Cổ đông không tán thành giao dịch bán 24% vốn KDF, quyết giữ thương hiệu Celano - Merino

Hơn 91% cổ đông dự họp đã không tán thành giao dịch bán 24,03% cổ phần do KIDO sở hữu tại KDF.

Sáng nay (24/01/2025), CTCP Tập đoàn KIDO (KDF) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.

Bên cạnh việc báo cáo tình hình kinh doanh năm 2024, trọng tâm của cuộc đại hội bất thường là giao dịch bán 24,03% cổ phần CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) và các nội dung liên quan đến nhãn hiệu Celano và Merino.

Cuộc họp này được tổ chức dựa trên ý kiến của ban kiểm soát gửi HĐQT công ty. Theo đó, ngày 17/01/2023, HĐQT KIDO đã ban hành nghị quyết số về việc tìm đối tác chuyển nhượng một phần vốn sở hữu 24,03% tại KDF. Sau giao dịch bán của KIDO, tỷ lệ sở hữu của KIDO tại KDF đã giảm từ 73% xuống còn 49%. Đây là một giao dịch trọng yếu, giảm tỷ lệ sở hữu của công ty thành viên của tập đoàn trở thành công ty liên kết. Ban kiểm soát cho biết vì điều này chưa được quy định rõ ràng trên Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty nên cần được đại hội đồng cổ đông xem xét, có ý kiến thêm.

Đồng thời, việc công ty liên kết đang sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của KIDO là vấn đề trọng yếu cần được đại hội đồng cổ đông xem xét và cho ý kiến. Ban kiểm soát yêu cầu đưa giao dịch này ra đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết.

Tại đại hội, đại diện KIDO cho biết Quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt trong việc khuyến khích thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Chính vì vậy, thương hiệu linh hồn của doanh nghiệp được KIDO đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ.

Ngay đầu năm 2022, từ chủ trương đều trên KIDO đã tiến hành các thủ tục để chuyển toàn bộ thương hiệu nhãn hiệu từ các công ty con, công ty thành viên về tập đoàn, trong đó có 34 thương hiệu nhãn hiệu từ KDF. Ngày 30/06/2022, KDF và KIDO đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu với KDF là bên chuyển nhượng và KIDO là bên nhận chuyển nhượng. Theo đó, KDF chuyển cho KIDO toàn bộ quyền sở hữu liên quan đến các nhãn hiệu đang được bảo hộ theo các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được liệt kê trong danh sách kèm theo hợp đồng. Sau đó, tập đoàn sở hữu và quản lý toàn bộ thương hiệu/nhãn hiệu sử dụng tại các công ty con và công ty thành viên.

Tại phần thảo luận, ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO cho biết, một doanh nghiệp muốn thành công ngoài sản phẩm tốt, kênh phân phối mạnh, kỹ thuật, công nghệ,… thì không thể thiếu thương hiệu. “Thương hiệu là tài sản mất nhiều thời gian từ khi khai sinh đến khi được người tiêu dùng yêu chuộng không phải là một quá trình đơn giản. Riêng thương hiệu KIDO cũng phải mất đến 31 năm. Vai trò của thương hiệu rất quan trọng với sự phát triển của tập đoàn”.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO

Chủ tịch KIDO cũng cho biết, tập đoàn đã thực hiện nhiều thương vụ M&A từ khi ra đời đến nay. Khi mua nhà máy kem Wall’s năm 2003 cũng không đi kèm việc sử dụng thương hiệu của Wall’s, hay khi mua lại Golden Hope (nay là KIDO Nhà Bè), KIDO cũng không được sử dụng thương hiệu sẵn có. Ông Trần Kim Thành cho biết, những bên làm M&A chuyên nghiệp đều hiểu việc mua nhà máy khác mua thương hiệu, M&A có thương hiệu hay không có thương hiệu là khác nhau. Đến nay khi chuyển từ công ty con sang công ty liên kết mới xuất hiện sự không rõ ràng thế này mặc dù theo chứng nhận thì các nhãn hiệu vẫn do KIDO sở hữu.

Tại phần thảo luận, đại diện Quỹ đầu tư Star Pacifica Pte. Ltd (Singapore) - cổ đông lớn nắm hơn 7% vốn KDC cho rằng, việc chuyển nhượng vốn KDF nằm trong thẩm quyền của HĐQT. Tuy nhiên đại diện quỹ đầu tư không đồng tình với giao dịch này vì không được tham gia biểu quyết và giao dịch có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Quỹ đầu tư Star Pacifica Pte. Ltd cho rằng KIDO sẽ vận hành ngành kem hiệu quả.

Một quỹ đầu tư khác cũng cho biết, khi mua cổ phiếu KDC, họ tin tưởng vào cách KIDO vận hành ngành dầu ăn và ngành kem khiến quỹ thấy doanh nghiệp có tiềm năng. Tuy nhiên thời gian qua, KIDO đã thực hiện chuyển nhượng cổ phần KDF mà không thông qua sự biểu quyết của cổ đông, do đó quỹ đầu tư này không đồng tình với giao dịch bán vốn KDF của KIDO và yêu cầu tiến hành các biện pháp biểu quyết công khai để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Kết quả biểu quyết tại đại hội, hơn 91% cổ đông dự họp đã không tán thành giao dịch bán 24,03% cổ phần do KIDO sở hữu tại KDF và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định các điều khoản cụ thể, giao dịch, thỏa thuận, thương lượng với đối tác về các giao dịch và vấn đề liên quan, kể cả các thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thay thế liên quan đến giao dịch này.

Hơn 99% cổ đông cũng đều không đồng ý việc chuyển nhượng nhãn hiệu Celano và Merino mà KIDO đang sở hữu (bao gồm 34 nhãn hiệu liên quan) cho KDF nhằm giữ quyền sở hữu tại tập đoàn để đảm bảo giá trị thương hiệu và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhãn hiệu, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng đã xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) - người khởi kiện trong vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” đối với CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) và CTCP Dat Viet Media.

Theo đó, Tòa án Nhân dân TP.HCM quyết định Cấm KDF sử dụng (quảng cáo, quảng bá, giới thiệu…) nhãn hiệu “Celano” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Celano được cấp.

Đồng thời, cấm CTCP Dat Viet Media không được quảng cáo, quảng bá, giới thiệu đối với nhãn hiệu “Celano” trong chương trình “Anh trai Say Hi” và chương trình “2 Ngày 1 Đêm” cũng như trên trang Facebook của 2 chương trình này mang tên “Anh trai Say hi Vie Chanel” và “2 Ngày 1 Đêm Vietnam” và trên tài khoản Tiktok có tên “VieON”, “2Ngay1DemVietnam”.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-dong-khong-tan-thanh-giao-dich-ban-24-von-kdf-quyet-giu-thuong-hieu-celano---merino-d242639.html
Zalo