Chuyện ít biết về hai vị thám hoa làng An Dật
Làng An Dật có 2 vị thám hoa, đó là Đinh Lưu và Trần Vĩnh Tuy.

Đình An Dật
An Dật là một làng cổ nằm ven sông Thái Bình thuộc xã Thái Tân (Nam Sách, Hải Dương). Xưa kia, làng còn có tên là làng Dẹt, được hình thành từ thế kỷ thứ X. Tương truyền, các dòng họ đến khai phá lập làng đầu tiên là họ Trần và họ Đinh.
Từ xưa đến nay, người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt cá, tôm. An Dật không chỉ là một làng quê có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, với những phong tục, tôn giáo tín ngưỡng đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà nơi đây còn là mảnh đất hiếu học. Nhân dân có truyền thống tôn sư trọng đạo. Trong lịch sử giáo dục, khoa cử Nho học Việt Nam, làng có 2 vị thám hoa đó là Đinh Lưu và Trần Vĩnh Tuy.
Thám hoa Đinh Lưu
Đinh Lưu sinh năm 1479, ông còn có tên gọi khác là Đinh Công Lưu (một số tài liệu ghi chép là Đinh Công Quyền), người làng An Dật, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Thái Tân, Nam Sách). Năm 18 tuổi, ông đỗ thám hoa khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), làm quan tới chức Đông các đại học sĩ. Ông và Bùi Hoàn Khánh (Bình Giang) chính là người đỗ đại khoa trẻ nhất của Hải Dương khi mới 18 tuổi.
Theo một số nguồn tư liệu, ông rất đa tài. Ngoài tài văn học, ông còn nhiều tài năng khác như cưỡi ngựa, bắn cung, đá cầu. Ông rất giỏi thơ văn. Ông thường bảo với anh em: “Bọn ta cầm một cây viết, tự phụ là kẻ nho nhã phong lưu, lỡ khi non sông có biến cố gì, ngâm thơ có thể lui được giặc chăng?”.
Ông còn cưỡi ngựa rất giỏi. Ông từng rải một quan tiền xuống đất, rồi phóng ngựa trở lại lấy tay nhặt hết không xót một đồng nào. Nhiều nghề kỹ xảo dân gian ông cũng tinh thông. Đặc biệt ông có tài đá cầu. Ông từng đá cầu chúc thọ vua Lê Hiến Tông. Dân gian khen ngợi Đinh Lưu là bậc kỳ tài đá cầu lại là người có dũng khí và tự tin nên tôn ông là ông tổ của môn đá cầu. Người ta còn truyền tụng rằng, mộ tổ tiên nhà ông ở núi Thần Đồng có hình như quả cầu nên Đinh Lưu mới có biệt tài như vậy.
Thân phụ của ông là quan đô lực sĩ đời Lê Uy Mục. Trong triều có 3 người quản đô lực đều tài danh, cha ông đứng đầu, người thứ hai không rõ họ tên, người thứ ba là Mạc Đăng Dung. Tương truyền, vua từng nằm mơ thấy Tam đô tức Mạc Đăng Dung lấy được thiên hạ. Lúc bấy giờ vua thấy thân phụ ông đứng đầu quản đô lực sĩ, ông lại văn võ toàn tài nên có ý nghi ngờ thân phụ ông, ban cho cái chết. Đinh Lưu phải trốn sang Chiêm Thành rồi mất tích.
Về thám hoa Trần Vĩnh Tuy
Trần Vĩnh Tuy (1533-?),người làng An Dật, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thôn An Dật, xã Thái Tân, huyện Nam Sách). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 21 tuổi, ông đỗ hội nguyên khoa quý sửu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 (1553), vào thi đình lại đỗ thám hoa. Sách “Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục” ghi ông đỗ năm 26 tuổi. Đặc biệt, ông có tài ngoại giao khiến nhà Minh phải nể phục. Khi ông giữ chức thừa chánh sứ đạo An Bang, người nhà Minh lấy bức thư lụa buộc vào mũi giáo để trao cho ông, ông dùng cái thuẫn khều lấy thư. Sử nhà Minh thấy ông ứng biến mau lẹ khen là người tài trí, ứng đáp giỏi bèn thưởng cho cái hoa bằng bạc. Sau làm đến chức Lễ bộ tả thị lang.
Do có công lao với dân với nước nên hai vị thám hoa Đinh Lưu và Trần Vĩnh Tuy được phối thờ tại đình An Dật cùng với Thành hoàng làng là vị Hồng Bàng thị - Hậu duệ tứ tôn, đời thứ tư trong 18 đời vua Hùng có công dựng nước. Ngoài ra, thám hoa Đinh Lưu còn được nhân dân thờ phụng làm Thành hoàng làng tại đình Cõi và đình Quan Sơn (xã An Sơn). Thám hoa Trần Vĩnh Tuy chính là cụ thủy tổ dòng họ Trần Phương (thôn Giữa, làng An Dật) và được thờ phụng tại nhà thờ họ cùng với các vị tổ tiên dòng họ.

Bài trí thờ tự gian trung tâm hậu cung đình Cõi, xã An Sơn thờ thám hoa Đinh Lưu (Đinh Công Quyền)
Đình An Dật xưa kia còn có tên gọi là đình làng Dẹt, đình Tây, đình Giữa. Đình không rõ được xây dựng từ khi nào. Trải qua lịch sử và chiến tranh, đình bị tàn phá. Năm 1996, đình được xây dựng lại dựa trên nền móng đình xưa cũ và lấy tên là đình An Dật.
Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung đơn giản theo kiểu bít đốc bổ trụ. Hậu cung có ngai thờ vị Thành hoàng làng và phối thờ 2 vị thám hoa.
Ngày nay, nhân dân Làng An Dật (tên gọi chung xưa kia của nhân dân 3 thôn: Đình, Giữa, Thượng ngày nay) chọn ngày 9 - 10/2 âm lịch hằng năm là ngày lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và phụng thờ vị Thành hoàng làng và hai vị thám hoa đã có công với làng với nước.