Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành

Christine Hà, cô gái khiếm thị gốc Việt đã xuất sắc đạt được vị trí quán quân của chương trình truyền hình thực tế 'Vua đầu bếp' Mỹ (tên tiếng Anh MasterChef) năm 2012. Trở lại Việt Nam lần này, Christine Hà đã truyền cảm hứng về nghị lực và sự nỗ lực hết mình vì đam mê cho nhiều người, trong đó có những phụ nữ dân tộc thiểu số chưa từng rời khỏi bản làng.

Christine Hà, tên tiếng Việt là Hà Huyền Trân (SN 1979) sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Cha mẹ của Christine Hà đều là người Việt. Năm 19 tuổi, Christine Hà bị chẩn đoán mắc phải một chứng bệnh về thị giác hiếm gặp khiến thị lực của cô mất dần và hoàn toàn mất hẳn vào năm 2007. Nhưng những khó khăn này đã không ngăn cản cô học tập và theo đuổi những đam mê trong cuộc sống.

"Khi không nhìn rõ, tôi thường hoài niệm những món Việt mà mẹ từng nấu"-Christine Hà tâm sự . Chính mẹ cô là người đã giới thiệu cho cô những hương vị ẩm thực Việt Nam, đặc biệt nhất là phở, thịt kho, trứng và xôi. Những hương vị bình dị đó đã theo cô suốt thời thơ ấu cho đến khi cô 14 tuổi khi mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư phổi.

Từ chính những hương vị trong hoài niệm, dù không có công thức nào do mẹ để lại, Christine Hà vẫn quyết tâm tự mày mò nấu ăn, tưởng tượng ra hương vị, rồi mời bạn bè thưởng thức. Họ hào hứng với bữa ăn, khen ngon, khiến cô có thêm động lực. "Đôi mắt mờ dần nhưng tình yêu với nấu nướng, các món ăn, hương vị lại thăng hoa", Christine Hà chia sẻ.

Christine Hà sử dụng các giác quan để nấu ăn. “Khi ở bếp tại nhà tôi có thể làm mọi thứ một mình nhưng ở môi trường khác tôi cần sự giúp đỡ. Nấu ăn không chỉ ở việc nhìn thấy mà còn cần nhiều giác quan như ngửi, sờ… Khi tôi mất đi thị giác, các giác quan hài hòa với nhau hơn và tôi luôn lắng nghe những điều xảy ra quanh mình và tôi còn ngửi mùi để hiểu được môi trường bao quanh mình”, Christine Hà chia sẻ.

Một ngày, chồng của cô - anh John Suh (người Mỹ gốc Hàn) đã động viên vợ đăng ký dự thi MasterChef, bởi nghĩ rằng câu chuyện của vợ có thể truyền cảm hứng cho người xung quanh. Cuối cùng, với nghị lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ, người phụ nữ gốc Việt đã trở thành quán quân Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ ba, với những món ăn đậm hương vị Việt.

Christine Hà trổ tài nấu món Hàn Quốc bằng nguyên liệu Việt Nam tại bản Bướt.

Christine Hà trổ tài nấu món Hàn Quốc bằng nguyên liệu Việt Nam tại bản Bướt.

Trở thành quán quân cuộc thi khiến cuộc sống của cô gái khiếm thị gốc Việt có nhiều đổi thay tích cực. Cô được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, học hỏi các công thức, biết thêm các loại gia vị và nấu nhiều món ngon hơn.

Nhà hàng đầu tiên của Christine Hà tại Houston có tên là "The Blind Goat", có tên thuần Việt là “Dê Mù” bởi vì Christine Hà tuổi dê và cô ấy bị mù. Cũng bởi cái tên này, Hà đưa món thịt dê vào thực đơn của nhà hàng. Đó là một món hầm sang trọng với nguyên liệu là phần thịt vai của con dê được ngâm trong nước sốt dừa và xả. Món này được phục vụ với cơm và một lớp dưa cải như cách mà mẹ của cô đã từng làm. Hà cũng bày tỏ lòng kính trọng với mẹ bằng món khai vị với trứng chiên với thịt lợn và cơm. Hà nói rằng cô phải dựa vào trí nhớ của mình mới có thể gợi lại được hương vị và kết cấu của món ăn.

Nhà hàng này của cô đã được James Beard Foundation đề cử là một trong những nhà hàng mới xuất sắc nhất năm 2020 tại Mỹ. Cũng trong năm đó, giữa lúc đại dịch COVID-19 căng thẳng, nữ đầu bếp mở nhà hàng thứ hai trên đất Mỹ, đặt tên là "Xin chào". Hồi tháng 6, cô mở nhà hàng thứ ba mang tên "Stuffed Belly" cũng tại Houston, Texas.

Christine Hà cho biết, cô rất yêu thích ẩm thực Việt Nam, vì ẩm thực Việt Nam rất cân bằng, từ vị, kết cấu, nhiệt độ, sự kết hợp của các loài thảo mộc, tạo nên hương vị đầy sức sống và không quá nặng nề.

Christine Hà đang có mặt ở Việt Nam trong chương trình Sứ giả Nghệ thuật kéo dài 12 ngày do Đại sứ quán Mỹ tổ chức, trong đó giao lưu ngày 17-18/9 với phụ nữ bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La) là hoạt động đầu tiên.

Trong cuộc giao lưu với phụ nữ tại xã Chiềng Yên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, Christine Hà cho biết cuộc sống của cô ở Mỹ có nhiều khó khăn với những người được coi là thuộc nhóm thiểu số, thách thức càng lớn khi mất thị lực.

"Nhưng chúng ta không thể ngồi chờ phép màu, mà phải luôn chủ động, luôn đặt câu hỏi mình cần gì", Christine Hà nói. Cô cho rằng những nơi từng đến, người từng gặp luôn mang một ý nghĩa nào đó và "biết đâu một ngày, mọi thứ sẽ kết nối với nhau như những chấm nhỏ kết thành một đường, làm động lực để chúng ta vượt qua".

Cô cũng cho rằng ẩm thực đã giúp cô được đi đến nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, ăn những món ăn mới, có những trải nghiệm ý nghĩa, và hy vọng các cuộc gặp ở Việt Nam có thể là khởi đầu cho những kết nối và những dự án rõ nét hơn để tiếp tục hợp tác với phụ nữ địa phương trong tương lai.

Tại bản Bướt, Christine Hà đã thể hiện tài nấu nướng của mình bằng việc làm món cơm rang và thịt nướng kiểu Hàn Quốc từ các nguyên liệu của chính bản Bướt như thịt lợn bản, gạo nếp, ngô nếp… Sau đó cô đã trao tặng cho chị em phụ nữ bản Bướt ở HTX Đồng Rừng công thức nấu món ăn trên, truyền cảm hứng cho chị em về một hành trình vượt qua những thách thức của số phận để khẳng định giá trị của mình trong cuộc sống.

Christine Hà hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số thưởng thức món ăn do cô nấu.

Christine Hà hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số thưởng thức món ăn do cô nấu.

Chia sẻ với phóng viên, Christine Hà cho biết, cô đã quay lại Việt Nam gần 10 lần, phần lớn là khi đã trưởng thành. “Mỗi lần quay lại tôi đều thấy có sự thay đổi. Tôi cố gắng thử món ăn mới và gặp gỡ nhiều người mới, do vậy đó luôn là trải nghiệm thú vị. Trong 12 ngày tôi trở lại Việt Nam lần này thuộc chương trình của Liên hợp quốc và tôi làm một "tour ngoại giao ẩm thực" xuyên suốt Việt Nam và học về thực phẩm, các văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó tôi còn giảng dạy về kinh doanh của nữ giới, cách điều hành kinh doanh và dạy các lớp học nấu ăn, nói về khuyết tật”, Christine Hà cho biết.

“Vua đầu bếp” cũng bày tỏ niềm vui khi được đến bản Bướt, cô cho biết, cô đến từ Houston vốn cũng là vùng thành thị, và rồi đến Hà Nội cũng tương tự như vậy và đến đây thực sự được trải nghiệm không khí tốt trong lành, gần gũi với thiên nhiên, và ở nơi rất khác biệt với nơi cô sinh sống.

Khi được hỏi thông điệp và trải nghiệm mà cô muốn chia sẻ với các phụ nữ dân tộc thiểu số tại Vân Hồ, Christine Hà mỉm cười cho biết: “Mặc dù có sự khác biệt, sinh ra ở nơi khác nhau, quốc gia, gia đình khác nhau nhưng chúng ta có điểm chung là phụ nữ, mạnh mẽ và có động lực sống tốt cho chính bản thân và gia đình mình. Đó là điều khiến chúng ta có kết nối, điểm chung. Do đó, tôi hy vọng câu chuyện của tôi, cuộc đời tôi có thể truyền cảm hứng cho họ một cách nào đó. Tại đây, tôi cũng được học về cách sống của họ, thực phẩm họ tiêu thụ, cách họ nấu ăn. Phụ nữ có thể có sức mạnh sống độc lập và sống cuộc sống của chính họ”.

Bài, ảnh: Thu Trang - Linh Đinh
Thiết kế: Thu Trang

20/09/2023 02:55

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/van-hoa/nghi-luc-cua-co-gai-khiem-thi-goc-viet-tro-thanh-vua-dau-bep-my-20230920123836175.htm
Zalo