CNN phân tích lợi thế của Ukraine và Đức Quốc xã khi tấn công Kursk

Ukraine đang chứng minh rằng họ vẫn còn nguồn lực để tấn công Kursk, đồng thời có thể giữ vững được phòng tuyến bên trong lãnh thổ.

Brad Lendon, chuyên gia về các vấn đề quân sự toàn cầu của Đài CNN, cho biết các cuộc giao tranh xung quanh biên giới Nga gợi nhớ về chiến thắng quan trọng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II tại Kursk - một chiến thắng mà một số nhà sử học cho rằng đã xoay chuyển cục diện châu Âu.

Cuộc đổ bộ vào các bãi biển của Pháp vào ngày 6.6.1944 được phương Tây coi là bước ngoặt trong cuộc chinh phục châu Âu của Adolf Hitler - thủ lĩnh Đức Quốc xã, nhưng thất bại của Đức đã được định đoạt từ ngày 5.7 - 23.8.1943, khi hàng triệu quân lính và hàng nghìn xe tăng cùng xe bọc thép đã giao chiến xung quanh Kursk.

Với chiến thắng ở Kursk, “Liên Xô đã nắm được thế chủ động ở phía đông và không bao giờ đầu hàng cho đến khi chiến tranh kết thúc”, Michael Bell, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Dân chủ Jenny Craig tại Bảo tàng quốc gia Chiến tranh thế giới II ở New Orleans (Mỹ) nhận định.

Trận Kursk 1943

Vào mùa xuân năm 1943, quân đội của Hitler ở phía đông đã bị thiệt hại nặng trong trận Stalingrad, nơi quân Đức mất gần một triệu người trong nỗ lực chiếm thành phố trên sông Volga nhằm kiểm soát các mỏ dầu ở nam Kavkaz để có thể cung cấp nhiên liệu cho cuộc chinh phục toàn diện châu Âu.

Lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin ra lệnh bảo vệ Stalingrad bằng mọi giá và các cuộc tiến công của Đức vào cuối mùa hè và mùa thu năm 1942 đã bị đẩy lùi trong mùa đông. Vào tháng 2.1943, lực lượng Đức còn lại trong thành phố đã đầu hàng.

Bộ binh Liên Xô trong trận chiến Kursk năm 1943 - Ảnh: Getty

Bộ binh Liên Xô trong trận chiến Kursk năm 1943 - Ảnh: Getty

Khi lực lượng Đức bị đẩy lùi dọc theo mặt trận phía đông sau Stalingrad, các tướng lĩnh của Hitler đã tìm cách giành lại thế chủ động và ra quyết định chiếm lấy Kursk. Các tướng lĩnh muốn tấn công vào mùa xuân, nhưng Hitler đã hoãn lại thời điểm bắt đầu chiến dịch, để một số xe tăng mới nhất của Đức có thể được điều động đến mặt trận.

Điều này đã giúp Liên Xô có đủ thời gian để chuẩn bị phòng thủ, Peter Mansoor, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Ohio và cựu chỉ huy kỵ binh thiết giáp của quân đội Mỹ cho biết.

Đức sau đó đã điều động khoảng 800.000 quân và khoảng 3.000 xe tăng để chiếm Kursk. Nhưng họ đã phải đối mặt với sự phòng thủ đáng gờm. Liên Xô đã chuẩn bị một loạt các tuyến phòng thủ, đào gần 5.000km hào chống tăng và đặt 400.000 quả mìn để bảo vệ Kursk, đồng thời bố trí 75% thiết giáp và 40% nhân lực trên mặt trận phía đông tới hỗ trợ.

Nhà sử học Bell cho rằng mặc dù xe tăng mà Đức Quốc xã có trong trận chiến mạnh hơn xe tăng của Liên Xô, nhưng lực lượng của Stalin lại có lợi thế về quân số. “Người Đức có một số thiết bị vượt trội, nhưng ưu thế về số lượng rõ ràng nằm ở phía Liên Xô”, ông Bell nói.

Một số ước tính về sức mạnh của Liên Xô trong trận Kursk vượt quá 2 triệu quân và hơn 7.000 xe tăng. Lợi thế về quân số thậm chí còn nghiêng về phía Liên Xô hơn nữa khi vào ngày 9.7 quân Đồng minh đổ bộ lên đảo Sicily (Ý), buộc Đức Quốc xã phải chuyển một số lực lượng từ mặt trận phía đông sang Ý, theo các nhà sử học.

Các lực lượng Đức còn lại không thể phá vỡ hàng phòng thủ của Liên Xô, cũng như xâm nhập sâu vào các khu vực phía sau. Thiệt hại tại trận Kursk của Hitler rất lớn, với số thương vong lên tới hơn 200.000 quân và khoảng 1.000 xe tăng bị phá hủy.

“Quân Đức từ đó không bao giờ có thể tập hợp lực lượng lại với quy mô như họ đã làm trong trận chiến này”, ông Bell nói.

Trong khi đó, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Ohio và cựu chỉ huy kỵ binh thiết giáp của quân đội Mỹ cho biết: “Những gì Liên Xô đã làm là tiêu diệt lực lượng dự bị thiết giáp của Đức và do đó khiến quân Đức không thể bảo vệ thành công mặt trận tại Nga trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến. Sau trận Kursk, quân Đức không còn có thể thay thế được tổn thất về nhân lực và họ đã mất đi lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đoàn thiết giáp tại đó”.

Chiến trường Kursk 2024

Khi quân đội Ukraine vượt biên giới vào khu vực Kursk vào ngày 6.8, họ có một lợi thế mà quân Đức không có vào năm 1943 - đó là sự bất ngờ.

Cuộc tấn công được lên kế hoạch hoàn toàn bí mật và các cuộc di chuyển quân được thực hiện giống như việc tăng cường các vị trí phòng thủ hoặc một cuộc tập trận bên trong Ukraine. Do đó, Nga đã không chuẩn bị kịp để bảo vệ lãnh thổ.

Xe tăng Ukraine tại vùng biên giới với Nga hôm 15.8 - Ảnh: Reuters

Xe tăng Ukraine tại vùng biên giới với Nga hôm 15.8 - Ảnh: Reuters

Theo ông Mansoor, trên thực tế, các biện pháp phòng thủ mà Nga thiết lập - nhiều lớp chiến hào, mìn, vũ khí chống tăng được pháo binh và thiết giáp hỗ trợ - tại một số khu vực chiến tuyến rất giống với các biện pháp của Liên Xô tại Kursk vào năm 1943.

“Người Nga không thay đổi nhiều cách thức chiến tranh của họ. Và điều này có thể là lợi thế cho Ukraine ngày nay”, Mansoor cho biết.

Ukraine đã tạo ra không gian cơ động bên trong lãnh thổ Nga bằng chiến tranh vũ trang kết hợp, đồng bộ hóa thành công bộ binh, pháo binh tầm xa và không quân để hỗ trợ lẫn nhau - điều mà lực lượng của Kyiv trước đây không thể làm được.

“Điều đó thực sự thay đổi bản chất của cuộc chiến, ít nhất là ở khu vực tiền tuyến”, Mansoor cho hay.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Kyiv không thể làm giảm sức chiến của Moscow thì sẽ sớm bị dồn vào chân tường do quân đội Nga có quy mô và sức mạnh lớn hơn. Kyiv có nguy cơ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu tiếp tục triển khai chiến dịch vào vùng Kursk khi Nga đã điều động lực lượng để phản công ở khu vực này, đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine để phân tán lực lượng của Kyiv.

Hoàng Vũ (theo CNN)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cnn-phan-tich-loi-the-cua-ukraine-va-duc-quoc-xa-khi-tan-cong-kursk-223152.html
Zalo