Có cần 'sát hạch'?
PTĐT - Con trai út nhà em vừa được kết nạp Đảng rồi bác ạ. Thế là nhà em đủ 6 đảng viên rồi đấy. - Chúc mừng chú nhé. Xã mình đã có nhà nào vợ chồng, trai gái, dâu rể đều là đảng viên như nhà mình đâu. Đúng là truyền thống gia đình lão thành cách mạng có khác…
PTĐT - Con trai út nhà em vừa được kết nạp Đảng rồi bác ạ. Thế là nhà em đủ 6 đảng viên rồi đấy.
- Chúc mừng chú nhé. Xã mình đã có nhà nào vợ chồng, trai gái, dâu rể đều là đảng viên như nhà mình đâu. Đúng là truyền thống gia đình lão thành cách mạng có khác…- Cảm ơn bác. Mừng thật, nhưng nghe cháu nói lại quy trình làm thủ tục kết nạp Đảng, em cứ thấy… băn khoăn sao ấy. Biết là Đảng bộ tạo điều kiện thuận lợi nhưng dễ dàng quá lại đâm lo.- Sao lại dễ dàng, quy trình kết nạp có gì chưa chuẩn với quy định, Điều lệ Đảng?- Không phải như thế. Em nhớ hồi kết nạp vợ chồng cậu con cả, sau lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, được đồng ý cho làm hồ sơ, các cháu còn phải trải qua lần kiểm tra nhận thức rồi mới có Quyết định kết nạp đảng viên. Giờ em không thấy thủ tục “sát hạch” ấy nữa…- Tưởng gì, việc này Đảng bộ mình triển khai thực hiện từ lâu rồi. Trước đây, đối tượng kết nạp Đảng dù đã tham gia, hoàn thành chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng trước khi quyết định kết nạp vẫn phải trải qua đợt “sát hạch” kiểm tra nhận thức do lãnh đạo, cán bộ các ban Đảng của Đảng bộ tiến hành. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, phần do không có quy định nào bắt buộc, phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nguyện vọng vào Đảng, đặc biệt là các đối tượng ở các xã vùng sâu, vùng xa tiết kiệm thời gian, công sức nên Đảng ủy đã quyết định không tổ chức kiểm tra nhận thức nữa mà căn cứ vào giấy chứng nhận của Trung tâm bồi dưỡng chính trị và hồ sơ đảng viên…- Tôi hiểu, đỡ thủ tục thì sẽ thuận lợi cho cả tổ chức cơ sở Đảng và đối tượng muốn vào Đảng và không quy định nào bắt buộc nhưng rõ ràng việc không tổ chức “sát hạch” cũng có nhiều bất cập. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng có giá trị trong 60 tháng. Kiến thức, nội dung lĩnh hội theo thời gian sẽ rơi rụng, phai nhạt dần. Nếu sau 4-5 năm, đối tượng mới được xem xét kết nạp thì liệu nhận thức về Đảng có còn đảm bảo. Mặt khác, phải qua gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, động cơ vào Đảng cũng như kiến thức về tình hình chính trị xã hội địa phương, đơn vị công tác của đối tượng muốn vào Đảng. Nội dung này cũng quan trọng không kém các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng…Băn khoăn của ông bố có con vừa được kết nạp Đảng trong câu chuyện trên phản ánh thực tế tại nhiều Đảng bộ địa phương do không có quy định bắt buộc nên đã bỏ quy trình tiếp xúc, kiểm tra nhận thức đối tượng có nguyện vọng vào Đảng trước khi kết nạp trong khi một số Đảng bộ vẫn duy trì, thậm chí làm chặt hơn với các hình thức: Giao đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu; kiểm tra cả bằng hình thức tự luận và vấn đáp... Theo lý giải của mỗi Đảng bộ thì cách làm nào cũng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, mang lại hiệu quả tích cực và không trái quy định, Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng thì một trong những giải pháp quan trọng, then chốt là nâng cao chất lượng “chuẩn đầu vào” kết nạp đảng viên. Điều này càng trở nên quan trọng, cấp thiết khi Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Để làm được điều đó, việc “sát hạch” trước khi kết nạp là rất cần thiết, vấn đề là cách làm sao cho phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương, đơn vị. Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu đối tượng kết nạp Đảng phải được tăng cường, nâng cao. Có như thế, mới có thể lựa chọn những quần chúng ưu tú, “vừa hồng vừa chuyên” giúp nâng cao vai trò, sức mạnh của tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên.