Hiệu quả trong phối hợp chống khai thác IUU
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong ngăn chặn, xử lý chống khai thác IUU.

Lực lượng chức năng Trạm Cảnh sát biển số 4, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Đồn Biên phòng Thổ Châu bắt giữ tàu cá không rõ số hiệu tàng trữ 04 thiết bị VMS của tàu cá khác
Vào khoảng 21 giờ ngày 27/3/2025, tại khu vực vùng biển Thổ Chu cách đảo Hòn Xanh khoảng 150m về hướng Tây Bắc thuộc ấp Bãi Ngự (xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Trạm Cảnh sát biển số 4, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Đồn Biên phòng Thổ Châu, trong quá trình tuần tra trên biển đã phát hiện một tàu cá không rõ số hiệu, do ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1979, thường trú Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), làm chủ phương tiện, kiêm thuyền trưởng.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên phương tiện có tàng trữ 4 thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) của tàu cá khác. Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận đã trông giữ 4 thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác để đổi lấy dầu chạy máy ghe câu lôi.
Trước đó, ngày 17/10/2024, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá CM 08710-TS do Trương Văn Sang và Huỳnh Văn Sơn (cùng trú tại tỉnh Cà Mau), cùng 10 đồng phạm đã chuẩn bị sẵn công cụ, thuê tàu cá mang số hiệu CM 08710-TS cất giữ 9 thiết VMS của tàu cá khác để thu lợi bất chính.
BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành bàn giao toàn bộ người, hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và phối hợp với Công an huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 4 trao đổi phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển
Ngày 19/2/2025, TAND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự đã tuyên phạt 12 bị cáo, từ 3 năm đến 10 năm tù về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử” theo Điều 287 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự tuyên phạt 12 bị cáo, từ 3 năm đến 10 năm tù về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”
Đó là 2 trong số rất nhiều vụ việc BTL Vùng Cảnh sát biển 4 kịp thời phát hiện, bắt giữ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong giải quyết các vụ việc vi phạm nhằm tuyên truyền, cảnh báo, răn đe các hành vi sai phạm tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác IUU.

Cán bộ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà cho ngư dân
Chỉ thị 32/CT-TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư xác định: “công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…. góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế”.
Quán triệt sâu sắc Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã triển khai nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, kế hoạch chống khai thác IUU năm 2025, trọng tâm là chỉ đạo các biên đội thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia – Thái Lan, các tàu trực khu vực DK, quần đảo Thổ Chu, Bắc đảo Phú Quốc, tăng cường chống khai thác IUU.

Cán bộ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy – Phó Tư lệnh pháp luật Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, thời gian qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng nhất là hải quân, kiểm ngư, niên phòng, công an và UBND các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu trong tuyên truyền cho nhân dân, phối hợp điều tra xử lý các vụ việc, kịp thời ngăn chặn vi phạm khai thác IUU ngay từ khi tàu cá ngư dân bắt đầu rời cảng.
Tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng, trao đổi thông tin, thông báo tình hình giữa các lực lượng của địa phương và cảnh sát biển; điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc có liên quan.
Bên cạnh đó, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tuyên truyền nhắc nhở các chủ tàu có phương tiện trên thực địa mất tín hiệu giám sát hành trình, có dấu hiệu nghi vấn sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản một cách kịp thời, hiệu quả; định kỳ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU với địa phương và các đơn vị hiệp đồng để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trên địa bàn.
Theo tìm hiểu, trên thực địa BTL Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức lực lượng, phương tiện trực bảo đảm 24/24 và tăng cường tuần tra, kiểm soát nhất là ban đêm cũng như thời điểm thời tiết xấu, không để các đối tượng lợi dụng vượt ranh sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.
Ngoài các tàu của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 thì có các tàu của BTL Vùng Cảnh sát biển 2, BTL Vùng Cảnh sát biển 3, tàu Vùng 2 Hải quân, tàu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang tham gia phối hợp chống khai thác IUU; qua đó, đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong duy trì và thực hiện nghiêm pháp luật.
Đánh giá về hiệu quả công tác phối hợp chống khai thác IUU, ông Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động khám phá, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm có tính phức tạp cao và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành tỉnh Cà Mau trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và nhất là trong phối hợp cung cấp nguồn tin, xử lý vi phạm, làm tốt hoạt động truyền thông cho ngư dân, từ đó đã ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU trên vùng biển Tây Nam.

Quang cảnh hội nghị rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU giữa BTL Vùng Cảnh sát biển 4 và UBND tỉnh Cà Mau.
Thiếu tá Lê Vũ Khanh – Phó đồn trưởng nghiệp vụ (Đồn Biên phòng Sông Đốc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đúng quy định pháp luật trong khai thác thủy sản;
Tổ chức cho thuyền trưởng, chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, phối hợp trong xác minh, điều tra và xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, không để tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.
Theo thống kê của BTL Vùng Cảnh sát biển 4, trong 3 tháng đầu năm 2025, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển Tây Nam vi phạm các quy định về IUU đã giảm rõ rệt, tàu cá vượt ranh sang vùng biển nước ngoài giảm mạnh song chưa triệt để.

Lực lượng chức năng BTL Vùng CSB4 tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển Tây Nam
Có được những kết quả đó là nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển, sự quyết liệt trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam do BTL Vùng Cảnh sát biển 4 chủ trì, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa BTL Vùng Cảnh sát biển 4 với cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là trong tiếp nhận, điều tra, xử lý vi phạm IUU.
Vùng biển Tây Nam, với lưu lượng tàu thuyền hoạt động lớn, khu vực tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, để khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm ngoài việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển thì luôn cần sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương trong tuyên truyền, giáo dục và kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm để mỗi ngư dân khi tham gia đánh bắt đều chấp hành nghiêm pháp luật cùng cả nước nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng do EC cảnh báo, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.