Chuyện huyện Tương Dương bị đòi nợ: Cần minh bạch, trách nhiệm và giám sát
Cá nhân 'tung chiêu' đòi nợ trên mạng xã hội không hiếm, nhưng chủ một quán ăn đưa 'chuyện nợ nần' của UBND huyện Tương Dương lên Facebook đã thu hút dư luận...
Đừng để cơ quan Nhà nước mang tiếng
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một nữ chủ nhà hàng viết đơn đòi Chủ tịch huyện trả tiền cơm “tiếp khách” và trước sức ép của của dư luận thì chiều ngày 4/4 đại diện của UBND huyện này thông báo đã trả nợ cho chủ quán...
Câu chuyện trên diễn ra ở huyện miền núi Tương Dương của tỉnh Nghệ An… Cụ thể, ngày 2/4, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh lá đơn của một chủ nhà hàng gửi Chủ tịch UBND huyện Tương Dương để đòi nợ, thông tin này khiến cư dân mạng xôn xao. Người đứng tên trong đơn là bà Phan Thị Thanh M, chủ một nhà hàng ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương.
Theo nội dung trong đơn bà M đưa lên mạng xã hội, từ năm 2011 - 2015, Văn phòng UBND huyện Tương Dương nhiều lần đặt cơm tiếp khách tại nhà hàng của gia đình bà, đến nay, số nợ vẫn còn hơn 44 triệu đồng chưa được thanh toán.
The đơn phản ánh, đoàn thanh tra huyện Tương Dương đã thanh tra, đối chiếu công nợ và xác định văn phòng UBND huyện Tương Dương nợ gia đình bà hơn 44 triệu đồng, có văn bản và chữ ký của kế toán Văn phòng UBND huyện. Năm 2019, Văn phòng UBND huyện Tương Dương cũng lập giấy chứng nhận xác định khoản nợ này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình bà M đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Tương Dương thanh toán nợ nhưng không có kết quả.
Trong đơn bà M đề nghị Chủ tịch huyện Tương Dương chỉ đạo Văn phòng huyện thanh toán cho bà số tiền trên. Sau 7 ngày vẫn chưa thanh toán, bà sẽ gửi đơn đến cấp có thẩm quyền và khởi kiện ra tòa án….
Liên quan đến sự việc trên, một lãnh đạo UBND huyện Tương Dương thừa nhận đây là số tiền nợ tiếp khách của Văn phòng UBND huyện từ nhiều năm trước để lại. Do huyện miền núi khó khăn, nên rất khó bố trí nguồn để thanh toán... Tuy nhiên, trước sức ép dư luận, món nợ từ nhiều năm năm đã được thanh toán!. Như đã thông tin ở trên, chiều ngày 4/4 đại diện của UBND huyện Tương Dương thông báo đã trả nợ cho chủ quán…
Từ câu chuyện ở huyện Tương Dương, nhớ lại ở một số địa phương cũng xảy ra những chuyện “dở khóc dở cười” tương tự. Như thời gian trước rộ lên câu chuyện tại huyện Yên Định (Thanh Hóa), số tiền mà huyện này nợ các cá nhân lên đến trên 50 tỷ đồng gồm tiền ăn uống tiếp khách, sửa xe, mua sắm trang thiết bị…
Cũng ở cấp huyện, Văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cũng tốn không ít giấy mực của báo chí về nội dung trong 2 năm 2016 và 2018 đã chi tiền tỷ để tiếp khách nhưng hầu hết hồ sơ thanh, quyết toán không đầy đủ…
Ở cấp xã cũng có thể kể đến câu chuyện của xã Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) - là xã thuộc diện khó khăn nhưng nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo UBND xã phóng tay chi, nợ tại các nhà hàng, quán nhậu lên đến hơn 260 triệu đồng…
Cần sự giám sát và làm rõ trách nhiệm
Như đã nêu, hiện tượng nhiều cơ quan nhà nước, nợ tiền nhà hàng, quán ăn sau các bữa tiệc tiếp khách không phải là vấn đề hiếm gặp trong những năm qua. Việc các cơ quan này có khoản nợ lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, không chỉ phản ánh sự thiếu minh bạch trong quản lý tài chính công mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và sự tin tưởng của người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ nần kéo dài trong các cơ quan nhà nước là sự thiếu sót trong công tác quản lý ngân sách và kiểm soát chi tiêu. Mặc dù ngân sách của các địa phương thường hạn chế, nhưng việc chi tiêu cho các khoản tiếp khách, ăn uống, hội họp lại chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc chi vượt định mức và thiếu sót trong việc thanh toán đúng hạn. Hơn nữa, việc thiếu sự minh bạch trong quá trình lập dự toán, quyết toán các khoản chi là một trong những nguyên nhân khiến các khoản nợ này không được phát hiện kịp thời.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các khoản nợ cũng phản ánh một vấn đề lớn trong văn hóa quản lý tài chính công. Những khoản nợ này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách địa phương mà còn tạo ra hình ảnh xấu về việc sử dụng tài chính công không hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác quản lý ngân sách và chi tiêu. Cần phải có một hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập dự toán đến thanh quyết toán các khoản chi, đặc biệt là các khoản chi cho tiếp khách, hội họp. Các khoản chi này cần được lập kế hoạch rõ ràng và phải có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Cùng với đó, cần có một cơ chế xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân và tập thể có trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ nần kéo dài. Việc truy cứu trách nhiệm của các cá nhân liên quan sẽ tạo ra một thông điệp mạnh mẽ về tính nghiêm túc trong quản lý tài chính công, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng chi tiêu lãng phí, không hiệu quả.
Nợ nần trong các cơ quan nhà nước không chỉ là vấn đề về tài chính mà còn là vấn đề lớn về quản lý và văn hóa công vụ. Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự đổi mới trong cách thức quản lý tài chính công, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình…