'Chuyện người cha và đứa con làng Bạch': Ăm ắp sự đời, nhân nghĩa của thời chiến khắc nghiệt

Đọc xong tập truyện ngắn 'Chuyện người cha và đứa con làng Bạch' của tác giả Vân Điệp (NXB Hội Nhà văn, 2024) tôi thật xúc động. Tập sách chỉ 112 trang với 12 truyện ngắn, rất phù hợp để đọc trong nhịp sống nhanh thời nay. Các câu chuyện trong cuốn sách chủ yếu nói về thời kỳ đất nước đang có chiến tranh, ăm ắp những sự đời, những con người nhân nghĩa. Qua từng trang sách thấy lấp ló có bóng hình của mình, của thế hệ mình.

Các truyện của Vân Điệp thường bắt đầu từ một hoạt cảnh hiện tại (có thể là một cuộc hẹn hò, gặp mặt hoặc từ một đám hiếu), sau đó nhân vật chính trong truyện (có khi xưng tôi) bắt đầu hồi tưởng lại những vui buồn từ mấy chục năm trước. Tập truyện viết về những con người bình dị, nhân hậu, bằng sự chịu thương chịu khó với tấm lòng cao thượng, thủy chung đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để vươn lên xây dựng một tương lai tốt đẹp. Họ là những chiến sĩ (lúc chiến tranh thì ra mặt trận, hòa bình lập lại thì phục viên, chuyển ngành) là nông dân, là thầy giáo, là cán bộ, viên chức Nhà nước... Đặc biệt, người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” được phản ánh rất đậm nét. Đề tài về chiến tranh, chủ yếu là cuộc sống nơi hậu phương, nhưng đôi khi cũng là tiền tuyến - chống máy bay Mỹ - vô cùng khắc nghiệt, bao trùm phần lớn nội dung của cuốn sách.

Vào thời điểm 1965, mấy chục vạn quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Vì vậy, thanh niên, kể cả trung niên, ai có đủ sức khỏe đều nhập ngũ. Phong trào tòng quân nhập ngũ ngoài miền Bắc thật rầm rộ: “Có mấy cậu được miễn vì là con một, nhưng cũng cứ xung phong. Đi tuốt” (Điều tốt đẹp không ngơi nghỉ). Tác giả mô tả sự khốc liệt của chiến tranh (bom rơi ở miền Bắc) qua hình ảnh: “Xúc mãi không được thìa cơm, bởi cái bát cầm trên tay rung lắc theo tiếng bom nổ. Miếng cơm vừa vào miệng thì ôi thôi đất xào xạo. Đất từ trên nóc cống rụng vào cơm” (Lời sám hối của “con nuôi”). Rồi “cái đêm bom Mỹ rơi trúng nhà, năm 1972, đứa con gái thứ ba và thằng thứ tư bị chết ngay trên cái chõng tre. Thằng đầu bị thương bên mắt trái, lõm sâu hoắm” (Điều tốt đẹp không ngơi nghỉ). Rồi chuyện một anh sinh viên năm thứ nhất nhập ngũ, yêu một cô gái ở quê, họ trót có con với nhau khi chưa kịp cưới thì chàng trai mất: “Bố Hùng là tử sĩ nhưng mẹ nó không được hưởng chế độ tuất. Ngay cả Hùng, mãi khi tròn năm nó mới được mang họ bố” (Chuyện người cha và đứa con làng Bạch). Tôi tán đồng với triết lý của tác giả. Trong rủi có may, trong họa có phúc: “Cuộc đời quả giống như trang sách vậy. Lật trang này, sẽ tiếp sang trang mới. Cái mới phần nhiều là đem đến những điều tốt đẹp mà đôi khi quá khứ đã vô tình hằn lên những vệt tối khó lường” (Điều tốt đẹp không ngơi nghỉ). Tính nhân văn trong các truyện của Vân Điệp rất cao, tác giả biết khai thác các “điểm nghẽn” của câu chuyện... và tìm ra lối thoát hợp lý. Sau cơn mưa trời lại sáng. Kết thúc câu chuyện bao giờ cũng có hậu.

Trong tác phẩm, bức tranh nông thôn xưa kia hiện ra thật đẹp. Người ta ru trẻ con không chỉ bằng các làn điệu dân ca “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” như đã có từ xa xưa, mà còn hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”,... lại còn cả “Thời thanh niên sôi nổi” và “Ca chiu sa” nữa. Có những đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, tình yêu của họ từ trong chiến trường rất đẹp, nhưng họ không lấy được nhau. Nhưng tình yêu, tình người vẫn là vĩnh cửu. Đó là chị Đào, “một người đàn bà nhân hậu, khảng khái thế mà cứ lận đận, hết chuyện tình cảm, lại chuyện kinh tế”. Gia cảnh nghèo nhưng chị rất khái tính, tính tình lại xởi lởi, lạc quan yêu đời, tiếng hát vẫn thật hồn nhiên (Tiếng hát ru của người đàn bà giúp việc). Sự hy sinh dũng cảm của 9 chiến sĩ trên xà lan bên bờ sông Lèn thật bi thương cảm động. Họ ngã xuống, mang theo cả những mối tình mới chớm nở đẹp như trăng rằm ở tuổi mười bảy. Dù có đôi chút tâm linh, nhưng những hành động đẹp, tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước khiến ta xúc động: “Phúc thắp hương cho các ngôi mộ liệt sĩ. Nén hương cuối cùng bỗng bùng cháy khi Phúc vừa cúi xuống: Anh đấy ư. Em về thăm anh đây. Mẹ giao anh cho em và bà con trong làng này đấy” (Trăng sông Lèn). Rồi chuyện anh bộ đội về làng biết vợ mình có con với người khác “Thời chiến mà. Đàn bà khôn ba năm dại một giờ” (Hồi ức hai bàn tay), nhưng sự thật bên trong là oan khuất của cả một đời người: Chiến tranh mà! Những người nông dân chất phác thảo thơm, phúc hậu như O Phòng, dượng Quàng còn được đi vào trong các bài làm kiểm tra môn Lịch sử của học sinh. Hình ảnh người bố trong truyện ký Lời sám hối của “con nuôi” - thầy giáo Bùi Trí Lãng, thật tuyệt vời. Ông là người thầy hết lòng vì học trò, tỉ mỉ cẩn thận chăm sóc cho con cái. Tác giả tâm sự: “Tuổi thơ gian khó, với những ký ức nên thơ như chuyện cổ tích đã trở thành miền bất động. Và hình ảnh bố tôi, một người cha như bao người cha bình thường khác, dù đã khuất về miền mây trắng, vẫn hiện hữu trong nhịp sống đời thường, dưới mái nhà thân thương của chị em chúng tôi”. Số phận chìm nổi của bà Oanh trong truyện Nắng chiều hai lần khóc chồng, người chồng đầu hy sinh ở chiến trường, người chồng sau bệnh nặng của “một trái tim cùng cực, chịu côi cút từ bé thơ”. Khó khăn là vậy, gần tám chục tuổi, nhưng “nhà bà đã qua vận đen”, bà vẫn lạc quan “Ánh nắng chiều xuân sao ấm lạ!”. Cái chết oan ức của cô Thương trong truyện Truyền kỳ bến cô Thương dù có đau đớn, nhưng phản ánh khí tiết thanh cao của phụ nữ thôn quê. Tôi thực sự cảm động khi đọc Chiếc áo Simili. Hai bạn Phượng và Thanh thân nhau từ thời học phổ thông, cái thời mà “Tình yêu là thứ gì đó khó nói thành lời. Nên mà sự quen thân, nể vì nhau có khi lại bền chặt hơn cả thứ gọi là tình yêu”. Câu chuyện chiếc áo đại cán và sự lừa dối của Thanh lại chuyển sang hướng tích cực. Cái áo đại cán của Phượng đã giúp bố Thanh tiếp tục việc cắt tóc để kiếm tiền nuôi cả gia đình với 6 người con trong những ngày mùa đông lạnh giá với cái ân tình “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cái kết của câu chuyện rất có hậu: “Bố mẹ đến giờ vẫn chưa biết chiếc áo đại cán mà hai cụ bù vào cái áo simili hụt cho mình ngày đó, lại có một sứ mệnh đặc biệt như vậy. Nếu biết, bố mẹ chắc sẽ cũng rất vui”. Trong truyện Tìm vợ cho chồng ta bắt gặp một thầy giáo dạy Lịch sử mẫu mực, đa tài, đã lên đường nhập ngũ cho đến ngày thống nhất đất nước mới trở về với nghề dạy học. Người vợ của thầy - bà Cả Kiên - do không có khả năng sinh nở, đã chủ động tìm vợ mới (cô Len) cho chồng, chăm sóc con của chồng với bà vợ mới như chính con mình. Và lại một cái kết thật ấm áp với người đàn bà nhân nghĩa: “Khu nghĩa trang như bỗng mênh mông hơn thường ngày. Có lẽ đó là bởi được gom góp thêm linh hồn cao thượng của người đàn bà đã vượt qua bất hạnh riêng mình, đi tìm vợ, tìm hạnh phúc cho người chồng thương yêu”. Hình ảnh bà Định (Chuyện bà Định nuôi tu hú) thuở nhỏ mò cua, bắt ốc để có tiền đi học, vào trường trung cấp chuyên nghiệp, rồi xung phong nhập ngũ (năm 1968) làm cô y tá ở chiến trường, sau năm 1975 thi đỗ Đại học Quân y. Chồng bà cũng là bộ đội xuất ngũ nhưng mất sớm. Mặc cho hàng xóm chê bà “nuôi tu hú”, nuôi con dâu học hành hàng chục năm liền và phụ giúp kinh tế cho nhà thông gia, nhưng bà có triết lý riêng: “Tu hú này vẫn ngày ngày cùng đắp xây niềm vui hạnh phúc cho gia đình mình. Nó có bay đi đâu mà sợ”. Về hưu, nhưng bà vẫn ưa làm việc, một thói quen như “căn bệnh mãn tính” lúc thì khám chữa bệnh, lúc thì bán chuối,... làm đẹp cho đời, với quan điểm “Cho cần câu hơn cho cá”.

Trong tập truyện, tác giả dùng nhiều ngôn từ đậm nét “xứ Thanh” nhưng rất hợp lý. Không “mô, tê, răng, rứa” vì nó cũ rồi, nhưng đó là thứ ngôn ngữ địa phương đầy màu sắc, sinh động của Thanh Hóa như: “người kẻ bể”, “mỗi khi ông to tiếng là bà lại lẩn xuống bếp”, “đi dặm lạc ngoài bãi”, “chỉ kịp khua bát cơm nguội”, “không bị ai dọa nạt, đằn hắt”... làm tăng thêm tính cuốn hút, hấp dẫn của tác phẩm. Tác giả sinh ra vào thập niên 1960, nhưng viết về thời kỳ trước và ngay sau Cách mạng Tháng Tám, về cải cách ruộng đất, về thời kỳ đầu xây dựng HTX nông nghiệp, về chiến tranh... thật sinh động, sâu sắc, chẳng thua kém gì lớp các nhà văn anh chị lứa trước, chứng tỏ vốn kiến thức, vốn sống của tác giả rất phong phú.

Tôi từng là chiến sĩ trên tuyến đầu chống Mỹ, rồi phục viên, về với nghề dạy học và tác giả - là một học trò cũ - đã tặng tôi tập “Chuyện người cha và đứa con làng Bạch”. Tôi xin được trân trọng giới thiệu với mọi người một “món ăn” tinh thần rất đặc sắc này.

NGND Phạm Ngọc Quang (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-nguoi-cha-va-dua-con-lang-bach-nbsp-am-ap-su-doi-nhan-nghia-cua-thoi-chien-khac-nghiet-34173.htm
Zalo