Chuyện những cầu thủ giỏi lại… bán mãi không được

Trong các kỳ chuyển nhượng, người ta vẫn thường xuyên thấy được những cầu thủ được bán rất nhanh với giá cao, nhưng cũng thấy được những cầu thủ rất khó bán đi dù tài năng không hề tệ và giá rao bán cũng không cao. Thậm chí có nhiều cầu thủ được rao bán trong nhiều mùa giải nhưng chỉ có thể ra đi khi… hết hạn hợp đồng. Vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao?

Frenkie de Jong đang nhận mức lương xấp xỉ 700.000 euro/tuần tại Barcelona, một mức lương mà không có câu lạc bộ nào khác chấp nhận trả để Barcelona có thể chuyển nhượng cầu thủ này đi.

Chúng ta vẫn biết khi một cầu thủ hoặc không còn nằm trong kế hoạch của huấn luyện viên, hoặc sắp hết hạn hợp đồng mà câu lạc bộ hay bản thân cầu thủ đó không muốn gia hạn hợp đồng, mà có câu lạc bộ khác để ý tới, thì cách giải quyết sẽ là chuyển nhượng tăng thêm kinh phí cho câu lạc bộ để tìm kiếm những sự thay thế mới phù hợp hơn. Nhưng trên thực tế thì các thương vụ chuyển nhượng cũng không hề đơn giản chỉ là mua và bán.

Theo quy định hiện tại, để hoàn thành một thương vụ chuyển nhượng cầu thủ thì cần phải có sự đồng thuận của cả 3 bên, câu lạc bộ chủ quản, câu lạc bộ muốn mua cầu thủ và chính bản thân cầu thủ đó. Do đó, dù câu lạc bộ chủ quản muốn bán, đã thỏa thuận phí chuyển nhượng với bên mua, thì cũng phải cần sự đồng ý của bản thân cầu thủ mới được. Đó là lý do nhiều trường hợp câu lạc bộ chủ quản muốn bán, có câu lạc bộ muốn mua, nhưng cầu thủ không muốn ra đi thì chuyển nhượng sẽ không thể hoàn thành.

Như vậy, câu lạc bộ chủ quản muốn bán được cầu thủ mà họ muốn đẩy đi thì ngoài việc kiếm được người mua ra, thì còn cần phải có được sự đồng ý của chính bản thân cầu thủ đó, chứ không phải muốn bán là bán. Mà để cầu thủ đồng ý chuyển nhượng, thì có rất nhiều vấn đề liên quan cần được giải quyết, chẳng hạn như đẳng cấp câu lạc bộ mục tiêu có phù hợp, vị trí thi đấu như thế nào, có được đảm bảo thi đấu hay không… Và dĩ nhiên, có một vấn đề rất quan trọng cần được giải quyết đầu tiên, đó chính là lương bổng đãi ngộ.

Đây có thể nói là vấn đề mấu chốt trong việc khá nhiều câu lạc bộ không bán được cầu thủ trong những mùa giải gần đây, mà tiêu biểu nhất là Manchester United và Barcelona, bởi dù cho có câu lạc bộ nào đó muốn mua thì cũng khó lòng đáp ứng nổi mức lương, khi mà mức lương mà 2 câu lạc bộ này trả cho cầu thủ là quá cao. Chẳng hạn như những cái tên như Clement Lenglet, Ousmane Dembele, Ansu Fati… của Barcelona, hoặc Anthony Martial, Antony, Marcus Rashford… của Manchester United đang được hưởng mức lương lên tới 200.000 đến 300.000 eurouần. Cá biệt có trường hợp của Frenkie de Jong, Robert Lewandowski, David de Gea, Jadon Sancho, Casemiro… hưởng lương từ 400.000 đến 700.000 euro/tuần.

Đó hiển nhiên là mức lương không phải câu lạc bộ nào cũng có thể chi trả, mà thậm chí nó còn cao tới mức vô lý vượt xa giá trị thực của cầu thủ đó. Cầu thủ nhận được mức lương cao như vậy trong suốt thời gian hoàn thành hợp đồng, thậm chí còn nhiều hơn khi nhận những khoản tiền thưởng, tiền trung thành… đã quy định trước trong hợp đồng, mặc cho… có ra sân thi đấu hay không. Vậy nếu như chuyển nhượng mà không thể đáp ứng được mức lương như ở câu lạc bộ chủ quản, thì cầu thủ việc gì phải chấp nhận chuyển nhượng.

Do đó mới có tình trạng giá chuyển nhượng của cầu thủ rất rẻ, tài năng thì vẫn có, nhưng không có câu lạc bộ nào nguyện ý mua vì không thể đáp ứng nổi mức lương. Mà để những cầu thủ này lại trong đội hình thì hệ lụy rất lớn, huấn luyện viên thì không muốn dùng vì không phù hợp với ý tưởng chiến thuật, hoặc xung khắc cá nhân, quỹ lương của câu lạc bộ thì phình to dẫn đến khó khăn trong việc bổ sung nhân sự, thậm chí có ngôi dự bị thì cũng mang đến phản ứng tiêu cực trong nội bộ khi người nhận lương cao thì không cống hiến, trong khi người cống hiến lại không được nhận những mức lương “khủng” như vậy…

Thường thì những trường hợp như vậy câu lạc bộ chỉ còn cách cố gắng thuyết phục nhận một con số đền bù nào đó để rời câu lạc bộ, hoặc cho mượn để câu lạc bộ khác phụ trả bớt lương… để xem như bớt được chi phí bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Và đó cũng là lý do càng ngày các câu lạc bộ càng xiết chặt hơn về mặt chi phí chuyển nhượng và mức lương chi cho cầu thủ. Mà khuynh hướng hiện nay sẽ là thỏa thuận một mức lương không cao, nhưng thưởng cho thành tích sẽ cao để bù lại. Đây cũng sẽ là xu thế chủ đạo trong kỳ chuyển nhượng hè 2024, khi những bản hợp đồng phí chuyển nhượng cao đều là phí phá vỡ hợp đồng, và tuyệt không có tình trạng dùng lương cao để lôi kéo cầu thủ.

CAO DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-quoc-te/202408/chuyen-nhung-cau-thu-gioi-lai-ban-mai-khong-duoc-e783d2a/
Zalo