'Chuyện ngày bé' của nữ tác giả 9X Hà Nội

Tác phẩm thiếu nhi 'Chuyện ngày bé' lấy lòng bạn đọc nhờ những mẩu chuyện dí dỏm mang theo nhiều điều đáng suy ngẫm.

Tác giả Nguyễn Minh Anh sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị có nhiều tác phẩm được in trong các tuyển tập như Thương (NXB Phụ nữ Việt Nam - 2021), Bí mật về cha (NXB Phụ nữ Việt Nam - 2022)… Sau một thời gian hoài thai, tác giả Nguyễn Minh Anh đã trình làng tập truyện dài đầu tay Chuyện ngày bé (Nhà xuất bản Văn học) vào quý I.

Những ký ức tuổi thơ

Chuyện ngày bé là những câu chuyện tuổi thơ của nhân vật Chún. Chính nhân vật này sẽ dắt bạn đọc đi tham quan khu tập thể nơi cô bé sống, để bạn đọc được gặp gỡ những gương mặt từ già đến trẻ ở nơi mà Chún đã gắn bó suốt tuổi thơ của mình. Nơi đó có những gương mặt mà mãi mãi về sau, nhân vật Chún vẫn không thể nào quên như: cô Hằng “điên”, chú Lương, chú Lâm, cô Thắm, thằng Nắng…

 Tác giả Minh Anh. Ảnh: NVCC.

Tác giả Minh Anh. Ảnh: NVCC.

Tập truyện với 26 chương, mỗi chương là một cánh cửa thông từ chương trước đến chương sau. Từng chương là từng câu chuyện diễn ra hằng ngày xung quanh Chún trong vòng khoảng 5 năm.

Ở đó có những niềm vui đơn giản và ngây ngô, trong sáng của Chún, Khoai, Nắng, Tí… Đó là sự thích thú khi được bắt cua, bắt cá ở cái ao mà chúng xem là thủy cung chứa đựng nhiều điều thú vị; hay là sự vui sướng khi trồng những cây hoa mười giờ ở bãi đất mà bọn trẻ xem là khu rừng lớn nhất châu Á với nhiều cây gỗ mà thực tế chỉ là những thứ cỏ dại…

Tập truyện có những tiếng cười rộn vang của đám trẻ con khi chơi những trò trốn tìm, tạt lon, bịt mắt bắt dê… cùng với những mà phân bua tranh thắng thua “rất con nít”. Hay niềm vui đơn giản chỉ là lúc được chú Lương cho kẹo, hay một lời khen từ ai đó mà thôi. Trẻ con rất dễ tìm được tiếng cười, vì vốn dĩ trẻ con đơn giản lắm, đơn giản như những liên tưởng của chúng vậy.

Tái hiện ký ức thân thuộc qua trang sách

Trẻ con sống đơn giản không có nghĩa là nông cạn đến mức chẳng biết gì. Tác giả Nguyễn Minh Anh cho bạn đọc thấy rõ điều đó qua những suy nghĩ, hành động của các nhân vật trẻ con trong tác phẩm khi gặp phải những nỗi buồn, những tổn thương.

 Hình ảnh trong sách.

Hình ảnh trong sách.

Trẻ con dễ vui nhưng cũng dễ buồn, cảm xúc của chúng thay đổi rất nhanh chóng theo ngoại cảnh. Chính vì vậy mà sẽ có lúc chúng ta thấy nhân vật Chún rất hồn nhiên, trẻ con nhưng có lúc lại có những suy nghĩ già dặn hơn bình thường.

Đơn cử, trong đêm trước ngày khai giảng, khi thấy em được quần áo mới, sách mới, còn phần mình thì phải mặc chiếc áo cũ xin lại của hàng xóm, cái Chún có phần chạnh lòng. Nhưng hôm sau thì mọi thứ vẫn bình thường, cái Chún dường như không còn bị dính chặt vào dòng suy nghĩ tối hôm trước.

Hay đôi khi những đứa trẻ như chúng lại biết suy nghĩ rằng không được xỉ vả, bắt nạt người khác và dám đứng ra để bảo vệ lẽ phải. Nếu là những đứa trẻ khác, có thể sẽ khó thấu đáo như vậy mà lại dễ dàng tạt gió theo luồng, và không đủ dũng khí chống lại cái xấu. Tác giả đã khéo léo xây dựng cho nhân vật của mình những tính cách đặc biệt, để cho chúng có cái nhìn và trái tim trong sáng.

Một tập truyện dài với những kí ức mà rất nhiều cung bậc cảm xúc, như một mâm cỗ đủ mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Có những khi bạn đọc mỉm cười với sự hài hước từ giọng văn và từ những cảm xúc, suy nghĩ rất ngô nghê của trẻ con. Song, có những lúc bạn đọc lại gật gù suy ngẫm. Và đôi khi lòng chùn xuống khi nghe nhân vật Chún thuật lại những câu chuyện đau thương trong khu nhà của mình.

Nhưng thật may ở phút 89, tác giả đã kết thúc bằng khung cảnh mùa xuân rộn ràng, đầy ắp tiếng cười và hi vọng, cùng những ước mơ trong sáng của Chún, như mở ra một chân trời đầy niềm tin và ánh sáng cho tất cả các nhân vật trong truyện.

Nhờ những mẩu chuyện đơn giản, gần gũi với cách kể chuyện dí dỏm, tác phẩm đã nhanh chóng lấy lòng các độc giả nhí. Tập truyện cũng được những bạn đọc là người trưởng thành đón nhận, vì những câu chuyện kia đã làm sống dậy tuổi thơ của những người đọc nó. Bởi lẽ những người đã lớn lên, ai cũng mang trong mình một đứa trẻ.

 Cảm nhận về Chuyện ngày bé.

Cảm nhận về Chuyện ngày bé.

Nhiều thông điệp ý nghĩa

Tác phẩm không chỉ tái hiện tuổi thơ của một 9X với những câu chuyện trong trẻo, dễ thương mà còn mang lại những bài học đầy ý nghĩa.

Trước hết, hãy nói đến những bài học dành cho thiếu nhi. Bởi lẽ về cả nội dung và hình thức thì đây là một tác phẩm thuộc văn học dành cho thiếu nhi. Phải nói rằng Chuyện ngày bé là một tác phẩm có tính giáo dục nhưng không mang tính “dạy đời”. Một tác phẩm mang tính chất giáo dục không có nghĩa là nó định hướng con người như môn giáo dục công dân. Mà tác giả sẽ truyền tải những bài học thông qua câu chuyện và bạn đọc sẽ rút ra cho mình một bài học.

Đối với Chuyện ngày bé, ta có thể dễ dàng tìm thấy những bài học cho con trẻ về việc ứng xử trong đời sống, ý thức về học tập, sự cảnh giác… Đơn giả nhất là lời dạy của mẹ khi thằng Khoai đánh nhau, hay ấn tượng hơn là suy nghĩ của cái Chún về việc học. Chún từng nghĩ, thằng Nắng nghèo nhưng cố gắng học, bản thân mình có điều kiện nhưng lại không học tập tốt. Trẻ con sẽ dễ dàng ý thức được việc cần nỗ lực học tập thông qua chi tiết này. Có thể thấy, tác giả đã truyền những cảm hứng tích cực, những bài học tốt đẹp cho con trẻ.

 Các câu chuyện, hình vẽ trong sách truyền thông điệp tích cực.

Các câu chuyện, hình vẽ trong sách truyền thông điệp tích cực.

Song song với đó, tác giả cũng có những lời nhắn gửi với người lớn. Hãy nhìn từ trong tác phẩm trước, ta sẽ thấy rằng tác giả muốn gửi đến những người làm cha mẹ, những người làm thầy cô, những người lớn tuổi trong xã hội một tín hiệu rằng, trẻ con chỉ cần yêu thương và đồng cảm, sẻ chia thì sẽ dễ dàng cảm hóa nó. Nếu có điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể giúp một đứa trẻ lệch chuẩn trở thành một đứa trẻ tốt.

Nếu lần giở tác phẩm, bạn đọc sẽ thấy nhân vật Chún đã dùng chính sự sẻ chia và những câu chuyện nho nhỏ để cảm hóa Hùng và Dũng vốn là những đứa du côn, chuyên đi bắt nạt người khác. Khi ấy, Chún đã không dùng vũ lực mà dùng sự chân thành để thuyết phục chúng. Và chúng ta có thể tin rằng trong đời sống này cũng thế. Vì lòng yêu thương có thể cảm hóa những kẻ lầm đường lạc lối, cảm hóa những kẻ từng mất đi cả tính người. Chẳng phải Giăng Van-giăng cũng từng làm thế đấy ư?

Đó là những thông điệp mà tác giả gửi gắm từ bên trong tác phẩm. Còn khi viết tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Minh Anh đã đau đáu về cuộc sống của những người lớn. Nữ nhà văn đã thấy rằng đôi khi cuộc sống hối hả quá, nên người ta cứ mải miết trưởng thành. Nhưng chợt một ngày chỉ muốn làm đứa trẻ, để rồi rong ruổi đi tìm đứa trẻ bên trong mình.

Minh Anh viết tác phẩm này không chỉ cho trẻ em và truyền tải những bài học sâu sắc. Chị còn muốn gửi tặng tác phẩm này đến độc giả trưởng thành với lời nhắn gửi và hi vọng rằng mỗi người sẽ tìm thấy hình ảnh tuổi thơ của mình trong tác phẩm, để mỉm cười khi nhớ lại những kỉ niệm thật đẹp, thật hồn nhiên.

Qua đây, tác giả muốn nhắn nhủ bạn đọc hãy sống chậm lại, hãy trân trọng từng phút giây để ta cảm nhận rõ hơn về cuộc sống và cảm xúc của mình, để sống vui tươi, hạnh phúc hơn.

Hồng Hạc

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-ngay-be-cua-nu-tac-gia-9x-ha-noi-post1547663.html
Zalo