Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon: Doanh nghiệp Việt cần chủ động thích ứng
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một phần gói 'Fit for 55' của EU, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong EU ít nhất 55% đến năm 2030.
Các cơ chế này sẽ tác động không nhỏ đối với xuất khẩu của các quốc gia. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan để đánh giá và chuẩn bị phản ứng phù hợp khi mà sắp hết thời hạn chuyển tiếp và bước vào giai đoạn chính thức từ năm 2026.
Để hiểu rõ hơn về cơ chế và các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC)
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và cách thức hoạt động của cơ chế này?
Cơ chế CBAM là cơ chế mới lần đầu tiên áp dụng trên thế giới và châu Âu là vùng đầu tiên khởi xướng cơ chế này. Cơ chế CBAM chia thành hai giai đoạn, kể từ 1/10/2023, là giai đoạn chuyển tiếp với các mặt hàng trong 6 lĩnh vực: nhôm, xi măng, sắt thép, hóa chất, điện và hydrogen chịu tác động.
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thuộc nhóm các mặt hàng này sẽ phải cung cấp các thông tin liên quan đến suất phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm. Từ năm 2026 trở đi, CBAM sẽ chính thức thực hiện với nghĩa vụ xác minh dữ liệu phát thải và thanh toán chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải khí nhà kính tích hợp của hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Theo cơ chế này, các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU sẽ đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ phát thải CBAM nếu lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn của EU (giá chứng chỉ sẽ dựa trên giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu).
Các nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng hóa nhập khẩu và giao nộp số lượng chứng chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu có tài liệu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng hóa đó, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
Đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ không còn được cấp hạn ngạch phát thải CO2 miễn phí và phải nộp 100% phí CBAM.
- Các doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM như thế nào, thưa bà?
Khi châu Âu thực hiện cơ chế này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các nghĩa vụ liên quan đến báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Đặc biệt, CBAM không chỉ yêu cầu dữ liệu trong phạm vi doanh nghiệp mà còn yêu cầu dữ liệu phát thải của chuỗi cung ứng, cụ thể là của nguyên liệu đầu vào.
Nếu các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, hoặc đơn vị cung ứng không có số liệu phát thải thì sẽ gặp khó khăn cho việc báo cáo. Mặc dù châu Âu cho phép sử dụng các số liệu, áp dụng tương đối linh hoạt để tính toán, trong giai đoạn đầu, nhưng bắt đầu từ năm 2025, quy định áp dụng chặt chẽ hơn.
Đây là một cơ chế mới và doanh nghiệp sẽ có khó khăn liên quan đến việc nhận thức, khó khăn trong cái việc thu thập dữ liệu để đáp ứng nghĩa vụ báo cáo. Đặc biệt, châu Âu kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, khả năng mở rộng ra các lĩnh vực khác, cơ chế này tiếp tục phát triển và điều chỉnh, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp để có thể thích ứng.
- Chuẩn bị cho lộ trình áp dụng từ năm 2026, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những kế hoạch, lộ trình cụ thể để ứng phó với CBAM nhằm bảo vệ xuất khẩu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế?
Chứng chỉ CBAM thực ra không phải do doanh nghiệp xuất khẩu mua, mà các đơn vị nhập khẩu tại châu Âu sẽ phải đăng ký với đơn vị thuế và mua chứng chỉ CBAM tương ứng với phát thải khí nhà kính của hàng hàng hóa mà họ nhập khẩu vào. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán nhà nhập khẩu sẽ tìm cách trao đổi và chuyển một phần chi phí sang các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, nghĩa vụ liên quan đến báo cáo nghĩa vụ liên quan đến chứng minh, định giá Carbon đã được chi trả tại các nước sở tại đó là nhiệm vụ của đơn vị xuất khẩu.
Từ năm 2026, xác nhận chứng chỉ CBAM phải nộp, sẽ căn cứ vào phát thải của sản phẩm và phát thải đó phải được xác nhận bởi một bên thứ ba mà được các nước châu Âu công nhận. Như vậy, với giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ phải làm quen với quá trình xác nhận, thẩm tra của bên thứ ba độc lập và khả năng chia sẻ chi phí đối với đơn vị nhập khẩu, trong nghĩa vụ liên quan đến thanh toán CBAM điều này góp phần gia tăng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, hiện nay châu Âu mới chỉ đưa ra hướng dẫn cho giai đoạn chuyển tiếp và khả năng là cuối 2025 thì châu Âu mới đưa ra các hướng dẫn cho giai đoạn thực hiện chính thức.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải theo dõi rất sát sao quá trình xây dựng chính sách của châu Âu và nắm bắt được các quy định trong giai đoạn CBAM bắt đầu chính thức áp dụng. Ngoài ra, liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, Việt Nam bắt đầu đưa vào từ năm 2023, đã phân bổ hạn ngạch khí thải cho 2.166 doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện xây dựng hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh, đầy đủ, có thể cập nhật thường xuyên để báo cáo theo đúng yêu cầu của CBAM. Các báo cáo này, còn phải đảm bảo đủ độ chính xác, độ tin cậy cho đơn vị thứ ba khi vào được thẩm định. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đánh giá các chi phí, lợi ích và lên kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho các sản phẩm hàng hóa của mình.
Việc thanh toán là giải pháp cuối cùng mang tính chất thụ động, các doanh nghiệp mà muốn nâng cao cạnh tranh trên thị trường sẽ phải chủ động xây dựng các phương án để giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, doanh nghiệp vừa có thể áp dụng các công nghệ tiên tiến và hướng tới quá trình chuyển đổi xanh, giảm chi phí phải thanh toán cho CBAM.
Sắp tới, Việt Nam có quy định liên quan đến giao dịch mua bán tín chỉ carbon trên thị trường. Đối với cơ chế CBAM nếu doanh nghiệp đã chi trả giá carbon tại nước xuất khẩu thì giá để chi trả cho chứng chỉ CBAM ở châu Âu sẽ được trừ đi, được điều chỉnh với giá carbon mà doanh nghiệp đã trả ở nước sở tại.
Như vậy, với cơ chế này doanh nghiệp cần ủng hộ và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam để thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và ủng hộ chính sách liên quan đến định giá carbon trong nước. Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo một phần nguồn thu về định giá carbon sẽ được giữ lại và sử dụng cho Việt Nam thay vì chúng ta chuyển toàn bộ phần thanh toán đó cho phía châu Âu.
- Để chuẩn bị ứng phó, theo bà các cơ quan quản lý cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu của cơ chế CBAM?
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể áp dụng cơ chế để có thể xuất khẩu được thuận lợi.
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham gia vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ của CBAM, xây dựng kế hoạch ứng phó của Việt Nam đối với CBAM và hỗ trợ các cái doanh nghiệp để thích ứng với chính sách này. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến kiểm kê khí nhà kính và đây là cơ sở đầu tiên để mà doanh nghiệp thích ứng với CBAM.
Ngoài ra, các trợ lực liên quan đến cơ chế tài chính xanh sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm cái nguồn lực để đầu tư vào chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi công nghệ và giúp giảm phát thải khí nhà kính, tăng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp cho các doanh nghiệp giảm bớt tác động của cơ chế CBAM.