Chuyện học ở Trường Sa
Hiện nay, khoảng cách giữa dạy và học ở vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng giờ cũng không còn xa lắm. Tuy nhiên, câu chuyện học hành của các em nhỏ tại quần đảo Trường Sa thì vẫn còn những điều khiến cho nhiều người không khỏi lo nghĩ.
Nơi đảo xa, tiếng cười đùa của các em nhỏ hòa chung cùng tiếng sóng biển rì rào tạo nên một bản giao hưởng âm thanh đầy màu sắc.
Cuộc sống ngoài đảo, mọi điều kiện tuy không thể bằng đất liền nhưng việc học tập của các em luôn được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, trên hầu hết các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có một trường tiểu học. Nhà các em chỉ cách trường vài chục mét, lúc nghỉ giải lao lại chạy ù về nhà uống ngụm nước, thậm chí còn tranh thủ ăn bát mì rồi quay vào lớp học.
Không như các em nhỏ trong đất liền, ngoài giờ học có thể giải trí bằng điện thoại di động, xem phim online, với các em nhỏ nơi đảo xa, hoạt động giải trí đơn giản chỉ là những phút giây nô đùa, trò chuyện vui vẻ với nhau.

Em Nguyễn Khang Nguyên, học sinh lớp 5 tại đảo Song Tử Tây, cho biết: "Mẹ con đi nấu ăn còn con trông em. Đi học cũng vui thầy dạy môn toán, tiếng việt. Ở đây không có mạng Internet. Con thích coi phim trên tivi".
Không có mạng Internet các em nhỏ ở đây chỉ tập trung học những gì có trong cuốn sách giáo khoa. Cửa ngõ nhìn ra thế giới đến với công nghệ thông tin chỉ qua sự minh họa của thầy giáo và các chú bộ đội trên đảo.
Em Hồ Đinh Hoàng Đông Bắc trả lời rành rọt như một chiến sỹ nhí, đậm chất lính trên đảo Song Tử Tây: "Con 8 tuổi, học lớp 2. Sáng con giậy từ 6h30 đánh răng, ăn sáng chuẩn bị đi học thay đồ, đến lớp từ 7 giờ. Con học vui, lớn lên con thích làm nghề lặn tôm vì ba con có bè, có ghe".
Các trường tiểu học trên các đảo khá đa di năng, ngoài việc dạy học, thầy giáo còn kiêm luôn cả phần “cô nuôi dạy trẻ”. Thầy giáo Bùi Tiến Anh nhà ở Khánh Hòa, ra Trường Sa được 2 năm cho hay hiện trường có học sinh từ mẫu giáo nhỏ 3 tuổi đến lớp 5, chỉ có một lớp ghép tất tần tật. Điều kiện dạy và học còn những khó khăn, khó mà đầy đủ như trong đất liền nhưng cũng cố gắng khắc phục để dạy học thật tốt cho các em nhỏ ngoài đào.
"Chuyển đổi số rất khó khăn vì ở đây không có mạng không như trong bờ được, mong muốn cải thiện được mạng để trẻ có điều kiện ngang trong bờ, tiếp cận dễ hơn. Nhiều lúc phải gọi điện vào trong bờ để mấy thày cô đọc viết. Ở đây lớp 5 là hết, cấp 2 các em phải vào bờ rồi", thầy Tiến Anh cho biết.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong dạy và học ở nơi đảo xa, thầy giáo Trương Hồng Lĩnh, điểm trường tiểu học xã Sinh Tồn, cho biết: "Mong muốn lớn nhất của các em ở đây là được tiếp cận với thực tế mô hình về xã hội vì đây giống như một xã hội thu nhỏ. Vì các cháu tiếp xúc với những lứa tuổi khác bạn bè là rất hạn chế. Chẳng hạn ở đây có em lớp 5 chỉ có duy nhất một mình, khi mình dạy cũng nhiều bất cập chẳng hạn là tập trao đổi nhóm chỉ nhóm đôi cũng không có, đôi lúc mình phải đóng vai học sinh luôn. Mình hướng dẫn bữa nay thầy làm nhóm trưởng hướng dẫn thì con phải trả lời làm sao và đổi ngược lại con là nhóm trưởng thầy là thành viên mình phải đóng vai như vậy".

Ở quần đảo Trường Sa các em học sinh chỉ có thể theo học đến hết lớp 5, lên cấp 2 các em lại phải xa gia đình vào bờ để học tiếp (ảnh minh họa)
Hiện nay, ở quần đảo Trường Sa các em học sinh chỉ có thể theo học đến hết lớp 5, lên cấp 2 các em lại phải xa gia đình vào bờ để học tiếp.
Chị Trần Thị Châu Út - cư dân trên đảo có con chuẩn bị vào đất liền để theo học cấp 2 - cho hay: "Cháu năm nay hết lớp 5, vợ chồng em phải gửi cháu về đất liền sẽ gửi cho dì ruột chăm sóc để cha mẹ còn ở ngoài này. Là cha là mẹ thì chúng em cũng về bố trí sắp xếp cho cháu ổn định mới yên tâm ra lại đảo".
Cũng giống như bao phụ huynh, ông Cao Văn Giáp, Phó chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, mong muốn: "Nguyện vọng của chúng tôi là làm sao có trường cấp 2 để bà con an tâm công tác lâu dài hơn chứ không thể học đến hết lớp 5 lại đưa con vào bờ thì rất khó cho cha mẹ trong công tác. Nếu mở được trường cấp 2 nữa sẽ tạo được sự gắn kết của cha mẹ và các em cao hơn sẽ vững chắc hơn trong xây dựng bảo vệ chủ quyền".
Mỗi gia đình, mỗi cư dân, mỗi em nhỏ sinh sống và học tập trên quần đảo Trường Sa đều là một chiến sĩ góp phần trong việc xây dựng và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì lẽ đó chuyện dạy và học ở Trường Sa rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng Trường Sa trở thành thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc vùng biển đảo quê hương.