Cô gái Cao Bằng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để đưa đặc sản gia đình ra thị trường

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Xuyên, chủ cơ sở sản xuất Thu Hằng ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, là người quyết tâm xây dựng thương hiệu bún khô truyền thống gia đình là sản phẩm OCOP để khẳng định chất lượng, mở rộng thị trường.

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Bận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, hiện nay trên địa bàn huyện Bảo Lâm chỉ có 4 sản phẩm OCOP (đều 3 sao) là: Rượu mầm Sông Gâm, gạo thơm Yên Thổ (người địa phương gọi là Khẩu hom, bún gạo khô Thu Hằng và dầu sở Quang Phong.

Trong đó, sản phẩm đang được tiêu thụ rộng rãi và cung cấp ra thị trường nhiều nhất là sản phẩm bún gạo khô Thu Hằng. Mặt hàng này đang được ưa chuộng tại địa phương và các vùng lân cận, sản lượng sản xuất lên tới 7 tấn bún khô/năm.

Bún gạo khô Thu Hằng được làm từ gạo đặc sản địa phương có tên là Đoàn Kết.

Bún gạo khô Thu Hằng được làm từ gạo đặc sản địa phương có tên là Đoàn Kết.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đến Cơ sở sản xuất Thu Hằng tại bản vùng cao Tổng Ngoảng, thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm. Nơi đây cách trung tâm huyện hơn 15 km, cách đường quốc lộ 34 khoảng 5 km (với 3 km đường đất và hơn 2km đường nhỏ ô tô không tránh nhau được). Mặc dù có điều kiện không thuận lợi để phát triển sản xuất thương mại như vậy, nhưng việc sản phẩm bún gạo khô Thu Hằng vẫn bay cao, bay xa ra thị trường là điều khiến nhiều người tò mò.

Chị Nguyễn Thị Xuyên, Chủ cơ sở Thu Hằng chia sẻ: Bún khô Thu Hằng được yêu thích là do được sản xuất từ duy nhất loại gạo đặc sản bản địa tên là gạo Đoàn Kết, nhưng năng suất thấp nên sản lượng không nhiều. Ngoài ra, cơ sở không cho thêm bất cứ nguyên liệu và chất bảo quản nào khác. Với kỹ thuật làm bún gia truyền, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, cải tiến cách làm để tạo ra sản phẩm thơm ngon nhất, bổ dưỡng và an toàn tuyệt đối với người sử dụng.

Quy trình làm bún cơ bản là thủ công, đảm bảo an toàn.

Quy trình làm bún cơ bản là thủ công, đảm bảo an toàn.

Gia đình chị Xuyên từ ngày xưa đã biết làm bún, nhưng chủ yếu là phục vụ gia đình. Đến năm 2017, nhà chị mua thêm máy móc với mục đích làm bún nhiều hơn để bán cho bà con trong làng dịp lễ, tết. Sau đó, nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng nhiều, thì sản xuất tăng lên, mở rộng thị trường. Đến năm 2022, chính thức đăng ký địa phương thành lập cơ sở sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Hiện nay sản phẩm bún khô Thu Hằng đã cung cấp hàng ngày cho các cơ sở ăn uống tại huyện Bảo Lâm và trong tỉnh Cao Bằng; các huyện lân cận thuộc tỉnh Hà Giang là Yên Minh và Bắc Mê; huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra là khách lẻ từ khắp nơi trên cả nước thông qua vận chuyển bằng xe khách, hoặc chuyển phát nhanh.

Chủ cơ sở Nguyễn Thị Xuyên khẳng định sản phẩm OCOP sẽ giúp bún khô Thu Hằng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường.

Chủ cơ sở Nguyễn Thị Xuyên khẳng định sản phẩm OCOP sẽ giúp bún khô Thu Hằng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường.

Chị Xuyên khẳng định: Việc được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2023 là sự công nhận xứng đáng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất để tạo nên thương hiệu bún khô Thu Hằng. Từ đó sản phẩm cũng được khách hàng tin dùng nhiều hơn, số lượng bán ra tăng lên. Chúng tôi xác định, duy trì sản phẩm OCOP và cải tiến mẫu mã, bao bì sẽ giúp bún khô Thu Hằng mở rộng thị trường hơn nữa, đủ điều kiện đi vào các hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng sản phẩm OCOP trên cả nước.

Để tiếp cận thị trường, Cơ sở sản xuất bún khô Thu Hằng đang tích quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; các lễ hội văn hóa các dân tộc của tỉnh Cao Bằng. Chủ cơ sở cũng rất năng động, sử dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…) để quảng bá, qua đó giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng, hiệu quả hơn.

Toán Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-gai-cao-bang-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-ocop-de-dua-dac-san-gia-dinh-ra-thi-truong-10294657.html
Zalo