Chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

50 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện về quá trình tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) năm xưa.

Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh (thứ 2 từ phải qua), chia sẻ tại Chương trình Gặp mặt nữ cựu tù cách mạng tiêu biểu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28-2-2025. Ảnh: C.T.V

Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh (thứ 2 từ phải qua), chia sẻ tại Chương trình Gặp mặt nữ cựu tù cách mạng tiêu biểu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28-2-2025. Ảnh: C.T.V

Giác ngộ cách mạng từ sớm

Có cảm tình với cách mạng từ khi còn nhỏ nên mỗi lần đi gánh nước, bà Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa), Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh, lén vô rừng gặp cán bộ, du kích - những người cùng làng đi làm “quốc sự”.

Bà Hòa cho biết, mỗi lần được nghe các chú, anh chị du kích nói chuyện tình hình, bà nghe đã cái lỗ tai, mê mệt. Có lúc được các chú, các anh chị nhờ mua đồ lặt vặt, hoặc dò la tình hình địch…, bà thấy rất vui.

Năm 14 tuổi, khi được vận động tham gia tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng, bà nhận lời không một chút đắn đo. Sau đó, bà tổ chức được một tổ phụ nữ. Ngoài các hoạt động hợp pháp, tổ phụ nữ do bà Ba Hòa phụ trách còn làm nhiệm vụ giao liên cho chi bộ xã. Năm 1963 - khi hơn 16 tuổi, bà quyết định thoát ly theo cách mạng, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ việc đột nhập ấp chiến lược, đến tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở…

Cũng như bao chiến sĩ cách mạng năm xưa, bà Huỳnh Thị Ngàn (Sáu Ngàn, ở phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) đã bén duyên với cách mạng từ thời niên thiếu. Theo chia sẻ của bà Sáu Ngàn, bà sinh ra và lớn lên ở Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Cha của bà khi đó phụ trách tiểu đội sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến nên 12 tuổi bà vừa đi học, vừa tham gia đóng góp cho cách mạng bằng những việc làm nhỏ như: nấu cháo, nấu lá xông, vá quần áo… cho các chú ở tiểu đội sản xuất. Năm 13-14 tuổi, bà đã nhận nhiệm vụ đi mua nhu yếu phẩm cho đơn vị. 15 tuổi, bà được đi học khóa y tế 6 tháng. Sau khi hoàn thành việc học, bà vừa làm y tá, vừa làm chị nuôi, làm văn thư… tại Văn phòng Tỉnh ủy Thủ Biên.

Giữ vững khí tiết người cộng sản

Trong quá trình hoạt động cách mạng, một số nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man song với bản lĩnh vững vàng, những nữ CSCMBĐBTĐ vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Tháng 1-1969, bà Sáu Ngàn bị bắt cùng con trai ngay tại nhà một cơ sở cách mạng khi vừa gặp gỡ, học nghị quyết. Chúng bắt và đánh con bà để uy hiếp tinh thần, buộc bà khai ra cơ sở. Bà cắn răng chịu đựng quyết không khai ra những điều bất lợi cho tổ chức. Không ép cung được, chúng đưa bà về Gia Định để thẩm vấn.

Bà VÕ THỊ THANH THỦY (ở phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) có gần 5 năm bị địch bắt tù đày tại nhà lao Thủ Đức, nhà lao Tân Hiệp, nhà tù Côn Đảo, cho biết mỗi cuộc đấu tranh đều có đổ máu, thậm chí là hy sinh nhưng thành quả là sự nhượng bộ của địch. Và dù âm mưu của kẻ thù có thâm độc đến mấy thì tinh thần chiến đấu, hy sinh của người cộng sản không hề giảm sút.

“Ở đó, tôi nghe có người chết trong tù, con đi theo bị đưa vào cô nhi viện nên tôi đã không cho con trai rời xa mình nửa bước. Đồng thời, tôi tìm cách để đưa con về với gia đình. Lúc mẹ tôi lên đón cháu, chúng gây áp lực để mẹ khuyên tôi đầu hàng. Mẹ tôi không những không khuyên tôi đầu hàng, mà còn động viên để tôi tiếp tục đấu tranh” - bà Sáu Ngàn nhớ lại.

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng bà Ba Hòa không thể quên được ngày 2-7-1965, bà đang trên đường vận động một số thanh niên không đi lính cho địch mà nhập ngũ vào bộ đội thì bị địch bắt. Địch biết rõ bà là cán bộ nằm vùng nên dùng đủ mọi hình thức tra tấn như: đánh tứ trụ, quay điện, đi tàu lặn, tàu bay, đổ nước xà bông, nước cống vào mũi, cho thùng phuy đánh bên ngoài, gí đèn pha vào mắt…

Đặc biệt, địch còn đánh đòn tâm lý bằng cách cho người nhà vào thăm, nhìn thấy cảnh bà bị đánh sống dở chết dở hòng lung lay ý chí gia đình và người cộng sản. Đòn đánh tâm lý này là mạnh nhất, bởi ai cũng thương yêu gia đình, nếu không đủ ý chí sẽ đầu hàng. Bà Ba Hòa còn nhớ, khi má bà vào thăm, bà đã nói với má rằng: “Má à, má cứ coi con như anh hai, đã chết rồi. Con nợ má công sanh thành, nhưng con nợ đất nước còn lớn hơn. Ngày nào đất nước thanh bình, con trở về thì má coi như sinh con ra lần thứ 2. Bằng không, coi như má có 2 con là liệt sĩ”. Sau gần 8 tháng không khai thác được gì, địch đành kết án bà mức 7 năm khổ sai và 5 năm lưu đày biệt xứ.

Biến nhà tù thành mặt trận chiến đấu

Mặc dù bị đánh, tra tấn dã man, bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt khiến những CSCMBĐBTĐ phải chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần nhưng chính điều kiện khắc nghiệt ấy tiếp tục hun đúc ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Họ đã biến nhà tù thành trường học, thành mặt trận chiến đấu với kẻ thù.

Bà Võ Thị Thanh Thủy (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) trò chuyện với cựu tù chính trị cùng sinh sống trên địa bàn phường vào những ngày tháng 4 lịch sử. Ảnh: N.Sơn

Bà Võ Thị Thanh Thủy (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) trò chuyện với cựu tù chính trị cùng sinh sống trên địa bàn phường vào những ngày tháng 4 lịch sử. Ảnh: N.Sơn

Từ khi bị bắt, bà Sáu Ngàn bị địch đưa qua nhiều nhà tù, trong đó có bót Hàng Keo Gia Định, nhà lao Thủ Đức, khám Chí Hòa, nhà tù Côn Đảo. Bà Sáu Ngàn còn nhớ thời điểm về khám Chí Hòa được khoảng 10 ngày thì nghe tin Bác Hồ mất. Ngoài lập bàn thờ, làm lễ truy điệu, để tang Bác Hồ, bà còn cùng với chị em khác bất chấp sự đàn áp, khủng bố của địch thay phiên nhau thêu bức tranh cảnh đồng quê thanh bình với tấm lòng kính yêu vị lãnh tụ của dân tộc.

Tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, bà Nguyễn Thị Thoại (Sáu Thoại, ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) bị địch bắt khi mới ngoài 20 tuổi. Từ khi bị bắt, bà Sáu Thoại bị địch giam giữ tại nhiều nhà tù lớn, nhỏ như: Long Khánh, Chí Hòa, Thủ Đức và đặc biệt bị đày ra nhà tù Côn Đảo tới 4 lần.

Năm 1969, bà Sáu Thoại và một số nữ tù chính trị khác được đưa về nhà lao Thủ Đức, khám Chí Hòa và sau đó đưa trở lại Côn Đảo lần thứ 2. Lần thứ 2 trở lại Côn Đảo, bà và một số nữ tù chính trị khác bị nhốt trong chuồng cọp - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Thời tiết ở Côn Đảo khắc nghiệt và địch đã tận dùng điều này để đày đọa hòng bào mòn ý chí người cộng sản. Thế nhưng, chính ở nơi gian khổ ấy, những CSCMBĐBTĐ vẫn tiếp tục đấu tranh, không nhụt chí…

Nguyễn Tuyết

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/chuyen-ve-nhung-nu-chien-si-cach-mang-bi-dich-bat-tu-day-d461861/
Zalo