Bài thơ 'Pác Bó hùng vĩ' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc. Những bài thơ của Người sáng tác dù ở thời điểm, hoàn cảnh nào đều toát lên tinh thần và ý chí cách mạng, tuyên truyền, vận động cách mạng. Bài thơ 'Pác Bó hùng vĩ' là một tác phẩm không ngoại lệ, bên cạnh việc vẽ bức tranh đẹp Non nước Cao Bằng là lời khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào về sự trưởng thành của Đảng ta, là quyết tâm sắt đá của Đảng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bài thơ “Pác Bó hùng vĩ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bối cảnh những ngày đầu Người trở về Tổ quốc. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nơi Người chọn ở đầu tiên khi về nước là Pác Bó, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), nơi non xanh, nước biếc, cảnh vật thơ mộng, hữu tình.

Mở đầu bài thơ, Người bắt đầu bằng câu thơ rất hay về phong cảnh của Non nước Cao Bằng “Non xa xa, nước xa xa”. Là người Cao Bằng hoặc từng đến với Cao Bằng thì ấn tượng đẹp nhất về Cao Bằng chính là cảnh núi non trùng điệp ngút ngàn xanh, đi đến đâu núi non hiện ra trước mắt đến đó. Người dân Cao Bằng chất phác, hiền lành, giàu truyền thống yêu nước, tin Đảng và sẵn sàng hưởng ứng sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nếu người đọc chỉ cảm nhận bài thơ với những nét ngữ nghĩa như vậy thì chưa đầy đủ, chưa thấy được ý nghĩa sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong câu thơ và toàn bài thơ. Bên cạnh cảnh sắc Non nước Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn muốn nói đến điều lớn lao hơn và vô cùng thiêng liêng đó là hình hài đất nước, dân tộc Việt Nam.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, dân tộc Việt Nam với truyền thống yêu nước không ngừng vùng lên phản kháng như phong trào Cần vương, phong trào Nông dân, phong trào Đông du, phong trào Duy tân nhưng đều thất bại. Cả dân tộc chìm đắm trong nô lệ, lầm than. Trên con đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người chọn đó làm ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam. Lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh có nhiều thuận lợi cho cách mạng, thực dân Pháp đã suy yếu, phong trào cách mạng ở trong nước phát triển đến cao trào, cơ hội giành lại độc lập dân tộc có khả năng thành hiện thực. “Non xa xa, nước xa xa” vừa là cảnh sắc quê hương Cao Bằng, cụ thể vừa là bóng hình đất nước, dân tộc trong tâm tưởng của Người. Người đã nhìn thấy đất nước, dân tộc trong tương lai tươi sáng. Đất nước, dân tộc sẽ độc lập, tự do, chỉ cần toàn dân một lòng đoàn kết làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Câu thơ thứ hai “Nào phải thênh thang mới gọi là”, câu thơ như là sự phân trần, bộc bạch pha lẫn niềm tự hào để động viên, thuyết phục người đọc, người nghe. Xét về sự logic ngữ nghĩa trong tổng thể bài thơ, người đọc dễ nhận thấy điều Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đó là sự trưởng thành vượt bậc của Đảng ta. Tiến trình hoạt động cách mạng của Đảng ta đầy những khó khăn, thử thách nhưng cũng thật vinh quang. Năm 1930, Đảng ta ra đời, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm vũ khí đấu tranh, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng trong hoàn cảnh không có bất cứ một thuận lợi kinh tế, chính trị nào. Sự đàn áp, khủng bố cực kỳ dã man của thực dân Pháp, không có chỗ xây dựng căn cứ, không điều kiện cơ sở vật chất, Đảng vẫn không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân vững bước trên con đường cách mạng. Lúc này, Đảng và dân tộc ta đang từng bước tiến gần hơn đến ngày độc lập, tự do.

Núi Các Mác, suối Lê-nin, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Núi Các Mác, suối Lê-nin, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Câu thơ thư ba “Đây suối Lê-nin, kia núi Mác”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cách mạng ở Việt Nam không thể thiếu chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Ngày trở về Tổ quốc, Người đặt tên cho một ngọn núi là núi “Các Mác”, con suối là suối “Lê-nin”, điều đó chính là sự khẳng định quan điểm của Người về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là tư tưởng tiến bộ của nhân loại, là chân lý cách mạng cho mỗi dân tộc, đặc biệt là đối với cách mạng Việt Nam. Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn vùng dậy phản kháng nhưng đều bị thất bại bởi thiếu một lý luận và phương pháp cách mạng đúng đắn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chính là thế giới quan, phương pháp luận để Đảng ta vận dụng lãnh đạo nhân dân ta đi đến thắng lợi của cuộc cách mạng.

Câu thơ cuối “Hai tay xây dựng một sơn hà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm giành lại non sông đất nước của Đảng ta. Có chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi sáng, dẫn đường, có phong trào cách mạng trong nhân dân sôi nổi, mạnh mẽ và rộng khắp, Đảng nhất định lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước sẽ được độc lập, dân tộc sẽ được tự do, hạnh phúc và thực tế sau này lời khẳng định của Người đã được minh chứng bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài thơ “Pác Bó hùng vĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc động viên, tuyên truyền toàn thể nhân dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, nhất trí đứng lên giải phóng đất nước, giải phóng chính mình. Ngày nay, trên bước đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài thơ vẫn có ý nghĩa giáo dục, định hướng, đó là kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong sự nghiệp cách mạng. Muốn đạt được thắng lợi trong bất cứ cuộc cách mạng nào, Đảng ta phải kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân phải không ngừng học tập cũng như thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chu Văn Thắng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bai-tho-pac-bo-hung-vi-cua-chu-tich-ho-chi-minh-3177191.html
Zalo