Trở lại vùng càng

Vùng càng, mảnh đất đặc trưng nhất của huyện Hải Lăng không chỉ bởi nơi đây là vựa lúa của tỉnh, mà còn là một vùng sông nước có nhiều đặc sản cá tôm. Mùa khô, người dân nghiêng đồng hứng nước từ sông Ô Lâu để gieo sạ cây lúa. Mùa nước nổi, họ trở thành những ngư phủ trên cánh đồng mênh mông. Người dân nơi đây sống hồn hậu với thiên nhiên, tận dụng nguồn phù sa màu mỡ sau mỗi đợt lũ để có thêm hạt lúa chắc đầy, căng sữa .

Càng Hội Điền giữa mênh mông nước -Ảnh: M.T

Càng Hội Điền giữa mênh mông nước -Ảnh: M.T

Tôi trở lại vùng càng, huyện Hải Lăng trên chuyến đò sớm mai xuôi dòng Ô Lâu tình sử. Bình minh hửng sáng phía chân trời báo hiệu một ngày nắng ráo. Người dân ra bến nước giặt rửa, sinh hoạt, tiếng nói cười vang cả mặt sông. Hứng chí, bác lái đò nghiêng người tạo một vòng cua tuyệt đẹp. Phía bên kia tạo con sóng vỗ bờ thùm thụp, nơi ấy vang lên tiếng “ai giỡn hoài chi lạ rứa hè” của người xứ Huế, thôn Phước Tích, Hạ Viên của xã Phong Hòa và Phong Bình, huyện Phong Điền. Bác trả lái bờ bên này lại nghe nặng tiếng Quảng Trị của người dân thôn Văn Quỹ, Hưng Nhơn của xã Hải Phong, huyện Hải Lăng: “Ơ eng ni hay chưa tê, dám chọc bọn tui à”. Thế đấy, một dòng sông Ô Lâu giao thoa hai miền văn hóa đậm đà bản sắc, thấm đẫm thêm trang tình sử bến nước - con đò ngày xưa. Sông mang nặng phù sa tưới mát cho lúa thêm vàng những cánh đồng vùng càng chiêm trũng.

Ký ức xưa...

Tương truyền, cách nay hơn 500 năm về trước, trong hành trình mở cõi, lập làng, các bậc tiền nhân đã chọn mảnh đất phía Đông huyện Hải Lăng, nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh, có dòng Ô Lâu khởi nguồn từ Trường Sơn hùng vĩ để mở mang không gian sản xuất, sinh hoạt. Một số người dân thuộc các xã Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Thành (Hải Lăng) đã đến phần đất ruộng thấp trũng phía sau làng, cạnh bờ sông Ô Lâu để sinh cơ lập nghiệp. Các cụm dân cư này được gọi là càng. Cả thảy có 7 càng, gồm: Cây Da, Hưng Nhơn, An Thơ, Mỹ Chánh, Hội Điền, Câu Nhi và Trung Đơn.

Dòng Ô lâu tình sử, nơi giao thoa hai miền văn hóa của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế -Ảnh: M.T

Dòng Ô lâu tình sử, nơi giao thoa hai miền văn hóa của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế -Ảnh: M.T

Có lần, chúng tôi về công tác tại càng An Thơ, thấy nông dân hối hả gặt lúa đang độ vào chắc mang về nhà phơi cất. Hỏi ra mới biết bà con thu hoạch lúa vụ hè thu chạy lũ sớm. Một lão nông râu tóc bạc phơ chia sẻ: “Gặt bây giờ chỉ thu được 5 hoặc 6 phần, trừ hết mọi khoản chi phí coi như mất mùa. Nhưng nhìn ráng trời thì biết, khoảng mươi ngày nữa, lũ sớm sẽ tràn về ngập trắng đồng, lúc đó một hạt thóc lép cũng chẳng còn. Thôi thì “xanh nhà hơn già đồng”.

Quả đúng như dự đoán, chỉ 5 hôm sau, lũ cuồn cuộn tràn về trắng đồng làm hàng nghìn ngôi nhà cùng tài sản bị ngập hoàn toàn. Địa hình các càng dạng lòng chảo nên bị ngập úng bởi nước sông: Thác Ma, Ô Lâu, Ô Khê, Tân Vĩnh Định, Cựu Vĩnh Định. Sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị thiên tai đe dọa bởi 3 kỳ lũ. Lũ tiểu mãn xuất hiện từ 15/5 đến 15/6 hằng năm.

Đây là thời kỳ thu hoạch của lúa vụ đông xuân và gieo cấy vụ hè thu. Lũ đầu vụ xảy ra vào thời kỳ gieo cấy vụ đông xuân từ 15-31/12. Lũ sớm vào thời kỳ thu hoạch lúa hè thu từ 20/8 đến 10/9. Khu vực huyện Hải Lăng, mỗi năm trong mùa lũ chính vụ có 4 - 5 đợt lũ vừa và nhỏ gây ngập gần như toàn bộ vùng trồng lúa, hoa màu và một số khu dân cư. Đặc điểm chung là lũ ập đến nhanh nhưng rút rất chậm do địa hình vùng thấp trũng và chỉ có một hướng thoát ra phá Tam Giang.

Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng càng Cây Da, thôn Diên Trường, xã Hải Thọ, hài hước: “Người dân nói về lũ ở vùng càng như câu cửa miệng của dân nhậu “vào ba ra bảy”. Thời gian mỗi đợt lũ nhỏ kéo dài từ 2 - 3 ngày, lũ lớn kéo dài từ 4 - 5 ngày. Nhưng ngập lụt kéo dài thêm từ 3 - 7 ngày sau mới xuống mức bình thường”.

Dân càng đã hết đem bao chặn dòng...

Trước đây, người dân vùng trũng Hải Lăng thường truyền tụng câu ca: “Bao giờ có tuyến đê cao/ Dân tôi mới hết đem bao chặn dòng”. Cũng chẳng biết từ bao giờ, việc đem bao cát trấn đê, chống lũ cứu làng đã trở thành một tập quán mang đậm bản sắc của người nông dân vùng trũng. Và mong ước trở thành hiện thực khi năm 2010, Dự án Quản lý rủi ro thiên tai của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tiểu dự án Chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng đã được UBND tỉnh Quảng Trị triển khai xây dựng tuyến đê bê tông ngăn lũ hiện đại với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng .

Chúng tôi cập bến tại càng Hội Điền, bác lái thuyền cố ý chạy trên tuyến đường bê tông nối tuyến đê bao và càng, vừa dùng sào đo mực nước. Bác ngán ngẩm: “Ảnh hưởng của cơn bão số 4 khiến đường bê tông ngập khoảng 2 m, ruộng ngập sâu hơn nhiều lần, nguy hiểm lắm”. Giữa trời chang chang nắng, người dân các càng khác đang vệ sinh nhà cửa, đem thóc lúa ra phơi, thì ở đây vẫn mênh mông nước. Thế mới thấm câu “vào 3 ra 7” của ông Sơn.

Một tiết học của điểm trường càng -Ảnh: M.T

Một tiết học của điểm trường càng -Ảnh: M.T

Càng Hội Điền có 42 hộ với gần 200 khẩu, 30 học sinh các cấp học. Mùa mưa, phụ huynh đưa đón học sinh bằng đò máy. Trước kia, đê bao bằng đất thì mùa nước nổi, học sinh nghỉ học cả mấy tháng trời. Nay có tuyến đê bao vững chắc kiêm chức năng giao thông thì việc học bị gián đoạn chỉ trong các trận lũ lớn.

Bởi cái “đặc biệt” này nên Hội Điền là càng duy nhất được công nhận ngang một thôn, trưởng càng được hưởng các chế độ của thôn trưởng, 6 càng còn lại không có. 7 càng của huyện Hải Lăng thì xã Hải Phong có 4 càng gồm: Hội Điền, An Thơ, Hưng Nhơn, Câu Nhi.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phong Cái Văn Cư cho biết: “Tổng diện tích lúa toàn xã là 1.132 ha, trong đó 4 càng gần 100 ha. Năng suất lúa đạt 70 tạ/ha/vụ. Có cuộc sống như ngày hôm nay, người dân vùng trũng Hải Lăng rất biết ơn chính quyền đã xây dựng tuyến đê bao vững chãi bảo vệ của cải, mùa màng, kết hợp làm đường phục vụ dân sinh, cứu hộ trong mùa lũ. Đây là huyết mạch quan trọng cho 7 vùng càng phát triển KT-XH”.

Minh chứng cho lời mình nói, anh Cư mượn chiếc xe máy chở tôi đến từng càng trên tuyến đê bao êm thuận. Nói thêm một chút về vị phó chủ tịch xã này. Cách đây 15 năm, tôi về công tác tại xã Hải Hòa trong một trận lũ rất lớn. Lúc đó, khoảng 3 giờ sáng ngày 4/9/2009, ông Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã Hải Hòa bùn đất bê bết, giọng khào khào đánh thức tôi: “Cống Hạ Miếu bị vỡ do sức nước quá mạnh từ thượng nguồn đổ về...”.

Theo chân ông Mãnh, tôi chứng kiến người dân tập trung đông nghịt dùng tre, rơm, đất, rọ đá để hàn khẩu nhưng đều bị nước cuốn trôi. Dưới ánh điện sáng như ban ngày, một người đàn ông cao lớn, cởi trần, mặc chiếc quần đùi đứng giữa dòng nước lũ chảy xiết kêu gọi người dân lập một “hàng rào người” nhằm giảm bớt sức nước để thả rọ đá xuống hàn khẩu.

Và ngay lập tức hàng chục người lao xuống với anh. Họ kề vai sát cánh tạo thành một hàng rào vững như bàn thạch khiến dòng nước hung hãn phải chững lại. Người đàn ông này nói với tôi: “Biết là nguy hiểm đến tính mạng, phải chịu trách nhiệm nếu chuyện không may xảy ra, nhưng không còn cách nào khác bởi sau lưng là sự sống của hàng nghìn người dân vùng trũng, là hàng nghìn héc ta lúa chưa kịp gặt đang bị ngập...”. Người dũng cảm đó chính là anh Cái Văn Cư.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Tôi gặp các trưởng càng: Trần Ngọc Sơn, càng Cây Da; Cái Vạn Thơi, càng An Thơ; Lê Văn Linh, càng Hưng Nhơn, tất cả đều khẳng định vị trí quan trọng của tuyến đê bao đối với cuộc sống người dân vùng càng.

Tuyến đê tựa con rồng khổng lồ uốn lượn theo các triền sông Ô Lâu, Ô Khê, Tân Vĩnh Định, Cựu Vĩnh Định, từ địa phận xã Hải Sơn kéo qua các xã vùng trũng đến xã Hải Thành của huyện Hải Lăng. Đê được kiên cố hóa 3 mặt bằng các tấm bê tông dày sau khi qua lớp bạt lọc dẻo dai. Mặt đê rộng trung bình 4 m, có những nơi rộng 5 m. Mái và đỉnh đê đảm bảo ổn định khi lũ chính vụ tràn qua. Những đoạn đê kết hợp làm đường giao thông cứu hộ trong mùa mưa bão thì cứ 500 m có một điểm tránh xe ô tô rộng rãi.

Trước khi vào vùng càng, tôi trò chuyện với ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng và chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo huyện. Ông Hải cho biết, tuyến đê bao đã ngăn được lũ tiểu mãn và lũ sớm, bảo vệ vùng sản xuất 12 xã vùng trũng Hải Lăng. Tuy nhiên, đợt mưa lớn bất thường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2024 đã vượt quá khả năng ngăn lũ của tuyến đê bao này.

Sau mỗi mùa mưa lũ hàng năm, các bờ sông bị xói lở nặng, có đoạn lở sát vào tận chân đê bao, tạo thành hàm ếch. Mái taluy dương dọc đê bao được lát bằng tấm bê tông bị nứt. Huyện đang đề nghị cấp trên cho nâng cấp cao trình tuyến đê bao, hệ thống bơm tiêu úng để đảm bảo ngăn lũ, bảo vệ mùa màng cho khoảng 5.000 ha tại vùng trũng Hải Lăng.

Tôi điện thoại chào bác lái đò vui tính để anh Cư đưa về trung tâm huyện Hải Lăng bằng xe gắn máy. Trời tối thế này, lại có thông tin tuyến đê bao đang hư hại, nguy hiểm quá không? tôi lo lắng. “Chú yên tâm, anh có “bề dày” hơn 20 năm làm phó chủ tịch UBND xã (trước đây anh Cư là Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, nay sáp nhập Hải Hòa và Hải Tân thành xã Hải Phong, anh đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phong). Đây là con đường anh đi ra huyện họp chừng ấy năm nên nhớ từng viên sỏi, từng tấm đan bị hỏng. Mong muốn của người dân ở đây là được Nhà nước hay các tổ chức tài trợ hệ thống điện mặt trời dọc tuyến đê bao để thuận tiện cho việc đi lại. Có thể lúc đầu khoảng 50 m một cột điện, nếu tiếp tục có kinh phí sẽ tăng dày thêm”, anh Cư chia sẻ.

Tôi đồng tình với nguyện vọng chính đáng của người dân vùng càng, cũng như trái tim nhiệt huyết, đầy trách nhiệm của vị phó chủ tịch xã này.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tro-lai-vung-cang-190731.htm
Zalo