Lãi tiết kiệm tăng trở lại, bất ngờ số tiền nhàn rỗi người dân gửi ngân hàng lấy lãi
Cùng với việc các ngân hàng tăng lãi tiết kiệm trở lại ở một số kỳ hạn, lượng tiền nhàn rỗi người dân gửi tiết kiệm lấy lãi tiếp tục tăng mạnh để lập kỷ lục mới.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kể từ đầu tháng 7/2025, một số ngân hàng đã tiếp tục tăng lãi tiết kiệm ở một loạt kỳ hạn. Trong đó, VPBank đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1-36 tháng với mức tăng 0,1%/năm; Techcombank tăng từ 0,1-0,2%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 1-36 tháng.
Mới nhất, ngân hàng Thương mại TNHH Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) cũng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,2%/năm áp dụng với tiền gửi các kỳ hạn từ 1-7 tháng.
Cùng với đó, một số ngân hàng như SeABank và Techcombank đang áp dụng chính sách tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến tại SeABank được nhận ưu đãi lãi suất lên tới 0,5%/năm, áp dụng với số tiền gửi từ 100 triệu đồng, các kỳ hạn 6, 12, 13 tháng.
Tại Techcombank, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 3, 6, 12 tháng sẽ được cộng thêm đến 1%/năm lãi suất khi gửi từ 100 triệu đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như NCB, LPBank, Bac A Bank, VPBank, HDBank… cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn trong thời gian qua.
Dù lãi tiết kiệm các kỳ hạn ngân hàng vẫn đang được khống chế ở mức cao nhất chỉ 6%/năm ở kỳ hạn 18 tháng, tuy nhiên lượng tiền nhàn rỗi người dân gửi ngân hàng lấy lãi tiếp tục tăng mạnh.

Nhu cầu gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi của người dân tiếp tục tăng mạnh
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư vẫn tăng trưởng 15 tháng liên tiếp. Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng cũng đã chính thức vượt mốc 15,16 triệu tỷ đồng trong tháng 4/2025.
Cụ thể, số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,625 triệu tỷ đồng, giảm 0,55% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, tiền gửi dân cư đạt gần 7,536 triệu tỷ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2024.
Tính riêng trong tháng 4/2024, lượng tiền gửi của dân cư ghi nhận mức tăng tới 67.650 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày người dân mang tới 2.255 tỷ đồng gửi tiết kiệm lấy lãi. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận mức tăng thêm trong tháng 4 lên tới hơn 104.913 tỷ đồng.
Lượng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi của người dân tiếp tục lập kỷ lục mới trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp cho thấy niềm tin vào hệ thống tài chính và xu hướng nắm giữ tài sản an toàn trong khi một số kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, BĐS chưa thực sự hấp dẫn.
Một số tổ chức dự báo lãi suất huy động sẽ tăng dần về cuối năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 5,5% - 6% trong năm 2025.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến cuối tháng 5/2025, tín dụng nông nghiệp và nông thôn tăng 5,31%, chiếm 23,16% tổng dư nợ; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71%, chiếm 17,51%; tín dụng xuất khẩu tăng 2,91%, chiếm 2,06%; tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh 15,69%, chiếm 3,24%.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.