Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh
Đẩy mạnh kinh tế số, tăng cường hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang trở thành lĩnh vực ưu tiên của ngành ngân hàng.
Không chỉ dừng ở tăng khả năng tiếp cận vốn, trọng tâm còn là chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu và quan trọng giúp minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh.

Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát
*Nắm bắt cơ hội
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Jens Lottner, kinh tế Việt Nam trong 10-20 năm tới đang đứng trước cơ hội lịch sử khi sở hữu lực lượng dân số trẻ, một lợi thế vàng để phát triển kinh tế số và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi, đặc biệt chú trọng phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại và khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Jens Lottner nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng truyền thống. Sự phát triển bền vững phải được đặt trong một hệ sinh thái toàn diện, từ dữ liệu khách hàng, công nghệ tài chính đến hạ tầng phân phối và năng lực vận hành.
“Techcombank hiện đã tiếp cận và cấp vốn cho 500.000 doanh nghiệp SME nhờ vào mô hình dữ liệu mới, nhưng mục tiêu vươn tới 16 triệu khách hàng hộ kinh doanh và cá nhân đòi hỏi hệ sinh thái số hóa đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công nghệ như One Mount, Masterise hay các đối tác tài chính quốc tế”, ông Jens Lottner nhấn mạnh.
Theo ông Jens Lottner, tài chính số không chỉ là công cụ tiếp cận vốn, mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững.
Thực tế, hành lang pháp lý cũng đang được hoàn thiện nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp chính thức. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; trong đó yêu cầu hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải xuất hóa đơn điện tử được cho là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh.
Đồng hành cùng tiến trình này, nhiều ngân hàng đã tung ra các giải pháp tài chính số tích hợp. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tung ra gói giải pháp toàn diện V20000 trị giá 20.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 3,99%/năm, xét duyệt trong 3 phút và hạn mức vay lên đến 20 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cung cấp bộ giải pháp vận hành “5 trong 1” tích hợp tài khoản, vốn, thuế, bảo hiểm và quản lý thanh toán, kết hợp với phần mềm hóa đơn điện tử, chữ ký số.
Chưa dừng ở đó, VPBank còn hợp tác với Công ty cổ phần Dịch vụ T-Van Hilo và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Chuyển giao công nghệ Vina (Vinatti) để phát triển bộ công cụ hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp SME. Giải pháp tích hợp từ đăng ký mã số thuế, phần mềm bán hàng, hóa đơn điện tử cho đến thiết bị ghi nhận doanh thu đều được hỗ trợ triển khai nhanh chóng, với chi phí ban đầu được tài trợ phần lớn.
Ông Chử Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sản phẩm số và Giải pháp thanh toán VPBankSME nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận vốn, mà còn giúp doanh nghiệp quản trị dòng tiền hiệu quả, tối ưu chi phí vận hành và sẵn sàng hòa nhập với xu thế số hóa. Các giải pháp tài chính hiện đại của VPBank cho phép doanh nghiệp sử dụng toàn bộ dịch vụ mà không cần đến quầy giao dịch, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
*Giải bài toán vốn
Nhận thức rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân và SME trong việc duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính phù hợp với từng đối tượng.

Ngành ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính phù hợp với từng đối tượng.. Ảnh: BNEWS phát
Ông Trần Anh Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định kinh tế tư nhân và doanh nghiệp SME đã được khẳng định là động lực tăng trưởng quan trọng. Ngành ngân hàng luôn đồng hành trong việc tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn, với nhiều chính sách cải tiến quy trình cho vay, cơ cấu nợ, cho vay mới trong các giai đoạn kinh tế khó khăn.
Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các sản phẩm linh hoạt dành cho tiểu thương và hộ kinh doanh. Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), gói giải pháp tích hợp từ phần mềm hóa đơn điện tử, thiết bị bán hàng cho tới vay vốn nhanh với lãi suất cạnh tranh đã được thiết kế. Các chính sách hoàn tiền định kỳ, miễn phí tài khoản giao dịch và hỗ trợ chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp cũng được áp dụng. Không chỉ tập trung vào hộ kinh doanh truyền thống, ngành ngân hàng hiện đã mở rộng chiến lược tiếp cận sang nhóm khách hàng startup và doanh nghiệp sáng tạo, những chủ thể đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế số. Mới đây, VPBank đã ký kết hợp tác chiến lược với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng nhằm kết nối nguồn lực tài chính và công nghệ để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện tại khu vực miền Trung. Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đánh giá cao sự hợp tác này, cho rằng đây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường gắn kết giữa hệ sinh thái khởi nghiệp và lĩnh vực tài chính chính thống. Sự đồng hành của ngân hàng không chỉ bổ sung nguồn lực về vốn và công nghệ, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển các mô hình khởi nghiệp, đồng thời tạo nền tảng để lan tỏa mô hình ra khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế. Từ hộ kinh doanh đến SME và startup, bài toán tiếp cận tài chính và chuyển đổi số đang được tháo gỡ. Trong xu thế phát triển kinh tế số, các giải pháp tài chính tích hợp công nghệ và dữ liệu chính là đòn bẩy then chốt giúp doanh nghiệp nhỏ tiến xa hơn trên hành trình phát triển bền vững.