Cơ chế tinh vi giúp mắt không bị 'nhòe' trước chuyển động nhanh

Khi lia mắt từ điểm này sang điểm khác cực nhanh, chúng ta không thấy thế giới xung quanh nhòe đi.

Nếu dùng máy ảnh lia nhanh như vậy, hẳn khung hình sẽ bị nhòe, kéo vệt. Nhưng con người thực hiện những cú đảo mắt chớp nhoáng, được gọi là "saccade", hàng trăm nghìn lần mỗi ngày và không hề gặp phải vấn đề tương tự. Các nhà khoa học Đức đã tìm ra cơ chế giúp lý giải hiện tượng này.

Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Đại học Kỹ thuật Berlin hé lộ một sự thật thú vị: Chính tốc độ của những cú liếc mắt ấy lại đặt ra một giới hạn tự nhiên cho khả năng nhìn của chúng ta. Điều này có nghĩa là, nếu một vật thể nào đó di chuyển với tốc độ và kiểu mẫu tương tự như một cú liếc mắt điển hình, nó có thể trở nên vô hình đối với nhận thức của chúng ta, ngay cả khi mắt ta đang cố định. Hãy tưởng tượng một chú sóc chuột thoắt ẩn thoắt hiện hay một quả bóng tennis bay vun vút, nếu tốc độ của chúng đạt đến ngưỡng tương đồng với chuyển động saccade, chúng ta có thể không còn nhìn thấy chúng nữa.

Phát hiện này cho thấy giới hạn thị giác của con người không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào độ nhạy của các tế bào cảm thụ ánh sáng trong mắt. Nó còn liên quan mật thiết đến cách cơ thể chúng ta vận động, cụ thể là đôi mắt.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ liếc mắt của mỗi người có thể dự đoán được ngưỡng mà tại đó một vật thể chuyển động nhanh sẽ biến mất khỏi tầm nhìn của họ. Điều này cũng lý giải tại sao có sự khác biệt giữa các cá nhân. Những người sở hữu khả năng liếc mắt nhanh hơn bình thường có thể nhận biết và theo dõi các vật thể chuyển động ở tốc độ cao tốt hơn. Đây có thể là một lợi thế không nhỏ đối với những vận động viên thể thao, game thủ chuyên nghiệp hay các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, những người thường xuyên phải đối mặt với các mục tiêu di chuyển nhanh.

"Chúng ta có thể cảm nhận thế giới vật lý ở mức độ nào phụ thuộc căn bản vào độ nhạy của các 'cảm biến' của chúng ta", Martin Rolfs, tác giả chính của nghiên cứu giải thích. "Ví dụ, chúng ta không thấy ánh sáng hồng ngoại vì mắt chúng ta không nhạy cảm với nó, và chúng ta không thấy được sự nhấp nháy trên màn hình vì chúng nhấp nháy ở tần số cao hơn mức mắt chúng ta có thể phân giải".

Tuy nhiên, theo ông Rolfs, nghiên cứu này lại mở ra một khía cạnh khác: Giới hạn của thị giác còn được xác định bởi chính những hành động mà cơ thể thực hiện. Trong trường hợp này, đó là những cú liếc mắt cực nhanh.

Não bộ dường như có một cơ chế thông minh để lọc bỏ những chuyển động "nhòe" trên võng mạc do chính saccade gây ra. Chúng ta không hề ý thức được sự xáo trộn hình ảnh này. Điều đáng nói là, khi một kích thích bên ngoài có kiểu chuyển động tương tự như saccade, nó cũng bị "lọc" và trở nên vô hình. Hệ thống thị giác dường như được tinh chỉnh để nhận biết và bỏ qua những chuyển động do chính nó tạo ra, giúp chúng ta có một trải nghiệm nhìn ổn định và mượt mà, thay vì một thế giới nhòe nhoẹt liên tục. Đây là một đặc điểm thông minh, cho phép mắt vẫn nhạy bén với các chuyển động nhanh từ môi trường, nhưng chỉ đến một "ngưỡng" nhất định - do chính các cú liếc mắt của chúng ta tạo ra.

Nghiên cứu này nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống thị giác và hệ thống vận động của cơ thể, một khía cạnh thường bị bỏ qua do sự tách biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu.

Thanh Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/suc-khoe/co-che-tinh-vi-giup-mat-khong-bi-nhoetruoc-chuyen-dong-nhanh-20250515071417139.htm
Zalo