Chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc: Hải trình của niềm tin, gắn kết và sự yêu thương

Chiều 26/4, tàu Kiểm ngư KN390 đưa đoàn công tác số 13 - 'chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc' đã cập bến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), kết thúc chuyến hành trình 7 ngày (20-26/4) làm việc, nghiên cứu, thăm, giao lưu, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1/8 Quế Đường trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đoàn công tác số 13 - 'chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc' tại đảo Trường Sa, ngày 24/4. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn công tác số 13 - 'chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc' tại đảo Trường Sa, ngày 24/4. (Ảnh: Hồng Châu)

Đây là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức từ năm 2012 đến nay.

Chương trình năm nay có sự tham dự của 160 đại biểu đến từ các cơ quan, địa phương, đơn vị. Đặc biệt có 17 đại biểu Quốc hội khóa XV, 67 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ và 4 Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây đều là những cá nhân tiêu biểu, có sức khỏe, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyến công tác.

Trong 7 ngày hành trình, vượt qua 1.089 hải lý (tương đương 1.982km), đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại các đảo Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa và nhà giàn DKI/8 Quế Đường.

Đoàn công tác đã động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, các nhà giàn yên tâm, phấn khởi, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài xếp hình ngôi sao 5 cánh trên boong tàu. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài xếp hình ngôi sao 5 cánh trên boong tàu. (Ảnh: Hồng Châu)

Tại các đảo, nhà giàn, đoàn công tác đã có buổi làm việc, thăm hỏi, động viên, tặng quà, giao lưu văn nghệ với quân, dân và các lực lượng trên các đảo, nhà giàn; tổ chức chào cờ, duyệt đội ngũ trên quần đảo Trường Sa; trồng cây lưu niệm và khánh thành công viên Cầu Vồng tại đảo Đá Tây A; tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên thị trấn Trường Sa; tham quan, dâng hương tại 3 ngôi chùa và am thờ Lý Thường Kiệt tại các đảo.

Đoàn đã tổ chức cho các đại biểu thăm, tìm hiểu, nghiên cứu thực tế để đề xuất với các cơ quan chức năng về những chủ trương, giải pháp, những vấn đề liên quan đến tăng cường quốc phòng, an ninh trên hướng biển đảo, phát triển kinh tế biển và các dự án dân sự hóa, xanh hóa quần đảo Trường Sa; tổ chức tạo điều kiện cho các phóng viên nắm tình hình, quay phim, chụp ảnh, lấy tin phục vụ công tác tuyên truyền. Các tiết mục giao lưu, văn nghệ phục vụ chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng trên đảo, nhà giàn và tàu KN-390 để lại ấn tượng sâu sắc và tình cảm tốt đẹp.

Đoàn công tác số 13 - 'chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc' tại đảo Đá Tây A, ngày 24/4. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn công tác số 13 - 'chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc' tại đảo Đá Tây A, ngày 24/4. (Ảnh: Hồng Châu)

Trong quá trình tàu hành trình trên biển, đoàn đã tổ chức duy trì tốt phong trào thi đua đột kích “Đoàn kết, nghĩa tình, lập công, quyết thắng” với nhiều nội dung hoạt động ý nghĩa, thiết thực; tổ chức sôi nổi các hoạt động trên tàu thu hút đông đảo đại biểu tham gia, nhất là các Hội thi: Biển đảo Tổ quốc và Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng; thi cờ tướng, cắm hoa nghệ thuật, trình diễn trang phục; thi sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, giao lưu văn hóa văn nghệ, phát động phong trào đi bộ, rèn luyện sức khỏe … Các hoạt động được tổ chức chặt chẽ, phong phú, thu hút đông đảo đại biểu và cán bộ, chiến sĩ tham gia tích cực, nhiệt tình và đạt kết quả tốt.

Đoàn đại biểu đã ủng hộ quân chủng Hải quân xây dựng nhà văn hóa đa năng, thiết bị y tế và thực hiện chương trình Xanh hóa Trường Sa với tổng số tiền hơn 1,38 tỷ đồng; tặng quà quân dân trên các đảo, nhà giàn nơi đoàn đến thăm bằng hiện vật và tiền mặt gần 998 triệu đồng (trong đó: Nhà văn hóa đa năng: hơn 880 triệu đồng; xanh hóa Trường Sa: 160 triệu đồng; mua thiết bị y tế: 19 triệu đồng). Các phần quà được các đoàn đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng, sát với nhu cầu thực tiễn trên các đảo; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiên sĩ và nhân dân trên các đảo, nhà giàn.

Chuyến công tác đã giúp cho đoàn đại biểu, các thành viên tham gia đoàn công tác nhận thức sâu hơn, hiểu rõ hơn về biển, đảo; trải nghiệm thực tiễn sống động, khó khăn, gian khổ và sự cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo của Tổ quốc.

Đoàn Bộ Ngoại giao trong đoàn đại biểu tham gia đoàn công tác số 13 - “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc”. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn Bộ Ngoại giao trong đoàn đại biểu tham gia đoàn công tác số 13 - “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc”. (Ảnh: Hồng Châu)

Các đại biểu đều bày tỏ vinh dự, tự hào khi có dịp được thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/8 Quế Đường, khẳng định chuyến công tác đã “mang ra tình cảm, mang về niềm tin”; nhận rõ chủ quyền là thiêng liêng, cao cả; đoàn kết, đồng lòng, đề cao trách nhiệm bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, vươn mình cùng thế giới.

Lần đầu tiên đặt chân tới Trường Sa, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên bày tỏ xúc động: “Tận mắt chứng kiến những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của quân dân nơi đảo xa, tôi mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một hải trình khẳng định lòng yêu nước, kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới với đất mẹ Việt Nam”.

Hải trình là minh chứng sinh động cho chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với bà con kiều bào. Đồng thời, đây cũng là dịp để kiều bào bày tỏ tình cảm với Tổ quốc, trực tiếp cảm nhận hơi thở Trường Sa và đồng hành cùng trong nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với ông Hoàng Xuân Bình, một kiều bào đến từ Ba Lan, chuyến đi đã giúp ông nhận ra Trường Sa không hề xa – “Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam”. Còn với bà Trương Thị Hồng, kiều bào tại Israel, khi được chứng kiến đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện, các công trình trên đảo kiên cố, vững vàng hơn, đặc biệt là màu xanh của cây cối đã hiện hữu rất nhiều nơi, bà càng thêm vững tin về “một Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng hơn, cũng như sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân”.

Đoàn đại biểu đã ủng hộ quân chủng Hải quân xây dựng nhà văn hóa đa năng, thiết bị y tế và thực hiện chương trình Xanh hóa Trường Sa với tổng số tiền hơn 1,38 tỷ đồng. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn đại biểu đã ủng hộ quân chủng Hải quân xây dựng nhà văn hóa đa năng, thiết bị y tế và thực hiện chương trình Xanh hóa Trường Sa với tổng số tiền hơn 1,38 tỷ đồng. (Ảnh: Hồng Châu)

Kết thúc chuyến công tác, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định trao tặng 45 Huy hiệu “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” và 115 Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” cho các thành viên tham gia đoàn công tác.

Thành công của "Chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc” thêm một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Kết luận 12-KL/TW, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyến đi cũng góp phần khẳng định tình cảm, trách nhiệm và đóng góp của kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, cũng như công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc nói riêng

(từ Cam Ranh, Khánh Hòa)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tau-dai-doan-ket-dan-toc-hai-trinh-cua-niem-tin-gan-ket-va-su-yeu-thuong-312425.html
Zalo