Cố đô 600 năm tuổi, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc
Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là Cố đô cổ xưa được vua Lê Lợi xây dựng từ năm 1428, khởi đầu cho chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Nơi đây được xây dựng như một kinh thành ở quê hương của nhà vua với mục đích thờ cúng tổ tiên và để các vua an nghỉ.
Dấu vết kiến trúc nghệ thuật tinh tế
Năm 2012, Lam Kinh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi này, không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí.
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện nay tọa lạc trên diện tích 200ha, nằm ở hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc. Ban đầu, công trình này có quy mô nhỏ, chủ yếu là nơi thờ cúng và an nghỉ của các vị vua, hoàng hậu. Qua thời gian, khu điện được mở rộng và trở thành nơi thờ cúng và nghỉ ngơi của hoàng gia.
Với vị trí linh thiêng, vương triều Hậu Lê đã cắt cử quan chức và đội quân bảo vệ khu di tích này suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, qua thời gian, các công trình bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai và sự lãng quên của con người, khiến Lam Kinh trở thành một phế tích.
Mặc dù các đền đài, điện miếu không còn nguyên vẹn, nhưng những di vật, nền móng các công trình và lăng mộ vẫn giữ lại giá trị lịch sử to lớn. Lam Kinh được xếp hạng là di tích quốc gia từ năm 1962 và vào năm 1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi khu di tích này. Đặc biệt, vào năm 2012, Lam Kinh chính thức được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của nó đối với dân tộc.
Các cuộc khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc của kinh đô này, cho thấy một quy hoạch bài bản, tinh tế, kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và các công trình nhân tạo. Các công trình tại Lam Kinh như Chính điện, Thái Miếu và các lăng mộ đều được thiết kế hài hòa với địa hình tự nhiên, tạo thành một quần thể thống nhất và bề thế.
Những chi tiết trang trí tinh xảo như đầu rồng, phù điêu, gạch ốp trang trí và hoa văn rồng mây thể hiện kỹ thuật chế tác gỗ, gạch đá rất tinh xảo. Các công trình này không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vua và hoàng hậu, đồng thời là trung tâm hành chính và văn hóa của vương triều Lê.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cho biết trong số hàng trăm ngàn khách du lịch về với Lam Kinh hàng năm, ước tính lượng khách là học sinh, sinh viên chiếm khoảng 1/3. Cùng với đó, Lam Kinh đã đón một lượng lớn du khách quốc tế. Đông đảo bà con du khách thập phương đã tìm về nơi đây thăm quan, vãn cảnh, thắp hương thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân.
Đặc biệt nơi đây hiện đang lưu giữ 5 tấm bia cổ, là những tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc. Cả 5 tấm bia đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.
Và những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại.
Lam Kinh không chỉ là nơi khởi nghĩa Lam Sơn và chiến thắng vĩ đại của Lê Lợi trước quân Minh, mà còn là mảnh đất lưu giữ nhiều câu chuyện huyền bí và bí ẩn khiến nhiều người tò mò. Một trong những câu chuyện nổi bật là về cây lim cổ thụ, tuổi thọ khoảng 600 năm, mọc ngay trong khu di tích.
Chị Hoàng Thị Hiền, thuyết minh viên ở di tích này kể, khi dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010, cây lim đột ngột chết và rụng lá. Điều kỳ lạ là khi hạ cây lim, lõi cây vẫn nguyên vẹn, không bị rỗng như các cây lim khác, và kích thước của cây trùng khớp với các chân đế đá cột cái của Chính điện. Người dân tin rằng cây lim này được "lựa chọn" để phục dựng công trình lịch sử, gắn liền với vua Lê Lợi, là biểu tượng linh thiêng nối quá khứ và hiện tại.
Ngoài cây lim, câu chuyện về cây ổi biết "cười" tại Vĩnh Lăng, nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ, cũng rất đặc biệt. Cây ổi này có lá nhỏ và phát ra âm thanh giống tiếng cười khi gãi vào thân. Điều kỳ lạ là hiện tượng này chỉ xảy ra trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ, không xảy ra khi trồng ở nơi khác.
Câu chuyện về cây đa - thị cũng là một phần không thể thiếu trong Lam Kinh. Trước khi là cây đa, đó là cây thị rất to và nhiều quả. Chim chóc đến ăn quả thị đã vô tình mang mầm sống của cây đa vào lòng cây. Dần dần, cây đa bao bọc cây thị, tạo thành một cây Đa Thị độc đáo. Cây này được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2013, tượng trưng cho sự sinh sôi, sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại.
Những câu chuyện này không chỉ là truyền thuyết mà còn phản ánh tín ngưỡng và niềm tin của người dân vào sự bảo vệ của các bậc tiền nhân. Lam Kinh, với những câu chuyện huyền bí này, trở thành không gian thiêng liêng, nơi du khách không chỉ tìm hiểu lịch sử mà còn cảm nhận được sức mạnh huyền bí và linh hồn của mảnh đất này. Những câu chuyện càng làm tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử của Lam Kinh, khẳng định tầm quan trọng của khu di tích này đối với người dân Thanh Hóa và cả nước.