Bắc Giang gắn chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
Bắc Giang đã duy trì và phát triển mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất liên kết, tạo thuận lợi để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh.
Theo ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian tới địa phương tiếp tục quan tâm đổi mới, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, quản lý trong nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả với trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trong đó, xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn liền với sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm chủ lực của địa phương và sản phẩm OCOP.
Bắc Giang thực hiện thí điểm mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt đưa khoa học công nghệ và trình độ quản trị vào chuỗi giá trị; phát triển mạnh trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.
Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, khoa học - kỹ thuật, quản trị kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, công nghiệp chế biến sâu mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của địa phương như vải thiều, cam, bưởi, rau chế biến, cây dược liệu, gỗ, thịt lợn, thịt gà…
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết, phát huy vai trò cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, tỉnh xây dựng liên kết giữa các xã, huyện có điều kiện tương đồng về điều kiện khí hậu, đất đai, trình độ kỹ thuật sản xuất, công nghệ, nguồn nhân lực, phát triển của hiệp hội ngành hàng... để hình thành sản phẩm có cùng lợi thế so sánh. Qua đó, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đồng nhất về chất lượng, tăng tính cạnh tranh, mang lại giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho nông dân...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 19/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, Bắc Giang đã duy trì và phát triển mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất liên kết, hợp tác giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh.
Đến nay, trên địa bàn đã triển khai 86 chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Lĩnh vực trồng trọt có 51 chuỗi, chăn nuôi 10 chuỗi, thủy sản 25 chuỗi. Một số chuỗi điển hình như: “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gạo Nếp cái hoa vàng Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa”; “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn”; “Chuỗi liên kết chăn nuôi gà đồi thương phẩm an toàn sinh học trên địa bàn huyện Yên Thế”; “Chuỗi liên kết chăn nuôi dê thương phẩm an toàn sinh học trên địa bàn huyện Yên Thế”; “Chuỗi liên kết chăn nuôi vịt an toàn sinh học trên địa bàn huyện Hiệp Hòa”; “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ dê thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam”.
Ngoài ra còn có mô hình sản xuất tiêu thụ lợn sạch tại huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hòa; mô hình liên kết giữa chăn nuôi gia công giữa các hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp, công ty như: Công ty CP (Thái Lan), JAFA (Indonesia), DABACO, RTD; chuỗi liên kết sản xuất rau cần Hoàng Lương đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàng Lương, Hiệp Hòa…/.