Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Cần đầu tư bài bản để nâng sức cạnh tranh
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đang đối mặt nhiều rào cản về vốn, công nghệ và liên kết. Đầu tư bài bản là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh.
Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao
Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong số này có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; có 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và có 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Số lượng nhà cung cấp linh kiện cấp 1 của Việt Nam chưa tới 100 doanh nghiệp, còn nhà cung cấp cấp 2 và 3 chưa tới 150 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đang đối mặt nhiều rào cản về vốn, công nghệ và liên kết. Đầu tư bài bản là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: TT
Đáng chú ý giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp. Những sản phẩm đã được nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghệ rất thấp, hoặc cồng kềnh cần nhiều nhân công như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… tổng cộng có 287 chi tiết, cụm chi tiết, đạt tỷ lệ khoảng 20%.
Khoảng 80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng. Không những thế, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ ngày càng tràn vào nhiều, khiến ô tô trong nước giảm sản lượng. Sản lượng giảm đã gây khó khăn cho công nghiệp hỗ trợ. Trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ cần một thị trường ô tô đủ lớn, để tiêu thụ linh kiện phụ tùng...
Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng chỉ ra, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Ông Phạm Văn Quân, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận: "Ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí không đơn thuần là sản xuất, mà là biểu tượng của sức mạnh công nghệ, trình độ công nghiệp và vị thế quốc gia. Nếu muốn Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, nhất định chúng ta phải làm chủ công nghiệp cơ khí, ô tô và công nghệ cao".
Ông Quân cũng thẳng thắn chỉ ra, trong quá trình phát triển vẫn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển. Bên cạnh đó chưa có doanh nghiệp đủ tầm để tham gia thị trường toàn cầu.
Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ
Theo Đề cương “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Công Thương, các mục tiêu lớn cho năm 2035 đã được xác định rõ ràng. Cụ thể, tổng sản lượng ô tô sản xuất trong nước sẽ đạt khoảng 1.531.400 chiếc vào năm 2035. Trong đó, phân bổ sản lượng theo từng loại xe bao gồm: xe dưới 9 chỗ ngồi đạt khoảng 852.600 chiếc, xe từ 10 chỗ trở lên đạt 84.400 chiếc, xe tải đạt 587.900 chiếc và xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước dự kiến chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa, trong khi mục tiêu xuất khẩu xe đạt 90.000 chiếc vào năm 2035.

THACO Industries là "đầu tàu" của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam. Ảnh: THACO
Một trong những mục tiêu quan trọng khác là ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2035, giai đoạn 2026 - 2035, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phải đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện và phụ tùng cho sản xuất ô tô nội địa. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu và góp phần hạ giá thành sản phẩm ô tô trong nước.
Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển bền vững và đạt được mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa, các chuyên gia cho rằng cần phải có những giải pháp chiến lược rõ ràng và chính sách hỗ trợ cụ thể.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho hay, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ hiện đại, nhưng hiện tại chúng ta vẫn thiếu chiến lược cụ thể, nhất là khi xu hướng chuyển đổi sang xe xanh ngày càng rõ rệt. Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không có các giải pháp hỗ trợ ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất trong nước.
Ông Phạm Văn Quân thông tin, hiện Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ, đề xuất các chính sách thuế, đất đai, tín dụng ưu đãi thiết thực hơn cho sản xuất linh kiện, cụm chi tiết trong nước, qua đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Bộ cũng đang thúc đẩy xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí – ô tô quốc gia đến 2035, tích hợp với các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp tại Bắc – Trung – Nam nhằm tạo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho sản xuất linh kiện và R&D.
Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi và nâng cao năng lực từng ngày. Việt Nam cũng cần phải xây dựng được các doanh nghiệp dẫn dắt ngành có năng lực. Giải pháp đưa ra là cần tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa...
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hỗ trợ thời gian tới cần tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.