Bonsai: Nghệ thuật của kiên nhẫn và sáng tạo
Mùa xuân năm ấy, tôi đến thăm một gia đình người quen ở TP. Pleiku. Trong phòng khách, điều làm tôi chú ý hơn cả là một 'lão mai' bonsai trong chiếc chậu sứ màu ngọc bích hình chữ nhật sang trọng đặt trên giá gỗ quý.
Bên trên là một mảng hoa vàng rực rỡ từ độ cao vừa phải đổ xuống đều tăm tắp như một thác nước tự nhiên.

Cây bonsai lá kim được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: B.Q.V
Thấy tôi chăm chú vào cây mai bonsai, anh bạn chủ nhà rót ly trà mời tôi rồi giải thích: Đây là cây mai rừng do người thân chơi sinh vật cảnh sưu tầm được. Ông ấy rất khéo tay nên chăm sóc, uốn nắn theo ý tưởng của dòng thác đang đổ, tạo nên một tác phẩm đặc sắc; biết tôi mê cây cảnh bonsai nên mới chở đến biếu để chơi Tết. Còn giá trị của nó trên thị trường thì khó nói lắm! “Chăm chút một cây mai bonsai như thế này thì quả không uổng công. Nó vô giá ông ạ”-tôi khen với lòng đầy ngưỡng mộ.
Bonsai là một thú chơi tao nhã, thường là niềm đam mê của những người lớn tuổi có khí chất trầm lặng, mang màu sắc triết lý, tỉ mỉ và thận trọng trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói. Người ta cho rằng, nguồn gốc của bonsai phát nguyên từ môn phái Thiền tông cũng có lý của nó.
Mới đây, tôi đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) để xem triển lãm mỹ thuật của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư trong dịp mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569. Tại đây, tôi được chiêm ngưỡng 50 tác phẩm bonsai của Công ty Cảnh quan Dực Quốc Hùng-Bonsai nghệ thuật 79 ở phường Phù Đổng và phường Ia Kring (TP. Pleiku) trưng bày trong khuôn viên thiền viện. Cùng với nhóm thư pháp của phố núi đã tạo nên một quần thể nghệ thuật đặc sắc “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” (chỉ thiếu món đồ gốm).
Chủ doanh nghiệp Quốc Hùng cho tôi biết, anh gắn bó với loại hình bonsai nghệ thuật này đã 10 năm. Từ nguồn gốc này, anh mới có ý tưởng lập doanh nghiệp để trang trí sân vườn, làm đẹp cho mọi nhà có nhu cầu. Sự kỳ công trong nghệ thuật bonsai tuy phát xuất từ Trung Quốc nhưng thịnh hành và phát triển ở Nhật Bản.
Tính cách trầm lặng cộng với sự nhẫn nại và tinh thần võ sĩ đạo cống hiến hết mình của cư dân xứ sở mặt trời mọc dường như được kết tinh trong từng tác phẩm bonsai của người Nhật. Mỗi cây tùng bonsai theo “trường phái Nhật” dù ở tư thế nào (trực, hoành, khuynh, huyền) cũng mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, luôn hòa quyện với thiên nhiên kỳ vĩ (thế long giáng, nghinh phong…).
Dù là tiểu, trung hay đại bonsai, với sự khéo léo của mình, các nghệ nhân đã thổi hồn vào tác phẩm, khiến chúng trở nên thật sống động, mang một vẻ đẹp thanh tao. Nhìn vào đó, người xem như cảm thấy được cả gió cuốn, mây trôi, cả một không gian và thời gian ngưng đọng trong từng thớ gỗ, cành, lá hay gốc cây cổ thụ đang vẫy vùng chiếm cứ cả bầu trời khoan thai.
Người ta thường ví, mỗi tác phẩm bonsai nghệ thuật như một bài thơ hoàn chỉnh đặc sắc làm lay động lòng người, gợi lên được vẻ đẹp, tình yêu thiên nhiên trong trẻo và thư thả. Đánh giá một tác phẩm bonsai, người ta không bỏ qua chi tiết nào, từ mâm, chậu đến thân, cành, lá và cả đất, đá bên gốc cây. Tất cả phải hài hòa và độc đáo, có nét kỳ ảo khác người, mang phong cách riêng, toát lên “linh hồn” của tác phẩm mà chủ nhân muốn thổi vào. Bởi vậy, mỗi tác phẩm bonsai là một đứa con tinh thần của người sáng tạo ra nó. Giá trị của tác phẩm ấy càng được đánh giá cao thì tác giả của nó càng được đề cao tương xứng.
Các tác phẩm của Bonsai nghệ thuật 79 trưng bày tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên chủ yếu là cây lá kim, đặc biệt là loại thông đen 5 lá Nhật Bản có thế dáng đẹp và quý. Tuy nhiên, nhiều khách thưởng lãm cho rằng, bên cạnh việc duy trì phong cách truyền thống của những quốc gia phát triển loại hình nghệ thuật bonsai lâu đời, các câu lạc bộ, hội quán bonsai Gia Lai hay TP. Pleiku cần nghiên cứu “địa phương hóa” một cách sáng tạo, mang vẻ đẹp thuần Việt hơn, Tây Nguyên hơn, cả về loại hình cây cảnh và nghệ thuật trang trí, dáng vẻ…
Nghệ thuật bonsai ở Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng ngày càng được nhiều người quan tâm, từ người lớn tuổi cho đến lớp trẻ. Đây không chỉ là thú chơi tao nhã, tìm đến “chân-thiện-mỹ”, mà còn giúp người chơi rèn luyện được tính kiên trì, tỉ mỉ và sáng tạo. Chính sự chăm chỉ, bền bỉ ấy đã cho ra những sản phẩm bonsai chất lượng, có giá trị và được thị trường chú trọng.