tự hào đem những sản phẩm ấy giới thiệu đến bạn bè quốc tế.