Chuyện về những người lính quân nhạc
Bằng niềm đam mê dành cho âm nhạc, những cán bộ, nhân viên Đội Quân nhạc (Tiểu đoàn Vệ binh 30, Bộ Tham mưu Quân khu 3) luôn tích cực luyện tập, mang đến những điệu nhạc hùng tráng. Những đóng góp của Đội Quân nhạc đã góp phần làm cho những buổi lễ thêm phần trang nghiêm, trọng thị.
Màn đêm buông xuống, không gian yên tĩnh, cũng là lúc Trung tá QNCN Đỗ Quốc Huy, Đội trưởng Đội Quân nhạc ngồi vào bàn làm việc, miệt mài bên những nốt nhạc. Đồng chí Huy chia sẻ, ngoài luyện tập cùng cả đội vào ban ngày, anh thường tranh thủ lúc mình tập trung nhất, có nhiều cảm xúc nhất để hòa âm, phối khí các bản nhạc.
“Trước khi bước vào trận đánh, một trong những công việc quan trọng của người chỉ huy là giao nhiệm vụ cho các bộ phận và từng cá nhân. Đối với quân nhạc, việc hòa âm, phối khí cũng có vai trò như vậy. Trong đội gồm nhiều nhạc công, nhạc cụ, để tất cả kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tạo thành một bản nhạc hoàn thiện, tôi phải chia bè, phân vai cho từng nhạc công. Với những bản nhạc mới, đặc biệt các tác phẩm âm nhạc về LLVT Quân khu, tôi dành nhiều đêm, hòa âm, phối khí cho từng bè tập riêng sau đó mới hợp luyện cả đội. Nhiều khi thấy chưa ưng ý, tôi lại phối khí lại đến khi cảm thấy giai điệu đã mượt mà, tạo được dấu ấn, cảm xúc”, Trung tá QNCN Đỗ Quốc Huy cho biết.
Sau khi có bản hòa âm phối khí, Đội Quân nhạc tổ chức duy trì huấn luyện theo kế hoạch và chủ đề của từng buổi lễ. Mỗi nhạc công tự giác luyện tập theo, sau đó mới hợp luyện đội hình. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm và đam mê của từng nhạc công.
Là một trong những nhạc công lớn tuổi nhất, Thượng tá QNCN Nguyễn Thế Bảo đã gắn bó với chiếc kèn saxophone hàng chục năm nay. Đồng chí Bảo cho biết: “Để chơi tốt mỗi bản nhạc, là nhạc công phải thuộc từng nốt nhạc, sau đó mới bước vào tập luyện. Mỗi người một góc tự tập luyện riêng, chỗ nào yếu, chưa đạt yêu cầu thì phải tập đi tập lại nhiều lần”. Đối với nhạc công thổi kèn, phải biết kết hợp giữa răng, môi và hơi. “Thời gian đầu tập kèn, rất dễ bị đau cổ họng, mỏi môi, tê lưỡi, nhiều bữa ăn cơm cảm giác không biết ngon, thậm chí có bữa phải bỏ ăn. Phải bám sát vào hướng dẫn, tập luyện từng bước một thì mới lấy được hơi và không bị đau”, Thượng tá QNCN Nguyễn Thế Bảo tâm sự.
Còn với Thiếu tá QNCN Phạm Đức Tiềm, Nhạc công chơi trống, đồng chí luôn nhận thức rõ, tầm quan trọng của người đánh trống chỉ đứng sau vị trí của nhạc trưởng, nếu trống cái đánh tốt sẽ dẫn dắt toàn đội, tạo hứng thú và hiệu quả buổi lễ càng cao. Do vậy mỗi lần hợp luyện cùng cả đội, đồng chí Tiềm luôn tập trung cao độ, phân chia nhịp điệu, tiết tấu để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không chỉ tập trung rèn luyện, hoàn thiện các tác phẩm về mặt âm nhạc, theo chia sẻ của các đồng chí nhạc công, để phục vụ các buổi lễ được trọn vẹn, nhất là các buổi lễ tổ chức ngoài trời kéo dài nhiều giờ đồng hồ, chỉ huy và các nhạc công trong Đội còn thường xuyên luyện, rèn các tư thế đứng nghiêm ngoài trời, mỗi buổi từ 3 đến 4 giờ/ngày.
Để phục vụ những nghi lễ quan trọng, kết hợp với phần biểu diễn như lễ ra quân huấn luyện của cơ quan Quân khu, Đội Quân nhạc tổ chức luyện tập tăng cường, cả trong điều kiện trời nắng hoặc mưa nhỏ. Nhiều khi cả đội đều ướt đẫm áo nhưng các nhạc công vẫn tập trung, say sưa thổi hồn vào giai điệu của những bài hát theo đôi tay chỉ huy của nhạc trưởng.
Bằng tất cả niềm đam mê, chịu khó học hỏi, nghiên cứu và khổ công luyện rèn, những năm qua, Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu Quân khu mang đến những bản nhạc hùng tráng, được cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quý mến. Nhiều năm liền, Đội được cấp trên khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thiếu tá Trần Quang Thuận, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vệ binh 30 cho biết: “Tuy điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng Đội Quân nhạc luôn đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt, thực hiện đúng nghi thức, nghi lễ quy định. Để chất lượng hoạt động của đội tốt hơn, trong thời gian tới, chỉ huy Tiểu đoàn sẽ tăng cường quan tâm, động viên để cán bộ, nhân viên an tâm công tác, tạo điều kiện cho các đồng chí nhạc trưởng, nhạc công có dịp giao lưu, học hỏi để nâng cao trình độ, sáng tạo ra những tác phẩm tạo được ấn tượng, tạo động lực tinh thần để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bài, ảnh: PHẠM QUYẾT