Có bao nhiêu cán bộ, công chức dôi dư tại Thanh Hóa sau sáp nhập?
Tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và giải quyết chế độ cho khoảng 3.602 cán bộ, công chức, người lao động dôi dư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký phê duyệt Đề án "Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và phương hướng bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi kết thúc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập đơn vị hành chính cấp xã".
Nội dung Đề án nêu rõ, theo định hướng của Trung ương, mỗi đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ được bố trí trung bình 60 biên chế (gồm khối Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội).
Như vậy, tại Thanh Hóa có tổng số 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến sẽ được bố trí 9.960 biên chế. Địa phương này sẽ dôi dư khoảng 3.602 cán bộ, công chức, người lao động.

Thanh Hóa dôi dư khoảng 3.602 cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp các đơn vị hành chính.
Theo đề án, Ban thường vụ cấp ủy các xã, phường mới cùng lãnh đạo UBND cấp xã sẽ xây dựng phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp đội ngũ trong thời hạn 5 năm, bảo đảm tuân thủ số lượng quy định.
Thực hiện cho nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định, tinh giản biên chế, vận động nghỉ hưu trước tuổi và áp dụng các chế độ, chính sách theo quy định đối với những trường hợp không đủ điều kiện tái cử vào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hoặc còn dưới 5 năm công tác.
Rà soát, đánh giá thực chất về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để vận động các trường hợp có trình độ và năng lực hạn chế nghỉ công tác, hưởng chế độ theo quy định.
Đề án yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong công tác hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức đã có kết luận xử lý kỷ luật từ cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sang làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu biên chế, với điều kiện đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện cần thiết.
Căn cứ vào phương án nhân sự cho các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp xã mới đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định chỉ định chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên UBND cấp xã mới, hoàn thành trước ngày 10/6.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Nội vụ xây dựng đề cương đề án mẫu về tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã sau sắp xếp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh.
Sở Nội vụ cũng có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cũng như xử lý dôi dư theo đúng lộ trình và phương án của từng địa phương...