Chuyện trong căn phòng 'bình tĩnh sống'

Phòng 912 của Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa - căn nhà thứ hai của những 'nữ chiến binh đầu trọc' đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, có một thứ còn quan trọng hơn thuốc, đó là hy vọng sống. Còn hy vọng là còn sức mạnh để đương đầu với bệnh tật. Thế nên những người ở căn phòng này đều nuôi cho mình một hy vọng sống.

Ths.Bs Hoàng Thị Hà, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, chia sẻ động viên chị Trần Thị Hồng Thái vượt qua bệnh tật.

Ths.Bs Hoàng Thị Hà, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, chia sẻ động viên chị Trần Thị Hồng Thái vượt qua bệnh tật.

Khoa Chăm sóc giảm nhẹ hiện đang điều trị cho 100 bệnh nhân ung thư. Trên giường bệnh trong căn phòng 912, bệnh nhân Trần Thị Hồng Thái ở xã Hà Giang (Hà Trung) đang truyền hóa chất. Cách đây 10 năm, bụng Thái xuất hiện những cơn đau lạ. Sau đó, cô đi ngoài ra máu. Dấu hiệu chẳng lành ấy khiến người mẹ trẻ lo âu. Chồng công tác xa nhà, cô phải tự bắt xe đến viện khám bệnh. Kết quả, Thái có khối u ác tính đường kính 3cm trong đại tràng và đã lan đến các bạch huyết. 10 năm qua, Thái chiến đấu với căn bệnh quái ác, nhiều lần hóa trị đau đớn, những sợi tóc mềm rơi xuống sau mỗi sáng thức giấc. Thái chia sẻ: “Mình đau đớn, chỉ muốn chết đi. Nhưng mình chết rồi, con gái sẽ ra sao? Thời gian đầu, điều mình ám ảnh nhất đó chính là sự ra đi của những người bệnh. Rất đột ngột, có thể chiều nay mình vẫn còn thấy họ cười đùa, trò truyện nhưng đến nửa đêm đã qua đời. Mình sợ, không biết bản thân có vượt qua được căn bệnh này không, hay lại như những người bệnh kia. 10 năm rồi, mình sống với nỗi sợ hãi của chính mình”.

Nghe chuyện, mắt tôi cay xè. Mẹ cô ngồi bên cũng không cầm được nước mắt. Chỉ riêng Thái không khóc, cô mỉm cười vỗ về mẹ mình. Sự mạnh mẽ của người phụ nữ đối diện khiến tôi vô cùng nể phục. Suốt 10 năm qua cô đã phải chống chọi với cơn đau hàng ngày, khi thuốc ngấm vào từng tế bào cơ thể hủy diệt những “con bệnh” cũng đồng nghĩa với việc cơ thể cô đau đớn, khó thở và không thể nói được. Thái kể: “10 năm, mình không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu lần trở bệnh. Không nhớ đã uống bao nhiêu thuốc. Nhưng mình vẫn thấy cuộc đời nhiều may mắn khi bên mình vẫn còn bố mẹ, chồng, con gái, đồng nghiệp và học trò. Thế là lần nào quay lại viện mình cũng nhủ lòng không được chết, phải sống bằng mọi giá!”.

Suy nghĩ ấy càng được củng cố trong đầu Thái khi có những người bạn - người bệnh được bác sĩ thông báo được ra viện. Người này truyền người kia, chúc mừng nhau rối rít. Họ khóc, họ cười, họ thêm cho nhau niềm tin và sức mạnh. Thái chia sẻ: “Sắp tới, mình có lịch mổ. Mổ xong từ 10 - 12 ngày thì mình xuất viện, về nhà nghỉ ngơi rồi lại lên xạ trị 2, 3 tháng ở đây. Trong những ngày chờ mổ, lại tiêm, truyền, chờ đợi và hy vọng". Thái mỉm cười mà mắt ngấn nước. Hy vọng, đó là điều mà chắc chắn dù bệnh tật như thế nào Thái cũng không đánh mất.

Nằm giường bên cạnh, chị Hoàng Thị Hiền ở xã Hà Lĩnh (Hà Trung) lặng lẽ thở dài, mắt chị rưng rưng theo. Chị đang nhớ lại cái ngày biết mình bị ung thư, chị cũng ngồi khóc như thế kia nhưng chẳng có ai ở bên cả. Lúc ấy, ý nghĩ về “cái chết” luôn trong tâm trí chị. Thế rồi, chị đã gạt đi được khi nghĩ đến cậu con trai duy nhất. Không sợ chết chỉ sợ mẹ già, con dại sống thiếu vắng bàn tay người chăm sóc. Vì ý nghĩ ấy, chị Hiền đã 2 năm ròng đơn độc chiến đấu với bệnh ung thư vú.

“Vì cuộc sống phải bươn chải nhiều quá, tôi chỉ nghĩ phải đi làm kiếm tiền chứ hầu như không nghĩ đến sức khỏe. Ốm đau suốt, cuối năm 2022 tôi mới “liều” đi khám bệnh. Ai ngờ mắc phải căn bệnh quái ác này"... Chị Hiền bỏ lửng câu nói, rồi nghẹn ngào: “Về nhà, ngoài khóc ra tôi chẳng biết làm gì. Nhìn gia cảnh nhà mình, bản thân chỉ càng thêm đau xót. Rất nhiều lần, sự buông xuôi xuất hiện trong suy nghĩ. Nhưng câu nói của con trai rằng mẹ chết trên đời này con không còn người thân nào, đã làm tôi thật sự bừng tỉnh”.

Bà Lê Thị Mầu và chị Lê Thị Trà cười đùa vui vẻ sau đợt vào thuốc.

Bà Lê Thị Mầu và chị Lê Thị Trà cười đùa vui vẻ sau đợt vào thuốc.

Thời gian chữa bệnh của chị Hiền là dằng dặc những đau xót, sự giằng xé trong tâm can. “Con phải đi làm lo kinh tế, tôi một mình chiến đấu với bệnh tật trong viện. Đói bụng, tôi chỉ dám ăn tạm miếng bánh mì, mua suất cơm cũng phải cân nhắc, vì sự thực tôi nghĩ mình chỉ ăn cho khỏi chết. Một suất cơm vài ba chục ngàn đồng mình ăn cũng được, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu”, chị Hiền nói.

Thật may, những người bệnh trong căn phòng nhỏ đã cưu mang, giúp đỡ chị. Chị kể, có bà thấy chị nhịn đói suốt thì thương. Mỗi bữa ăn bà lại bảo tôi ăn cùng vì sợ “ăn không hết”. Biết bà có lòng tốt, nhận lời ăn cùng bà mà mỗi miếng cơm chị Hiền như nấc nghẹn. Sau này trong những lần truyền hóa chất, xạ trị và chờ mổ, chính những người xung quanh đã trở thành người thân cùng chị bước đi trên con đường chiến đấu với bệnh tật.

Vì những tấm lòng thơm thảo của những người xung quanh, chị Hiền đã dần thay đổi suy nghĩ “cuộc đời đầy rẫy những bất công, lạnh lùng”. Chị thấy mình bớt đơn độc, thấy cuộc sống vẫn có rất nhiều người tốt. Chị được tiếp thêm nghị lực bằng chính tấm gương của những người xung quanh. Chị bảo: “Ở đây có bà Lê Thị Mầu hơn 70 tuổi vẫn kiên trì chữa ung thư mật. Chị Lê Thị Trà bị ung thư buồng trứng ảnh hưởng tới phổi, bệnh hành thở không ra hơi nhưng khỏe cái là vui vẻ, trêu đùa mọi người như không. Lại có ông chồng quốc dân Lê Viết Xuân, gần 80 vẫn được các chị em lấy làm hình mẫu để so sánh với chồng mình. Bởi nhiều năm nay, ông Xuân cùng vợ chiến đấu với bệnh tật, chăm sóc bà kỹ càng từ miếng ăn, giấc ngủ”.

Mỗi người một cảnh đời, một số phận, bệnh tật, mà trước ranh giới sống chết, họ đều tìm ra một sức mạnh để vượt qua. Ngoại trừ những lúc có bệnh nhân trở nặng thì trong căn phòng 912 luôn ngập tràn tiếng cười. Tiếng cười giòn tan mà mọi người hay đùa với nhau là “cười tào lao để quên đi nhọc nhằn, để tìm thấy sự lạc quan, niềm hy vọng".

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-trong-can-phong-binh-tinh-song-228686.htm
Zalo