Cơ chế đặc thù mở rộng cao tốc Bắc Nam đạt chuẩn cao tốc

Bộ Xây dựng đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư mở rộng hơn 1.100 km cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh từ 4 lên 6 làn xe chạy đạt chuẩn cao tốc.

Sớm huy động nguồn lực

Phương án mở rộng tuyến cao tốc này được Bộ Xây dựng đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ 152.135 tỷ đồng. Chủ trương này sẽ góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc "xương sống" cả nước theo quy hoạch, tăng năng lực vận tải, tạo ra cơ hội để các nhà thầu giao thông trong nước tìm kiếm cơ hội việc làm, phát huy hiệu quả nguồn lực, thiết bị máy móc đã đầu tư phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 20217 – 2020 và giai đoạn II 2021-2025 đang thi công.

Cần cơ chế đặc thù mở rộng cao tốc Bắc Nam đạt chuẩn cao tốc.

Cần cơ chế đặc thù mở rộng cao tốc Bắc Nam đạt chuẩn cao tốc.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối tại TP Cà Mau dài khoảng 2.055km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc), quy mô từ 6 - 12 làn xe. Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206 km, đang thi công 834 km (hoàn thành năm 2025, trừ đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km). Hiện nay, các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông có 1.163 km đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; 99 km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113 km đang đầu tư mở rộng quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe.

Để huy động nguồn lực đầu tư, trước mắt Bộ Xây dựng xem xét trong phạm vi cao tốc Bắc Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1.144 km. Các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau dài 149 km hiện có nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn; nhu cầu vật liệu đang thiếu hụt, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư.

Qua rà soát, Bộ Xây dựng kiến nghị các dự án hiện đang đang thu phí do Nhà nước đầu tư sẽ tiếp tục giao cho các chủ đầu tư chịu trách nhiệm huy động vốn đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch tùy thuộc vào nhu cầu vận tải; các dự án BOT sẽ do nhà đầu tư tiếp tục xem xét đầu tư mở rộng vào thời điểm thích hợp tùy thuộc phương án tài chính, nhu cầu vận tải.

Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), việc mở rộng tuyến cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt, các nhà đầu tư cũng đề xuất phương án mở rộng tại các đoạn tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông tăng cao, trung bình khoảng 11%/năm như: Cao Bồ - Mai Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu… đã mãn tải 4 làn xe, không đáp ứng được nhu cầu vận tải với tốc độ tối đa 90 km/giờ.

Qua tìm hiểu, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và chủ trương tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vận tải sẽ tiếp tục tăng so với dự kiến tính toán trước đó. Đây là một trong yếu tố đòi hỏi việc đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam cần sớm được xem xét triển khai. Nếu mở rộng quy mô mặt cắt ngang lên 6 làn xe theo đề xuất, tuyến sẽ đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc, tốc độ khai thác được nâng lên 120 km/giờ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn do tiết kiệm chi phí vận hành, thời gian đi lại.

Cần cơ chế đặc thù

Đề cập đến lộ trình triển khai dự án, TEDI đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề ra kế hoạch cụ thể. Dự kiến, chủ trương đầu tư mở rộng sẽ được báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 4/2025; phê duyệt chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 6/2025 (trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025); phê duyệt dự án thành phần trong tháng 9/2025; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 11/2025 và khởi công dự án trong quý IV/2025.

Lộ trình này dựa trên căn cứ nếu được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù theo đề xuất của Bộ Xây dựng như: Cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp (ưu tiên những đơn vị đã tham gia thi công tương ứng các đoạn tuyến trước đây); cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cho phép triển khai đồng thời công tác lập dự án và thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A...

Thực tế kiểm tra của Bộ Xây dựng chỉ ra 6 thuận lợi khi đầu tư mở rộng hơn 1.100 km cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh như: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước "kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch"; tạo ra thị trường xây dựng, công ăn việc làm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi xác định lại các mục tiêu đột phá, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; các đoạn tuyến đầu tư mở rộng cơ bản có nhu cầu vận tải dự kiến tăng cao, mặt bằng thuận lợi cho thi công, có thể sớm giải ngân được nguồn vốn trong năm 2025, 2026; tạo ra tuyến đường có chất lượng dịch vụ khai thác tiện nghi, an toàn; tận dụng điều kiện sẵn có về mặt bằng, nguồn lực đang thực hiện giai đoạn II và sớm hoàn thành các tuyến đường theo quy hoạch Quốc gia.

Tuy nhiên, việc đầu tư cũng sẽ đối mặt với những khó khăn được nhận diện như: Phải thi công lại một số hạng mục vừa hoàn thành như cải tạo mặt đường, hệ thống các hàng mục phụ trợ như dịch chuyển dải phân cách giữa, hàng rào hộ lan, cọc tiêu, biển báo, kẻ lại vạch sơn…

Bên cạnh đó, quá trình triển khai sẽ ảnh hưởng đến thời hạn thu phí các đoạn tuyến dang khai thác, thời hạn bảo hành các đoạn tuyến cao tốc giai đoạn I, công tác khai thác các hạng mục vừa hoàn thành và mục tiêu đưa vào khai thác năm 2025 khoảng 3.000 km cao tốc.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/co-che-dac-thu-mo-rong-cao-toc-bac-nam-dat-chuan-cao-toc-20250404162950760.htm
Zalo