Chuyện về 'cháu bé' Trung Quốc từng được tặng hoa Bác Hồ

Trong bữa tiệc tại Hội trường Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2004, tôi được gặp 'cháu bé' ngày xưa - người vinh dự được tặng hoa Bác Hồ vào ngày 20/5/1957 khi mới 6 tuổi. Đó là bà Vương Phong, nguyên phóng viên của Tân Hoa Xã.

Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng bà Vương Phong có thể hát được một số bài hát Việt Nam. Đối với đất nước và con người Việt Nam, bà luôn dành tình cảm thân thương, coi đây là quê hương thứ hai của mình, bởi thuở thơ ấu bà đã từng gắn bó với mảnh đất thân yêu này.

Bà Vương Phong vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ năm 1957, ảnh NVCC.

Bà Vương Phong vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ năm 1957, ảnh NVCC.

Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu

Hàng năm, mỗi lần đến ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Vương Phong đều nhớ lại những kỷ niệm đẹp tại Hà Nội. Bà kể: “Lần đầu tiên tôi được biết đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại qua lời kể của bố. Ông là học sinh Hoa kiều từ Philippines trở về Trung Quốc để tham gia kháng chiến chống Nhật. Năm 1956 bố tôi được cử sang Hà Nội làm Trưởng phân xã thứ hai của Tân Hoa xã tại Việt Nam. Tôi cùng với bố sang Việt Nam khi mới vừa tròn 5 tuổi. Cảnh đẹp của Hà Nội như trong tranh, những rặng dừa cao to xum xuê cành lá, hồ Hoàn Kiếm trong xanh, lung linh gợn sóng. Điều làm tôi say mê nhất là giai điệu của các bài hát Việt Nam. Tôi rất thích những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu các cháu nhi đồng… Những tình cảm đó đã khiến tôi nhiều lần nói với bố rằng: “Bố nhất định phải cho con đến gặp Bác Hồ để con được nói lời yêu quý với Bác”.

Cuối cùng cơ hội ngàn năm có một đã đến! Đó là ngày một vị Nguyên soái của Liên Xô sang thăm Việt Nam, hôm đó tất cả Đại sứ và phóng viên của các nước tại Hà Nội đều đến sân bay Gia Lâm để đón. Hôm nay Bác Hồ cũng đến sân bay đón khách quốc tế, con đi cùng nhé, bố nói. Tôi vô cùng vui sướng, liền chạy vội ra vườn hoa trước cửa nhà ngắt một bông hoa hồng vẫn còn đọng những giọt sương long lanh, cầm trong tay và tôi là người đầu tiên lên xe ô tô để đi ra sân bay.

Cùng ra sân bay hôm đó có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam La Quý Ba và phu nhân Lý Hàm Trân. Bố tôi phải lo chụp ảnh và làm tin, cho nên tôi cùng phu nhân Đại sứ đứng ở hàng bên đội danh dự của đoàn đón tiếp. Hình như hôm đó trời mưa, nên máy bay đến muộn. Tôi cầm hoa hồng trong tay nhìn phải nhìn trái, bỗng nhiên thấy mọi người vỗ tay hoan hô nói: “Bác Hồ đến rồi, Hồ Chủ tịch đến rồi”. Tôi cũng đổ dồn ánh mắt nhìn theo hướng của người lớn và nhìn thấy Người có mái tóc và bộ râu bạc, vừa đi vừa giơ tay vẫy chào mọi người. A! Bác Hồ đến thật rồi! Tôi vừa nhẩy vừa reo, vừa vẫy hoa, vui mừng khôn xiết.

Bà Vương Phong với tấm ảnh cùng Bác Hồ năm 1957. Ảnh NVCC.

Bà Vương Phong với tấm ảnh cùng Bác Hồ năm 1957. Ảnh NVCC.

Một lát sau, Bác Hồ bước đến trước mặt chúng tôi, trò chuyện thân mật với Đại sứ La Quý Ba và cầm tay tôi hỏi bằng tiếng Trung Quốc: “Cháu mấy tuổi rồi? Biết nói tiếng Việt Nam không?". Tôi nhìn Bác giống như ông nội có gương mặt hiền từ và tôi nói liền ba câu tiếng Việt duy nhất mà tôi biết với Bác: “Ăn cơm chưa?”, “Ăn rồi”, “Xin chào đồng chí”.

Bác Hồ cười rất to và hỏi tôi: “Cháu có thích Việt Nam không?”. Tôi không cần nghĩ liền trả lời ngay: “Cháu thích Việt Nam, cháu cũng yêu Bác Hồ!”. Bác Hồ vừa nghe xong liền ôm tôi vào lòng, hôn nhẹ lên má tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ hạnh phúc nhất, vì tôi đã được gặp Người mà ngày đêm từng mong đợi được gặp mặt, hơn thế Bác Hồ cũng yêu tôi - một cô bé Trung Quốc. Lúc đó các phóng viên, nhà báo tập trung về phía Bác và tôi, chụp được nhiều hình ảnh quý giá và ngay sau đó được đăng tải trên các báo của Việt Nam. Sau đó, ông Tạ Sĩ Phong - Phóng viên báo Tân Việt Hoa tặng bố tôi 2 bức ảnh mà ông chụp được để làm kỷ niệm. Đây là một trong những bức ảnh quý giá nhất của đời tôi.

Kỷ niệm ngày trở lại Việt Nam

Hơn 1 năm sau, khi gần 7 tuổi, tôi phải về nước để đi học. Tôi không muốn phải xa bố mẹ. Nhưng khi nghe nói, Bác Hồ sắp sang thăm Trung Quốc, đi cùng với Bác có Đại sứ La Quý Ba, nếu về nước tôi sẽ được đi cùng chuyến chuyên cơ với Bác và Đại sứ, nghe tin này tôi liền đồng ý ngay. Tôi vẫn còn nhớ lời bố dặn: “Nhớ học cho giỏi mai sau sẽ quay trở lại Việt Nam được gặp Bác Hồ”.

Bà Vương Phong trở lại Việt Nam. Ảnh NVCC.

Bà Vương Phong trở lại Việt Nam. Ảnh NVCC.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đến nay đã hơn 60 năm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cho dù bản thân, gia đình cũng như xã hội trải qua nhiều thay đổi, nhưng bà Vương Phong vẫn giữ gìn cẩn thận tấm ảnh quý giá mà mình được chụp với Bác Hồ ngày nào. Cuối năm 2000 và năm 2002 bà Vương Phong có dịp trở lại Việt Nam. Hai lần sang thăm này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và những kỷ niệm khó quên về đất nước và con người Việt Nam.

Nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời, tôi luôn gìn giữ cẩn thận tấm ảnh vô cùng quý giá được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng lại mang ra cùng gia đình ôn lại những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Việt Nam tươi đẹp, người dân mến khách, nhiệt tình. Lần thứ hai tôi được sang thăm Việt Nam là giữa trung tuần tháng 12/2000 trong hoàn cảnh hết sức bất ngờ. Lúc đó Việt Nam và Trung Quốc vừa bắt đầu mở cửa du lịch, tôi được gặp lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh. Được biết hồi nhỏ tôi vinh dự được tặng hoa Bác Hồ và được đi cùng một chuyến máy bay với Bác sang thăm Trung Quốc, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mời tôi sang thăm Việt Nam nhân dịp tổ chức lễ hội văn hóa du lịch quốc tế tại TP Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, bà Vương Phong đã có 4 lần sang thăm Việt Nam. Chuyến đi thứ 4 đến Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bà, khi được vào Lăng viếng Bác. Bà kể: Năm 2017, tôi được vào Lăng viếng Bác, rất may hôm đó Lăng Bác mở cửa, tôi cùng đoàn người xếp hàng dài chậm rãi đi từ ngoài vào trong Lăng với không khí trang nghiêm, khiến mọi người dâng trào lòng tôn kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đoàn của chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình 9 lần bày tỏ lòng thành kính với Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chuyến đi lần này vô cùng mãn nguyện đối với tôi.

Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng bà Vương Phong rất thích các bài hát của Việt Nam. Nhớ lại kỷ niệm đẹp ở Việt Nam bà chia sẻ: Năm 2002 có dịp đến Hà Nội, vì không biết tiếng Việt, tôi chỉ còn cách hát bài hát đó cho chị bán băng đĩa ở gần hồ Hoàn Kiếm nghe. Vừa nghe, chị đã hiểu và bán cho tôi đĩa có những bài mà tôi yêu thích. Về tới Bắc Kinh, tôi đã tìm sách dạy tiếng Việt và tự học phát âm, đến nay có thế hát và biểu diễn được các bài: Nhớ về Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố... Trong những dịp gặp mặt hoặc liên hoan chào mừng ngày lễ lớn của Việt Nam và Trung Quốc, tôi lại có dịp hát bằng tiếng Việt bài Em ơi Hà Nội phố, Nhớ mùa thu Hà Nội… thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam - quê hương thứ hai của mình.

Thành Huy Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-ve-chau-be-trung-quoc-tung-duoc-tang-hoa-bac-ho.html
Zalo