Chuyện kể ở 'núi thơm'

Hơn 30 năm trôi qua, những cây pơ mu hiếm hoi còn sót lại trên đỉnh 'núi thơm', xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) vẫn lớn lên khỏe mạnh, vững chãi vì được bao bọc bởi tình yêu thương của hơn 20 hộ người Mông.

Ngược núi, chúng tôi trở lại đỉnh Pơ Mu vào những ngày mây mù giăng phủ. Đây là bản nhỏ, gần như ít dân cư nhất của xã Mường Đăng ở thời điểm hiện tại. Đường về bản nay đã được bê tông hóa, mở ra cơ hội để bà con phát triển kinh tế, làm giàu.

Những gốc pơ mu có tuổi đời tương đương với thế hệ dân cư thứ 2 ở bản Pơ Mu.

Những gốc pơ mu có tuổi đời tương đương với thế hệ dân cư thứ 2 ở bản Pơ Mu.

Đón tôi, Trưởng bản Tráng A Chay hỏi đùa: “Nhà báo lên tìm cây pơ mu phải không? Ai lên đây cũng hỏi!”. Anh Chay là người từ bản khác mới về bản Pơ Mu vài năm. Kế thừa lại truyền thống giữ rừng, trong đó có gần 200 gốc pơ mu được bà con xem như tài sản quý, anh Chay có phần tự hào nhưng cũng không ít áp lực.
Anh chia sẻ: “Bản có 20 hộ, 98 nhân khẩu, nhưng tôi vẫn bảo với bà con là gần 300 khẩu đấy. Tính cả cây pơ mu mà. Được giao quản lý 160ha rừng, trong đó khoảng 3 - 4ha là có cây pơ mu, hơn 30 năm nay bản chưa để xảy ra vụ việc chặt phá, hay xâm hại pơ mu. Bây giờ cây đã lớn, việc bảo vệ cũng khó khăn thêm”. Từ ngày về bản anh Chay chứng kiến 2 vụ việc người dân phát hiện, xử lý hành vi xâm hại cây pơ mu. Cả 2 trường hợp đều là người ngoài bản, dân bản phát hiện khi vào rừng khai thác lâm sản phụ.
Ông Lý A Phộng, Trưởng ban công tác mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản nắm rõ từng gốc pơ mu và cũng là người có thâm niên tham gia bảo vệ rừng nhiều nhất ở bản cho đến nay. Đó là lý do, ông có thể kể về loài cây cả ngày mà không chán.
“Chúng tôi lớn lên cùng pơ mu, tuổi cây cũng tương đương với tuổi thế hệ tôi. Số cây sống sót được đến giờ cũng không nhiều nên chúng tôi coi cây như anh em mình. Bà con bảo vệ cây, còn cây giữ đất, giữ nước, giữ môi trường, cuộc sống cho bà con” - ông Phộng tâm sự.

Thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Pơ Mu tuần tra, phát quang, dọn dẹp tại khu vực rừng pơ mu.

Thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Pơ Mu tuần tra, phát quang, dọn dẹp tại khu vực rừng pơ mu.

Pơ mu là loài gỗ quý nên thường xuyên bị lâm tặc tìm cách chặt hạ. Hiểu được mình đang nắm giữ tài sản quý, nên bà con trong bản tự bảo nhau bao bọc, bảo vệ. Nhiều năm qua, bản duy trì tổ quản lý, bảo vệ rừng với 15 thành viên, được chia làm 3 nhóm, phân lịch thường trực luân phiên mỗi tháng. Trong từng nhóm các thành viên sẽ tự phân chia nhau, mỗi người phải thuộc từng khu vực có pơ mu mà mình được giao quản lý, nhớ số cây, vị trí từng cây. Bản xây dựng quy ước riêng để bảo vệ rừng, với các quy định nghiêm ngặt. Bất cứ hộ dân nào có nhu cầu lấy củi, tận thu gỗ tạp hoặc khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng đều phải thông báo và được sự cho phép của tổ quản lý bảo vệ. Trường hợp cố tình xâm hại, chặt phá pơ mu sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng/cây đối với lần đầu và tăng nặng nếu tiếp tục tái phạm.
Trong ngôi nhà “độc nhất vô nhị” ở bản, ông Lý A Phộng bảo: “Cả đời bố mẹ tôi chỉ giữ được căn nhà này là thứ quý giá nhất cho các con. Tôi cũng luôn tự hào về nó!”. Rồi ông kể, đây là căn nhà duy nhất và cũng là cuối cùng ở bản được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu. Dù trải qua biết bao gió mưa khắc nghiệt, đến nay vẫn thoang thoảng hương thơm đặc trưng của pơ mu và trường tồn với thời gian.
“Gỗ dựng nhà không phải chặt từ rừng đâu, mà bố mẹ tôi tận dụng từ những đoạn thừa, bỏ đi sau khi chính quyền có chủ trương mở cửa khai thác rừng vào những năm 1990. Khi ấy, từ rừng về bản phải gần 2km, việc vận chuyển hoàn toàn bằng sức người nên vất vả lắm.” - ông Phộng bộc bạch.
Cho đến giờ ông Phộng vẫn trăn trở về nguyên nhân mất rừng pơ mu. Theo đó, vừa sau đợt chính quyền mở cửa khai thác rừng, thì đỉnh Pơ Mu xảy ra cháy lớn do những người vào khai thác rừng đốt lửa, gây ra cháy. Ngày ấy, chưa có đội chữa cháy rừng, cộng thêm gió lớn nên ngọn lửa gần như thiêu trụi hoàn toàn khu rừng. Ai cũng nghĩ, vậy là rừng pơ mu từ đó bị xóa sổ, cái tên bản cũng trở nên vô nghĩa! “Không biết có phải là sự trùng lặp không nhưng bà con chúng tôi vẫn có niềm tin về những điều tâm linh. Đó cũng là một phần lý do bà con trong bản từ đó không ai dám xâm phạm đến cây pơ mu nữa” - ông Phộng nói.
Khoảng 3 năm sau vụ cháy lớn, người dân bất ngờ phát hiện những mầm cây pơ mu đội đất vươn mình. Do không để ý nên nhiều cây đã bị trâu bò gặm, dẫm đạp nham nhở. Trân quý từng mầm xanh, bà con huy động nhau chặt tre, đan rào bảo vệ gốc. Người dân đếm được chừng 200 cây, sống rải rác thành từng nhóm nhỏ. Mỗi ngày, trong lúc chăn trâu bò, bà con lại tranh thủ kiểm tra, kiểm đếm cây, đến khi cây lớn vượt quá đầu người mới yên tâm bỏ rào cho cây phát triển.
Còn theo lý giải của bà Lý Thị Dợ (hơn 70 tuổi), cây pơ mu là biểu tượng của bản. Từ những năm 1990, bà Dợ và một số ít người thuộc thế hệ với bà từ khu vực lân cận đã tìm lên đỉnh núi - nơi có rừng pơ mu thơm ngát để làm trang trại, rồi khai sơn lập bản. Trên đỉnh “núi thơm” ngào ngạt hương gỗ, được cây bao bọc, cuộc sống bà con ổn định dần. Bởi thế, dân bản đã lấy tên loài cây này để đặt cho bản. “Nếu không còn pơ mu, thì tên bản cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi thế, dù thế nào cũng phải giữ cho bằng được số cây pơ mu còn lại!” - bà Dợ trải lòng.

Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/chuyen-ke-o-nui-thom
Zalo