Chuyện 'thực túc binh cường' ở Trường Sa
Từ đảo nổi đến đảo chìm, đâu đâu cũng thấy bóng dáng vườn rau, chuồng lợn, lu giá đỗ… Không có kỹ sư nông nghiệp, càng không có bác sĩ thú y. Nhưng lính đảo Trường Sa vẫn biết cách trồng dưa trong hố bê tông, nuôi lợn bằng nước ngọt tiết kiệm, và giữ cho bữa ăn luôn có rau xanh, cả khi biển động khiến việc tiếp tế gián đoạn.
Những “An-ta-na-mê-ra” trên đảo
An-ta-na-mê-ra là tên một con lợn trong tiểu thuyết “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tương truyền con lợn này rất khôn, biết làm xiếc và được lính đảo đặc biệt yêu quý. Trong điều kiện nước ngọt khan hiếm, lính còn phải tắm nước biển, uống nước biển, độn thêm nước biển để nấu cơm, thì An-ta-na-mê-ra được thửa hẳn một suất riêng, để nó ăn, uống, thậm chí tắm… cho khỏi ốm.
Câu chuyện này được Trần Đăng Khoa kể cách đây hơn 2 thập kỷ, nhưng trong chuyến ra thăm Trường Sa vào cuối tháng 4/2025, tôi ngỡ nó như mới vừa xảy ra đâu đây.
Ở đảo Cô Lin, lợn và vịt chung một chuồng. Con lợn nằm dài dưới cái nắng gắt, thở phì phò như thể cũng hiểu việc tồn tại của mình là chuyện không hề đơn giản. Nó được chăm bằng nước ngọt, thứ mà lính đảo phải chắt từng giọt, và sống trong khu chuồng được chọn ở nơi kín gió nhất đảo. Từng suất nước cấp cho lợn phải tính theo đơn vị lít, chính xác và không thừa. Một con lợn “tiêu chuẩn” cần đến 4 lít nước ngọt mỗi ngày, tương đương khẩu phần của hai người. Một tháng: 120 lít. Một năm: hơn 1.400 lít nước quý như vàng giữa biển.
Tại đảo Đá Thị, một đảo chìm nhỏ đến mức “nói một câu là hết” như câu thơ của Hữu Thỉnh, vẫn có gà, vịt, ngan, và cả 9 con chó được chiến sĩ chăm sóc cẩn thận. Chuồng gà dựng bằng gỗ thải từ tàu, hàng rào tận dụng từ ván chở hàng, vườn che nắng cho đàn vật nuôi cũng được dựng thủ công từ những gì đảo có.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, chính trị viên đảo Đá Thị cho biết: “Ở đất liền thì chăn nuôi, trồng trọt là nghề. Ở đảo, đó là nhiệm vụ. Trồng được mớ rau muống xanh tươi là thấy yên tâm rồi, vì anh em đỡ phải ăn đồ hộp. Mỗi lần thấy mâm cơm có rau đảo là thấy công mình đổ mồ hôi không phí”.

Dưa hấu ở đảo Đá Tây A chuẩn bị được thu hoạch
Ở Trường Sa, mỗi đảo có một tổ chăn nuôi, với lịch phòng dịch được lập theo mùa, giống lợn, gà, ngan, vịt… được tuyển chọn kỹ để chịu được khí hậu gió mặn. Có lúc biển động, lính phải cõng cả đàn lợn lên phòng ở để tránh ngập. Chuyện tưởng đùa, nhưng là thực tế diễn ra trong nhiều đợt áp thấp.
Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), chia sẻ: “Thực phẩm tươi không phải lúc nào cũng tiếp tế kịp ra đảo, nhất là trong mùa biển động. Vì vậy, việc trồng rau, nuôi lợn ở các đảo là cách làm rất thiết thực để ổn định sinh hoạt, giữ sức khỏe cho bộ đội. Mỗi đảo có điều kiện khác nhau, nên phải linh hoạt. Việc này không mới, nhưng càng làm bài bản thì anh em càng chủ động, không bị động về hậu cần trong những thời điểm khó khăn”.
Trồng cây giữa gió, trồng rau giữa muối
Không gian trên đảo vốn đã chật. Nhưng bằng đủ thứ sáng kiến, lính đảo vẫn xoay xở có được những vườn rau xanh, thứ xa xỉ nhất giữa đại dương.
Cách trồng rau cũng mang đặc trưng riêng tùy theo yếu tố “chìm,” “nổi” của từng đảo. Nếu như ở các đảo nổi Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây A… rau được trồng trong những khu vườn nhỏ, thì tại các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Thị… những người lính đảo lại phải trồng trong từng khay nhựa và chậu đá, đặt ở trong “vườn” được che chắn kỹ như “nhà”. Chưa hết, tùy theo mùa gió, vườn rau của những đảo chìm sẽ xê dịch từ Nam sang Bắc hoặc ngược lại. Mùa mưa, nhờ có nguồn nước ngọt tự nhiên và độ ẩm cao, phần lớn các đảo ở Trường Sa đều tự túc được rau xanh. Luống rau cải, rau muống, rau dền, rau ngót, mùng tơi… phát triển nhanh, đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt thường xuyên của bộ đội. Tuy nhiên, vào mùa khô, khi nắng gắt kéo dài và gió muối thổi mạnh, lượng nước ngọt phải ưu tiên cho sinh hoạt, việc trồng rau trở nên khó khăn hơn nhiều. Để khắc phục, bộ đội các đảo nghĩ ra đủ cách ứng biến. Phổ biến nhất là ủ giá đỗ bằng hộp xốp tận dụng từ hàng tiếp tế, và muối dưa cải trong các hũ nhỏ.

Chuồng lợn trên đảo chìm Cô Lin

Bụi mía quý giá của gia đình anh Thúc.
Vạn Thanh Triều, chiến sĩ đảo Đá Thị, chia sẻ: “Rau ít thì tụi em tự làm giá, muối dưa. Ăn kèm cơm vừa chống ngán, vừa đảm bảo đủ chất. Lúc đầu tưởng chuyện nhỏ, làm chơi thôi, nhưng nhờ vậy mà suốt mấy ngày tiếp tế bị trễ, đảo vẫn duy trì được bữa ăn có rau đều đặn”.
Đảo Đá Tây A từng khiến đoàn công tác ngỡ ngàng khi khoe những gốc dưa hấu tươi tốt, quả to vỏ xanh mướt giữa nắng và gió. Bí quyết nằm ở những hố bê tông, phần còn lại khi xây dựng đảo, được tận dụng làm bầu đất trồng cây. Người lính trộn đất với cát, phân vi sinh rồi canh tưới bằng nước gạn lọc, ngày hai lần.
Không khí trồng trọt ở đây có tổ chức như một đơn vị chiến đấu. Có sổ ghi chép ngày gieo, lịch bón phân, thời điểm thu hoạch. Có cán bộ phụ trách từng khu luống. Có thời gian sinh hoạt tăng gia xen kẽ giữa các ca trực.
“Thành quả này nhìn thì đơn giản, nhưng thực ra là công sức tích lũy từng ngày”. Đại tá Phạm Văn Thọ nhận xét. “Ở đất liền, dưa hỏng thì trồng lại. Ở đảo, mỗi hạt giống là một lần thử nghiệm. Bộ đội phải tự điều chỉnh cách trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cả điều kiện sinh hoạt chung. Ba năm nay, mỗi năm Đá Tây A thu hoạch từ 400-600 quả dưa mỗi vụ. Thành quả này cho thấy, nếu kiên trì, đảo có thể chủ động phần nào nguồn rau củ, không hoàn toàn phụ thuộc vào tàu tiếp tế”.
Quan trọng nhất là ý thức tự chủ
Thượng tá Bùi Xuân Bình, Chính ủy Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ: thực túc binh cường là một yêu cầu thực tế, gắn với truyền thống xây dựng lực lượng vững mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam từ thời chiến đến thời bình. Ở Trường Sa, điều này càng thể hiện rõ: không gian chật, khí hậu khắc nghiệt, việc tiếp tế phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu không chủ động được nguồn thực phẩm tại chỗ, thì không thể đảm bảo sức khỏe và sự ổn định lâu dài cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Từ nhiều năm nay, các đảo đều chủ động quy hoạch lại khu tăng gia, triển khai chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình phù hợp với từng điều kiện cụ thể: đảo nổi, đảo chìm, diện tích hẹp hay khí hậu khắc nghiệt. Có nơi trồng rau trong thùng xốp, có nơi tận dụng hố bê tông cũ để trồng dưa, mướp, đu đủ. Chuồng trại được bố trí gọn, kín gió, dễ vệ sinh, ít tiêu hao nước ngọt.
Tất cả mô hình tăng gia đều do chính bộ đội tự thực hiện. Không có chuyên gia, nhưng bằng kinh nghiệm, sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, anh em vẫn đảm bảo được nguồn rau xanh, thịt tươi cho đơn vị. Điều quan trọng nhất không phải là năng suất, mà là ý thức tự chủ. Khi bộ đội làm được việc ấy, cũng đồng nghĩa với việc đang giữ vững thế trận hậu cần trên tuyến đầu”.
Trên đảo Sinh Tồn, “ăn rau thoải mái”, là cụm từ hiếm hoi nhưng có thật. Đu đủ ở đây cây nào cây nấy đều sai trĩu trịt, quả mọc thành chùm, tán lá sum suê, đủ cung cấp đều đặn cho bữa ăn hằng ngày. Mướp, bầu, bí cũng được trồng xen kẽ trong khu đất tăng gia. Bộ đội cải tạo đất bằng cách trộn thêm phân chuồng và đất mùn do tàu vận chuyển ra. Nhờ khí hậu nắng nhiều, lại có kinh nghiệm chăm sóc tích lũy qua từng mùa gió, nên rau trái ở đây phát triển khá ổn định. Chiến sĩ ở đảo kể, nhiều đợt tiếp tế bị gián đoạn do biển động, chính những luống mướp, gốc bầu đã “cứu” đảo qua tuần lễ thiếu rau xanh.
Cũng ở Sinh Tồn, anh Phạm Thúc, một hộ dân định cư, đã khiến nhiều người bất ngờ khi trồng thành công bụi mía tím ngay trong vườn nhà. Giống mía anh xin từ đất liền, mang ra đảo theo chuyến tàu tiếp tế. Ban đầu, anh chỉ định thử trồng cho vui, nhưng nhờ chịu khó cải tạo đất, ủ phân hữu cơ, giữ ẩm bằng cách phủ gốc và tưới nước gạn lọc đều đặn, cây mía bén rễ và phát triển tốt. Mía ra lóng đều, vỏ tím đậm, ruột ngọt đậm và mọng nước, không khác gì mía trồng ở đất liền. Mỗi lần thu hoạch, anh Thúc lại chia sẻ cho hàng xóm và bộ đội trên đảo, như một món quà nhỏ từ đất. “Lúc đầu tôi cũng không tin mía chịu nổi gió biển. Nhưng cây sống được. Mà sống khỏe”. anh nói.