Có bao nhiêu Giáo hoàng trong một thế kỷ qua, họ là ai và được bầu chọn thế nào?

Trong hơn một thế kỷ qua, đã có nhiều Giáo hoàng được bầu chọn, họ có ảnh hưởng sâu sắc và thúc đẩy hòa bình, cải cách trong giáo hội, vậy, họ là những ai và đã được bầu ra như thế nào?

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã có nhiều Giáo hoàng được bầu chọn, phản ánh sự thay đổi và phát triển của Giáo hội Công giáo qua từng thời kỳ. Các Giáo hoàng này có ảnh hưởng sâu sắc và thúc đẩy hòa bình, cải cách trong giáo hội. Vậy, họ là những ai và được bầu ra như thế nào?

St.Pius X (4/8/1903-20/8/1914)

- Ông có tên khai sinh là Giuseppe Melchiorre Sarto, sinh ngày 2/6/1835 tại Italy, được thụ phong linh mục năm 1858 và sau đó trở thành giám mục Mantua, tổng giám mục Venice trước khi được bầu làm Giáo hoàng.

- Quá trình bầu chọn Giáo hoàng năm 1903 diễn ra trong vòng 5 ngày, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, với sự tham gia của 62 hồng y cử tri. Các hồng y tụ họp tại Vatican, thực hiện nghi thức cầu nguyện và tuyên thệ giữ bí mật tại Nhà nguyện Sistine trước khi bắt đầu bỏ phiếu. Mỗi ngày có nhiều vòng bỏ phiếu kín. Phiếu được đốt sau mỗi vòng. Ban đầu, ứng viên Mariano Rampolla được được cho là có tiềm năng nhưng kết quả là Giuseppe Sarto (tức Pius X) được bầu làm Giáo hoàng vào vòng thứ 7 với đa số 2/3 phiếu cần thiết. Quá trình này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bí mật và cách ly hồng y cho đến khi bầu xong. Sau khi được hỏi và đồng ý nhận chức, Pius X chọn tông hiệu và xuất hiện trước công chúng tại ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter, chính thức trở thành Giáo hoàng thứ 257 của Giáo hội Công giáo Rome.

 Giáo hoàng Pius X

Giáo hoàng Pius X

- Thành tựu to lớn nhất của Giáo hoàng Pius X trong quy định về bầu cử Giáo hoàng là việc ban hành tông hiến “Vacante Sede Apostolica” năm 1904, trong đó ông thiết lập các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ tính độc lập và tính thiêng liêng của quá trình mật nghị bầu Giáo hoàng, đồng thời cấm mọi sự can thiệp của chính quyền dân sự vào việc bầu chọn. Đây là bước tiến quan trọng giúp củng cố và hiện đại hóa quy trình mật nghị, đảm bảo sự kín đáo, nghiêm túc và công bằng trong việc chọn người kế vị. Giáo hoàng cũng thúc đẩy việc rước lễ sớm cho trẻ em và rất quan tâm đến người nghèo. Pius X đã thể hiện sự cảm thông trong các cuộc khủng hoảng như động đất Messina năm 1908 và sự bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Giáo hoàng qua đời ngày 20/8/1914.

Benedict XV (3/9/1914-22/1/1922)

- Giáo hoàng Benedict XV, tên khai sinh là Giacomo Paolo Giovanni Battista della Chiesa, sinh ngày 21/11/1854 tại Italy. Benedict XV được bầu làm Giáo hoàng khi mới 59 tuổi, ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ.

- Cuộc bầu cử Benedict XV kéo dài 3 ngày, với 57 hồng y bỏ phiếu qua 10 vòng kín, diễn ra theo nghi thức mật nghị truyền thống đảm bảo bí mật và tính thiêng liêng của việc chọn người kế vị Giáo hoàng.

- Giáo hoàng luôn nỗ lực làm trung gian hòa giải trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất vào các năm 1916 và 1917, song không thành công. Dù vậy, ông tập trung mạnh mẽ vào các hoạt động nhân đạo như hỗ trợ tù binh chiến tranh, tạo điều kiện trao đổi binh lính bị thương và cung cấp lương thực cho người dân bị ảnh hưởng trên khắp châu Âu. Năm 1917, Benedict XV ban hành Bộ luật Giáo luật, một cải cách pháp lý quan trọng cho Giáo hội Công giáo, được chuẩn bị từ thời Giáo hoàng tiền nhiệm. Ngài cũng thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới, được gọi là “Giáo hoàng của các nhà truyền giáo.” Benedict XV qua đời ngày 22/1/1922 do bệnh viêm phổi.

 Pius XI and Benedict XV (Ảnh: Register Files)

Pius XI and Benedict XV (Ảnh: Register Files)

Pius XI (6/2/1922-10/2/1939)

- Giáo hoàng Pius XI, tên khai sinh là Ambrogio Damiano Achille Ratti, sinh ngày 31/5/1857 tại Italy. Trước khi trở thành Giáo hoàng, ông là một học giả, thủ thư và nhà ngoại giao của Vatican, từng đảm nhiệm chức vụ đại diện Tòa Thánh tại Ba Lan và Tổng Giám mục Milan.

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng Pius XI năm 1922 kéo dài 5 ngày với tổng cộng 14 vòng bỏ phiếu. Quá trình diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, các hồng y tụ họp, tuyên thệ giữ bí mật và lần lượt bỏ phiếu kín. Ban đầu, cuộc bầu cử là cuộc cạnh tranh giữa hai ứng viên nổi bật là hồng y “bảo thủ” Merry del Val và hồng y “cấp tiến” Gasparri. Sau nhiều vòng bỏ phiếu không có kết quả, hồng y Achille Ratti (tổng giám mục Milan) được chọn làm Giáo hoàng vì các hồng y mong muốn tiếp tục sứ mệnh hòa bình sau Thế chiến I và đánh giá cao thành công ngoại giao của ông khi làm sứ thần tại Ba Lan. Trong lần bầu cử này, các hồng y Mỹ không tham dự vì không kịp tới Roma trước 10 ngày khi mật nghị bắt đầu. Khi được hỏi có nhận chức vụ không, Pius XI trả lời đồng ý và chọn tông hiệu với ý nghĩa hòa bình và tiếp nối các Giáo hoàng tiền nhiệm.

- Pius XI ký hiệp ước lịch sử Lateran (1929) với Benito Mussolini, thành lập Nhà nước Thành Vatican độc lập và giải quyết xung đột lâu dài giữa chính phủ Ý và Tòa Thánh. Hiệp ước công nhận chủ quyền của Vatican và đặt Công giáo La Mã làm quốc giáo của Italy. Ông cũng thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của giáo dân trong các hoạt động và phong trào của Giáo hội. Những năm cuối đời, ông mạnh mẽ lên tiếng phản đối các chế độ độc tài như Hitler và Mussolini, bảo vệ quyền tự chủ của Giáo hội trong giáo dục và đời sống tôn giáo. Pius XI qua đời năm 1939 tại Cung điện Tông Tòa, Thành Vatican và được an táng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Pius XII (2/3/1939-9/10/1958)

- Giáo hoàng Pius XII, tên khai sinh là Eugenio Maria Giuseppe Giovanni Pacelli, sinh năm 1876 tại Italy trong một gia đình quý tộc. Trước khi trở thành Giáo hoàng, Eugenio Pacelli là Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh và cũng từng là Sứ thần Tòa Thánh tại Đức.

 Pope Pius XII (Ảnh: CNS/Vatican Media)

Pope Pius XII (Ảnh: CNS/Vatican Media)

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng Pius XII diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi vào ngày 2/3/1939. Chỉ sau 2 vòng bỏ phiếu trong mật nghị có sự tham gia của 63 hồng y, ông đã đạt đa số 2/3 phiếu và trở thành người kế vị. Đây được xem là mật nghị bầu Giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử.

- Sau khi đắc cử, Pius XII nhanh chóng bắt đầu triều đại trong bối cảnh thế giới đầy biến động và hỗn loạn của Thế chiến II và đầu Chiến tranh Lạnh. Ông được biết đến với chính sách ngoại giao thận trọng trong chiến tranh, hoạt động hậu trường để bảo vệ người Do Thái và những người khác bị Đức Quốc xã đàn áp, đồng thời duy trì chính sách trung lập. Ông đã có gần 200 bài phát biểu trên đài phát thanh thúc đẩy hòa bình và lên án bạo lực. Pius XII qua đời ngày 9/10/1958.

St. John XXIII (28/10/1958-3/6/1963)

- Tên khai sinh của ông là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25/11/1881 tại Italy. Trước khi trở thành Giáo hoàng, ông từng phục vụ trong quân đội Italy, là đại diện Tòa thánh tại Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Pháp, và được tấn phong làm hồng y.

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng John XXIII diễn ra trong vòng 4 ngày, từ ngày 25 đến 28/10/1958, với sự tham gia của 51 hồng y tại Nhà nguyện Sistine. Ban đầu Tổng Giám mục Giovanni Battista Montini được chú ý, nhưng các hồng y đã chọn hồng y Angelo Roncalli làm Giáo hoàng. Quy trình bầu cử tuân theo nghi thức mật nghị truyền thống và ông là Giáo hoàng thứ 261. Ông xuất hiện lần đầu trước công chúng từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô với câu nói giản dị: “Tôi được gọi là John!” và nhanh chóng được yêu mến nhờ tính cách nhân hậu, khiêm nhường.

 Giáo hoàng John XXIII

Giáo hoàng John XXIII

- Ông có đóng góp quan trọng trong việc triệu tập Công đồng Vatican II năm 1962, mang đến những cải cách lớn cho Giáo hội công giáo, hiện đại hóa nghi lễ, cải tổ quản trị Giáo hội và thúc đẩy sự gắn kết với thế giới. Giáo hoàng qua đời vì căn bệnh ung thư ngày 3/6/1963 tại Vatican.

Paul VI (21/6/1963-6/8/1978)

- Giáo hoàng Paul VI tên khai sinh là Giovanni Battista Enrico Antonio Maria Montini, sinh ngày 26/9/1897 tại Italy. Trước khi làm Giáo hoàng, Montini từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội, bao gồm Tổng Giám mục Milan từ năm 1954 đến 1963.

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng năm 1963 diễn ra trong 3 ngày, giữa lúc Công đồng Vatican II vẫn đang nhóm họp. Tổng số có 80 hồng y tham gia mật nghị bầu chọn tại Nhà nguyện Sistine. Các hồng y đã nhanh chóng đồng thuận chọn Tổng Giám mục Giovanni Battista Montini của Milano làm Giáo hoàng mới. Ngày 21/6/1963, Montini được bầu làm Giáo hoàng thứ 262 của Giáo hội Công giáo Roma.

 Giáo hoàng Paul VI

Giáo hoàng Paul VI

- Ông có đóng góp nổi bật trong đơn giản hóa nghi thức Giáo hoàng và thành lập Thượng Hội đồng Giám mục để chia sẻ trách nhiệm điều hành Giáo hội toàn cầu. Ban hành các văn kiện quan trọng như Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium và sắc lệnh về Truyền thông Xã hội Inter mirifica-đặt nền tảng cho Giáo hội hiện đại với nhiều cải cách về giáo luật và mục vụ. Ấn định tuổi hưu của giám mục là 75, tuổi tối đa để tham gia Mật nghị bầu Giáo hoàng là 80, và giới hạn số hồng y được bầu là 120. Giáo hoàng qua đời ngày 6/8/1978.

John Paul I (1978)

Giáo hoàng John Paul I, tên khai sinh Albino Luciani. John Paul I là vị Giáo hoàng đầu tiên sử dụng tên kép, để vinh danh hai vị tiền nhiệm là John XXIII và Paul VI. Triều đại của ông rất ngắn, chỉ kéo dài 33 ngày cho đến khi ông đột ngột qua đời vào ngày 28/9/1978. Tuy nhiên, John Paul I đã đặt nền móng cho một Giáo hội gần gũi hơn với con người, nhấn mạnh sự khiêm nhường, yêu thương.

 John Paul I (Ảnh: Stock image)

John Paul I (Ảnh: Stock image)

St. John Paul II (1978-2005)

- Giáo hoàng John Paul II, tên khai sinh Karol Józef Wojtyła, sinh ngày 18/5/1920 tại Ba Lan. Ông từng làm mục vụ tại Pháp, Bỉ, Hà Lan.

 Giáo hoàng John Paul II

Giáo hoàng John Paul II

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng John Paul II diễn ra từ ngày 14-16/10/1978, trong mật nghị có sự tham gia của 111 hồng y cử tri. Ban đầu, các ứng viên mạnh như hồng y Giuseppe Siri và hồng y Giovanni Benelli không đạt được đa số 2/3 phiếu do có sự chia rẽ giữa các phe phái. Cardinal Franz König đã đề xuất hồng y Karol Wojtyła của Ba Lan làm ứng viên hòa giải, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều nhóm hồng y. Vào vòng bỏ phiếu thứ tám ngày 16/10/1978, Wojtyła được bầu với khoảng 99 phiếu trên 111. Ông chọn tông hiệu John Paul II, trở thành Giáo hoàng đầu tiên không phải người Italy sau 455 năm.

- Triều đại của ông kéo dài hơn 26 năm, là một trong những triều đại tương đối dài trong lịch sử Giáo hội. John Paul II nổi tiếng với các chuyến tông du đến 129 quốc gia, nhiều hơn tất cả các Giáo hoàng trước cộng lại, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết giữa các dân tộc và các tôn giáo. Ông giữ vững các giáo lý truyền thống về đạo đức cá nhân và gia đình, đồng thời được biết đến với phong cách lãnh đạo tập trung và quyền uy trong Giáo hội. Ông phong thánh và chân phước cho nhiều người hơn bất kỳ Giáo hoàng nào trong 5 thế kỷ qua. John Paul II còn sáng lập Ngày Giới trẻ Thế giới, thu hút hàng triệu bạn trẻ trên toàn cầu, và có ảnh hưởng sâu rộng trong chính trị và xã hội thế giới hiện đại. Ông mất ngày 2/4/2005 tại Vatican.

Benedict XVI (2005-2013)

- Giáo hoàng Benedict XVI, tên khai sinh Joseph Alois Ratzinger, sinh ngày 16/4/1927 tại Đức. Trước khi làm Giáo hoàng, Ratzinger là một học giả thần học, từng giữ chức Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 1981 đến 2005, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thánh Kinh và Ủy ban Thần học Quốc tế của Tòa Thánh.

- Cuộc bầu cử Giáo hoàng Benedict XVI diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, Vatican, trong Mật nghị hồng y năm 2005, từ ngày 18 đến 19/4. Có khoảng 115 hồng y đủ điều kiện tham gia, trong đó 117 người dưới 80 tuổi được triệu tập, và hầu hết đều tham dự. Quy trình bầu chọn tuân theo nghi thức truyền thống. Sau 4 vòng bỏ phiếu vào ngày thứ hai của mật nghị, hồng y Joseph Ratzinger, được bầu làm Giáo hoàng với đa số 2/3 phiếu. Khói trắng bốc lên lúc 17h50 ngày 19/4/2005. Ông nhận tông hiệu Benedict XVI.

- Ông là một Giáo hoàng học giả, có ảnh hưởng lớn về thần học và giáo lý Công giáo.Năm 2013, vì lý do sức khỏe và tuổi già, ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm sau hơn 600 năm, giữ danh hiệu Giáo hoàng Danh dự (Pope Emeritus) cho đến khi qua đời ngày 31/12/2022 tại Vatican ở tuổi 95.

Francis (2013-2025)

- Giáo hoàng Francis tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio, người Argentina.

 Chân dung Giáo hoàng Francis tại Thánh đường tu viện Franciscan ở Kalwaria Paclawska, Ba Lan ngày 21/4/2025. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Chân dung Giáo hoàng Francis tại Thánh đường tu viện Franciscan ở Kalwaria Paclawska, Ba Lan ngày 21/4/2025. (Ảnh: PAP/TTXVN)

- Ông được bầu làm Giáo hoàng trong Mật nghị hồng y ngày 12-13/3/2013, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm ngày 28/2 cùng năm. Cuộc bầu cử diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, Vatican, với sự tham gia của 115 trong tổng số 117 hồng y cử tri đủ điều kiện. Sau 5 vòng bỏ phiếu kín, vào vòng thứ năm, hồng y Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, được bầu với đa số áp đảo (khoảng 85 phiếu trên 115), vượt qua các ứng viên khác. Khói trắng báo hiệu kết quả bầu cử xuất hiện lúc 19h06 giờ ngày 13/3/2013, thu hút đông đảo người dân tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công và xin mọi người cầu nguyện cho ngài trước khi ban phép lành cho thế giới. Ông chính thức nhậm chức Giáo hoàng ngày 19/3/2013, là Giáo hoàng thứ 226 và là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ.

- Giáo hoàng được biết đến là người không ngừng thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và hòa bình, đứng về phía người nghèo, người bị thiệt thòi, người di cư. Ông qua đời vào sáng ngày 21/4, ở tuổi 88 sau thời gian điều trị viêm phổi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-bao-nhieu-giao-hoang-trong-mot-the-ky-qua-ho-la-ai-va-duoc-bau-chon-the-nao-post1034968.vnp
Zalo