Chuyện về một người lính Cụ Hồ can trường, lặng lẽ
Tham gia cách mạng từ năm 1946, gia nhập Vệ quốc quân, từ chiến sĩ trở thành người chỉ huy trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến khi gần 100 tuổi, ông Hoàng Kim Giai vẫn giữ vẹn nguyên những phẩm chất bình dị mà cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Tôi biết ông Hoàng Kim Giai qua thủ trưởng của tôi - cố đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng, là chiến sĩ thuộc quyền của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 12 Hoàng Kim Giai những năm 1965-1967.
Người tiểu đoàn trưởng ngày ấy
Thượng úy Hoàng Kim Giai (ảnh chụp năm 1969). Ảnh do gia đình cung cấp
Ông Hoàng Kim Giai sinh năm 1928, tại xã Hòa Mỹ (nay là xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa). Sớm giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi, ông tình nguyện tham gia Vệ quốc quân. Năm 1947, ông được tổ chức đưa đi học tại Trường Võ bị Ngân Sơn. Sau lễ tốt nghiệp, ông được điều về Trung đoàn 80, chiến đấu ở Bắc Khánh Hòa. Cuối 1950, sau 4 năm đằng đẵng không liên lạc, ông mới có dịp về thăm gia đình ở Hòa Mỹ.
Đầu năm 1950, giặc Pháp tăng cường đàn áp cách mạng ở Phú Yên, Trung đoàn 80 chuyển về chiến đấu ở phía Bắc đèo Cả, các vùng đất Tuy Hòa, Sơn Hòa, Tuy An… Ngày 25/2/1954, Tiểu đoàn 375 - đơn vị chủ lực của LLVT Phú Yên được thành lập; ông là Đại đội bậc phó, phụ trách Đại đội 2. Ông đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận như: trận phục kích địch ở Phong Niên - La Hai ngày 7/3/1954, tiêu diệt hơn 100 tên địch và đoàn xe quân sự 26 chiếc; trận Suối Cối, Xuân Phước ngày 21/3/1954, ta tiêu diệt 123 tên, bắt sống 90 tên; trận Núi Sầm (Hòa Trị), trận Quan Quang (Hòa Quang); trận Gò Thì Thùng, trận Chí Thạnh…, góp công lớn đánh bại chiến dịch Át-lăng - cuộc hành quân lớn của quân Pháp hòng qua Phú Yên vào miền Trung và Tây Nguyên, chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
Sau chiến thắng Át-lăng, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, được bổ nhiệm đại đội bậc trưởng và nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng tập kết ra miền Bắc ở Quy Nhơn. Ông kể: Bộ đội đi tập kết hứa với đồng bào nhất định sẽ trở về. Tôi nhớ như in lời của cấp trên: “Có thể trở về dưới lá cờ hòa bình khi tổng tuyển cử thuận lợi, nếu không thì cũng trở về miền Nam dưới lá cờ quyết chiến quyết thắng…”.
Cuối tháng 10/1954, ông cùng đội hình Tiểu đoàn 375 xuống chuyến tàu Liên Xô cuối cùng, rời cảng Quy Nhơn vượt biển ra Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ra miền Bắc, ông được bố trí vào học Trường Sĩ quan Lục quân 1, khóa X (1956-1958). Tốt nghiệp, ông được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng, rồi lên Trưởng ban Tác chiến, Trung đoàn 325, chiến đấu tại Savannakhet (Lào). Năm 1963, để chuẩn bị vào Nam chiến đấu, đơn vị ông chuyển về huấn luyện bổ sung ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Cuối năm đó, chàng trai Phú Yên đã kết duyên với cô gái quê Hà Tĩnh. Sau 21 ngày phép của người lính, người vợ đã mang thai đứa con đầu lòng, nhưng chưa kịp chờ con chào đời thì ông nhận được mật lệnh chiến đấu. Đầu năm 1964, Hoàng Kim Giai - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 10 nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu.
Đầu năm 1965 đến cuối 1968, Tiểu đoàn 12 do ông chỉ huy đã đánh nhiều trận gây tổn thất lớn cho quân địch ở Phú Yên, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Xuân Mậu Thân 1968, ông được trung đoàn giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách theo dõi, chỉ huy Tiểu đoàn 12 tiến công trên hướng chủ yếu vào giải phóng TX Tuy Hòa và các đợt tiếp theo của chiến dịch, góp phần giành thắng lợi chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Năm 1969, ông được điều động làm Giám đốc Trường Quân chính Bình Định, sau đó làm Trưởng khoa Chiến thuật Trường Quân chính Quân khu 5 đến ngày giải phóng.
Với những thành tích trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, ông Hoàng Kim Giai được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, hạng ba; Huân chương Giải phóng hạng nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Năm 1978, ông Hoàng Kim Giai nghỉ hưu, sức khỏe còn 65%, xếp loại thương binh hạng 2/4. Nhưng ông vẫn tiếp tục nhận sự phân công của tổ chức Đảng ở địa phương, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an phường 3 và làm nhiều công việc khác ở hội CCB, hội người cao tuổi… Ở cương vị nào ông đều nêu gương sáng Bộ đội Cụ Hồ. Với tinh thần của một người lính được tôi luyện qua chiến tranh và kinh nghiệm 30 năm công tác trong quân ngũ, ông đã lan tỏa tinh thần, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, cùng chính quyền, đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương; cảm hóa được những người có suy nghĩ, hành động lệch lạc. Ghi nhận đóng góp của ông, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tặng thưởng ông nhiều bằng khen, giấy khen…
Ông Hoàng Kim Giai và gia đình con trai út Hoàng Kim Thanh tại nhà riêng. Ảnh do gia đình cung cấp
Đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa khẳng định: “Các cụ 70 tuổi Đảng như cụ Hoàng Kim Giai, Hồ Đắc Thạnh, Phan Đắc Tổng… là những pho tư liệu sống quý giá của “thế hệ vàng” được tôi luyện từ thời chống Pháp cho đến nay, là những ngọn đuốc truyền lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay tiếp tục truyền thống tốt đẹp của Đảng, của dân tộc ta”.
Trải qua bao mưa bom bão đạn, bao thử thách cam go, ông Hoàng Kim Giai sống bình dị, an vui bên con cháu trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
Ông chân thành khước từ cả những điều mà đáng ra mình được hưởng, như không làm thủ tục hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam, không làm thủ tục hưởng chế độ người có công cho mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Cảm - cơ sở cách mạng ở Hòa Mỹ thời chống Mỹ…
Ông tâm sự: “Tôi thực sự cảm ơn, chia sẻ với anh em, đồng đội đã ngã xuống từ rất lâu. Thực sự cảm ơn đồng bào nơi tôi đã đi qua, đã hết lòng che chở, nuôi nấng chúng tôi vượt qua mọi gian lao để chiến đấu giành thắng lợi… Nay đã sống gần một thế kỷ, được như thế này tôi mãn nguyện lắm rồi”. Những nơi ông Hoàng Kim Giai cùng đồng đội từng chiến đấu, tượng đài vinh danh chiến thắng đã được xây dựng; phố phường, làng mạc ngày một khang trang, đổi mới, làm cho lòng ông càng thêm hân hoan, hạnh phúc.
Bác Giai là đại đội trưởng khi tôi là tiểu đội trưởng của Tiểu đoàn 375. Ông là một người chỉ huy mẫu mực, đức độ, không bao giờ nặng lời với cấp dưới. Tham gia chiến đấu nhiều trận, lập nhiều chiến công nhưng ông không bao giờ kể thành tích của mình; hết lòng thương yêu đồng chí đồng đội, kính trọng Nhân dân.
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, Đoàn tàu Không số
Hôm tôi ghé thăm, thấy ông tự giặt quần áo. Tôi nói: “Để con giúp thủ trưởng”. Ông xua tay cười và bảo: “Mình còn tự làm được, làm cho nó thảnh mảnh trong người, không làm nó thành thói lười, thích ỷ lại…”. Rồi ông kể cho tôi nghe đang theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội, hay lắm: “Bàn về quản lý nhà nước trên không gian mạng… Sôi nổi lắm, nhiều vấn đề rất mới…”.
Tôi thêm cảm phục khi nghĩ về một người đã bước đến những bước cuối của cuộc đời vẫn giữ nguyên tấm lòng sắt son với cách mạng, niềm tin trong sáng đối với Đảng và tình yêu trọn vẹn dành cho đất nước, quê hương.