Chuyện làm du lịch của bản Thái Hải
Bản làng Thái Hải ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là 1 trong 32 điểm đến trên toàn cầu, là 'Làng du lịch tốt nhất năm 2022'. Du khách trong nước và quốc tế khi đến đây sẽ được trực tiếp hòa mình trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày và cảm nhận sâu sắc sự an yên, thư thái trong khung cảnh thiên nhiên trong lành, xanh mướt.
Đi tìm những gì rất xa xưa
Sáng sớm cuối tuần của mùa Đông, em gái nhỏ Mai Thu Huyền ngỏ ý rủ tôi lên khám phá bản làng Thái Hải, cách Hà Nội hơn 70 km. Tôi chấp nhận lời mời hấp dẫn này vì nghe danh làng du lịch đã lâu và chúng tôi lên xe thẳng tiến, sau 2 giờ, đã chạm vào một không gian khác biệt với phố thị ồn ào. Vừa đến cổng, chúng tôi bị choáng ngợp bởi quy mô rộng lớn ở làng. Sau 3 tiếng mõ đón khách, chúng tôi được dẫn đi qua một gian nhà nhỏ, qua nhà bếp và khu bày bán đồ lưu niệm. Như thường lệ, chúng tôi ùa vào cửa hàng quần áo và chọn ngay cho mình một bộ váy dân tộc và được người dân bản địa dẫn đi khám phá bản làng.
Dạo bước thong dong trên con đường đất, thưởng thức những thanh âm của gió, của tiếng suối róc rách phía xa; ngắm nhìn những tia nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá cọ… lòng tôi thấy vui sướng đến lạ. Chúng tôi được dẫn ra giếng nước để rửa mặt, rửa tay giống như một người con của bản làng. Đón nhận những giọt nước tinh khiết, tươi mát từ đất mẹ, xả bỏ mọi áp lực của công việc, đời sống… chúng tôi bắt đầu những tháng ngày “ở nhà” với tất cả hạnh phúc và bình yên như một đứa trẻ.
Dưới tán cây xanh mát, 30 ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc Tày cùng với nếp sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây bắt đầu hiển lộ. Chúng tôi lần lượt đi qua những ngôi nhà với từng chức năng, nhiệm vụ khác nhau như, nhà thuốc, nhà rượu, nhà đan lát, nhà ẩm thực, nhà bảo tồn văn hóa hát then của người Tày… Và phần hấp dẫn du khách nhất ở làng Thái Hải phải kể đến là chúng tôi được trực tiếp tham gia vào đời sống sản xuất của người dân bản địa.
Em Huyền hào hứng học đốt củi đun nước pha trà, làm chè lam. Tôi thì nhìn các bà, các chị đan những chiếc vòng tay đủ màu sắc. Bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi cầm nhẹ ly trà nóng và thưởng thức từng ngụm nhỏ, ăn những miếng chè lam tự làm và nhìn làn khói bếp bay lên mờ ảo, thật đẹp. Tiếng nói nho nhỏ của các cô, các mẹ vang lên đủ truyền tải cho chúng tôi nghe chuyện về người dân làng Thái Hải làm du lịch cộng đồng từ những ngày sơ khai.
Bản làng Thái Hải được hình thành hơn 20 năm trước, do công đầu tiên của vị nữ trưởng bản gây dựng là bà Nguyễn Thanh Hải. Hiện nay, làng có gần 200 nhân khẩu; mọi người đều từ nhiều nơi với hoàn cảnh khác nhau đã tự nguyện về làng, cùng gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Các gia đình ở đây không có sở hữu riêng mà cùng làm việc, cùng ăn cơm, tiêu tiền chung, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng. Hoạt động sản xuất ở Thái Hải đều mang tính tự cung, tự cấp.
Du khách tìm đến bản làng Thái Hải bởi sự thân tình của người dân và những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc được lưu giữ. Thái Hải đang có 3 sản phẩm chủ lực giới thiệu đến du khách, đó là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích những nếp nhà sàn cổ, các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc. Cùng đó là trang phục truyền thống được bà con mặc, mang mỗi ngày. Ngoài ra, các loại ẩm thực như bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng cất theo phương pháp truyền thống… rất được ưa chuộng.
Về văn hóa phi vật thể được bảo tồn trong làng là tín ngưỡng thờ cúng như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục. Người dân có thể giao tiếp với du khách bằng tiếng Kinh nhưng luôn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ bản địa thông qua tập luyện, trao truyền hát Then, đàn Tính…
Nếu đến làng vào dịp giữa tháng 12, du khách có dịp được thưởng lãm những hình ảnh đặc sắc về lễ Ởn buổn đỉn (Lễ biết ơn ba Mường là Mường trời, Mường đất, Mường người) được bà con tái hiện lại để tổng kết một năm bà con dân làng được an lành, hạnh phúc, yêu thương.
Phát triển du lịch cộng đồng trước thách thức
Việt Nam với hơn 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang đặc trưng văn hóa riêng biệt, từ trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, đến phong tục tập quán. Những giá trị văn hóa này chính là tài sản quý giá, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, giúp nâng cao đời sống người dân và bảo tồn các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng ở Việt Nam gặp phải không ít thách thức trước vấn đề bảo tồn và yêu cầu phát triển bền vững.
Chia sẻ về quá trình gìn giữ và phát triển văn hóa bản địa ở làng Thái Hải, chị Lê Thị Nga - Phó Trưởng bản cho biết: Từ năm 2014, khi bản làng Thái Hải được tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch địa phương, Trưởng làng và Ban quản lý xác định, không chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ quên trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc. Chúng tôi tập trung nghiên cứu, phát huy văn hóa truyền thống từ trang phục, ngôn ngữ đến những giá trị văn hóa phi vật thể...
Bên cạnh đó, là giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài chương trình học phổ thông, thế hệ trẻ trong làng còn được giáo dục thêm về văn hóa truyền thống, về ngôn ngữ, trang phục dân tộc, dân ca dân vũ… và trân trọng các thế hệ tạo dựng ngôi làng, để hiểu rõ hơn về lịch sử cha ông và biết ơn nguồn cội; phát triển lòng tự hào dân tộc; xây dựng đạo đức và lối sống lành mạnh, chuẩn mực; góp phần đoàn kết cộng đồng.
Người dân Thái Hải làm du lịch một cách rất tinh tế. Họ biết chắt lọc xây dựng cho du khách thưởng lãm những điều rất mộc mạc, bình dị vốn có trong cuộc sống của họ, như tiếng mõ chào khách, tiếng trẻ em ríu rít nô đùa, con đường đất gồ ghề, từng mái nhà sàn đơn sơ, hình ảnh các bà các chị ngồi đan lát bên bếp lửa hồng hay hình ảnh đàn ông trong làng chuẩn bị đồ giã bánh giầy, các mẹ làm bánh chưng…
Tất cả những hình ảnh đó tạo nên văn hóa bản địa đặc sắc, khiến du khách cảm thấy thân thương, gần gũi và kết nối với những gì lành và đẹp, vốn có trong chiều sâu tâm thức. Có những câu chuyện được kể rất lạ so với thời đại chúng tôi đang sống, nhưng giá trị tốt đẹp đang được trao truyền là những thứ chúng tôi muốn tìm hiểu, để thấy thêm yêu cuộc sống của người dân và hơn hết là thấu hiểu được tình yêu thương, đoàn kết, son sắt thủy chung mà họ trao cho nhau qua nhiều thế hệ.