Chuyện 'giữ mình' của làng rau Trà Quế
Danh tiếng 'Làng du lịch tốt nhất thế giới' sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến làng rau Trà Quế nhưng cũng đem lại những thách thức cho làng rau hơn 300 năm tuổi này.
Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất và phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) từ 9 đến 11.12 tại Quảng Nam, UN Tourism đã chính thức trao chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” cho làng rau Trà Quế, sau khi đã công bố quốc tế kết quả này tại Colombia ngày 15.11.
Giá trị nổi bật của làng rau Trà Quế
Cách phố cổ Hội An khoảng 3km, làng Trà Quế mang đặc thù của một đảo sông gần biển, được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế mang đến khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tươi tốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề trồng rau theo phương thức hữu cơ lâu đời. Hiện làng có 202 hộ dân làm nghề trồng rau với diện tích đất trồng khoảng 18,5 ha/100,2 ha diện tích tự nhiên.
Mỗi năm một nông dân thu nhập bình quân 65 - 70 triệu đồng. Sản lượng rau Trà Quế bán ra thị trường khoảng 800 tấn, thu 11 - 12 tỷ đồng, chưa kể dịch vụ từ du lịch. Giá vé tham quan, trải nghiệm làng rau Trà Quế là 35.000 đồng/người. Mỗi người dân hỗ trợ du khách trải nghiệm tại vườn sẽ được nhận 5.000 đồng trích từ giá vé.
Theo bà Lê Thị Ngọc Hương (Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An), tại các cuộc tham vấn cộng đồng, nhiều bậc cao niên sinh sống và trồng rau tại Trà Quế cho biết cách đây hơn 300 năm, những cư dân đầu tiên đến định cư tại Trà Quế thuộc các tộc Phạm, Mai, Nguyễn, Lê; sau có thêm tộc Trần, Hồ... Ban đầu họ sống bằng nghề chài lưới trên sông Để Võng. Quá trình sinh sống họ tìm rau nấu với tôm, cá… để ăn, thấy ngon nên họ đem giống về trồng. Sau này đánh bắt tôm, cá ngày càng khó nên một số cư dân khai phá thêm đất trồng rau. Thống kê cho biết làng có khoảng 55 loại rau, trong đó một số loại rau đã mất giống như hành hương, rau diếp, xà lách xoong, rau húng dài. Các loại rau còn lại đều được duy trì phát triển tốt, chất lượng ngày càng cao. Trà Quế có những loại rau đặc trưng lừng danh như rau húng, é, cải con, hẹ…
Nông dân Trà Quế rất chú trọng gìn giữ giống rau truyền thống bởi thơm ngon, phù hợp với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, năng suất ổn định. Cùng với các loại phân xanh từ cây keo, bèo, sầu đâu, duối... thì rong được sử dụng làm phân bón đặc trưng của làng rau Trà Quế. Nguồn rong từ đầm Trà Quế và sông Để Võng đã góp phần quan trọng để rau phát triển khỏe mạnh, có hương vị riêng. Hình dáng, kích thước rau cũng khác biệt: lá nhỏ, dày, cây thấp cứng cáp, rất thơm, vị đậm đà; rau mềm, dịu và khi ăn như tan trong miệng, không dai. Trộn lẫn các loại rau với nhau sẽ có 5 vị hòa lẫn: cay, ngọt, đắng, chua, chát.
“Tri thức dân gian được tích lũy theo thời gian, trong từng công đoạn sản xuất. Kinh nghiệm không chỉ riêng ai mà là sự cộng hưởng của cả cộng đồng cư dân để có những phương thức sản xuất chung nhất mà không phải làng nghề nào cũng có sự đồng điệu như vậy”, bà Hương cho biết. Tháng 4.2022, nghề trồng rau Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Trà Quế làm du lịch nông thôn độc đáo
Qua khảo sát thực tế, ThS. Nguyễn Danh Cường (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ) cho biết tri thức địa phương về nghề trồng rau đang được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo ở Trà Quế. Theo đó nông dân Trà Quế giới thiệu cho du khách tham quan và trải nghiệm những công việc sản xuất rau như làm đất, gieo hạt; sử dụng tri thức để trồng từng loại rau hoặc chọn rong dưới đầm về làm phân bón; hái rau từ những thửa, luống mà du khách đã gieo trồng…
Ngoài ra, tri thức địa phương về chăm sóc sức khỏe từ các loại rau của Trà Quế cũng là sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa đang phát triển. “Nhìn chung tri thức địa phương về trồng rau và chăm sóc sức khỏe từ các loại thảo dược của địa phương là sản phẩm du lịch văn hóa tạo được sức hấp dẫn đối với khách du lịch, giúp du khách trải nghiệm ý nghĩa lao động và cuộc sống văn hóa sản xuất của nông dân Trà Quế nói riêng và con người Hội An nói chung”, ông Cường đúc kết.
Cũng theo ông Cường, các hoạt động diễn ra trong lễ hội Cầu Bông tại Trà Quế như thi cuốc đất trồng rau; làm món tôm hữu (còn gọi “tam hữu” - món riêng có của Trà Quế đã tồn tại hàng trăm năm), thi vớt rong, bón gốc hoặc thi đua ghe ngang trên sông Cổ Cò… cũng là sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời những loại hình diễn xướng dân gian như hát dân ca, múa Apsara cũng được phục vụ trong các bữa ăn trưa, ăn tối, tiệc liên hoan ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Những giá trị của ẩm thực được phát triển thành những chương trình du lịch khám phá và tận hưởng nét ẩm thực thôn quê hoặc cooking class (dạy nấu ăn cho du khách)...
Tham quan làng quê cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng ở Trà Quế. Khách có thể thuê xe đạp, có bản đồ du lịch và tự di chuyển để cảm nhận giá trị sinh thái văn hóa của làng quê; có thể giải khát bằng loại nước từ hạt rau é, lựa chọn các homestay; trải nghiệm một số sinh hoạt đời sống sản xuất, kinh tế văn hóa như giăng câu, bủa lưới, cất vó bắt cá, tôm… Du khách cũng có thể thư giãn trên những chiếc võng hoặc chõng tre; hàn huyên, đọc sách trong không gian tĩnh lặng.
Ngoài ra, một số hộ dân đang khai thác sản phẩm du lịch cưỡi trâu ở Cồn Rơm, du khách được trải nghiệm những nét văn hóa trong đời sống sản xuất và có thể chụp hình lưu niệm với con trâu và người nông dân mến khách... “Những năm qua Trà Quế đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên sự phát triển du lịch văn hóa ở làng rau Trà Quế cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết như yêu cầu đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xu hướng hiện đại hóa và những hệ quả do sự phát triển mạnh mẽ của du lịch ngày càng tác động tới tài nguyên văn hóa của làng nghề...”, ông Cường cho biết.
Trà Quế muốn thành “ngôi làng hạnh phúc”
Trước các lo ngại danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” sẽ dẫn đến thương mại hóa du lịch tràn lan như xây thêm khách sạn, mở các cửa hàng lưu niệm làm quá tải hạ tầng, phá vỡ cảnh quan, bê tông hóa..., ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch thành phố Hội An - cho biết danh hiệu mới cũng mang lại thách thức và đặt ra nhiều yêu cầu khác cho làng rau Trà Quế như phải đẹp hơn, lớn lên với tâm thế mới. Hiện làng vẫn cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, thoát nước, cảnh quan... Sắp tới chính quyền sẽ đầu tư về hạ tầng, nâng cao chất lượng sản xuất, sản phẩm rau Trà Quế. Hội An giữ quan điểm không xây dựng những dự án du lịch lớn ở Trà Quế, không xây khách sạn ở làng. Khách lưu trú sẽ ở homestay hoặc nhà dân và cùng ăn, cùng ở, cùng đi trồng rau. Chính quyền tiếp tục bố trí lại khu dân cư, tháo dỡ những trụ bê tông, chòi dân tự lập làm ảnh hưởng đến không gian làng rau...
“Trà Quế được định hướng không chỉ là làng du lịch tốt nhất thế giới mà còn là điểm đến văn hóa, nơi người dân chung sống hòa thuận và thân thiện với du khách. Hội An cố gắng xây Trà Quế thành hình mẫu ngôi làng hạnh phúc”, ông Lanh thông tin.
Theo ông Cường, kết quả phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống ở làng rau Trà Quế thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng của Trà Quế. Các sản phẩm du lịch sử dụng kiến thức trồng rau và chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược chủ yếu mang tính tự phát, chưa có chiến lược phát triển, mở rộng. Sản phẩm du lịch trải nghiệm làm nông dân ở Trà Quế thu hút đáng kể khách quốc tế nhưng lại chưa có sức hấp dẫn đối với khách nội địa. Một số giá trị di sản văn hóa có ở làng rau Trà Quế chưa có giải pháp hiệu quả để thu hút du khách. Trong đó giếng đá Trà Quế là một trong những di sản văn hóa Chăm gắn với quá trình hình thành và phát triển Trà Quế nhưng chưa thu hút được du khách...
Trà Quế là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, nhưng sản phẩm lưu niệm đặc trưng ở Trà Quế chưa được quan tâm đầu tư phát triển, chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm được chế biến từ các loại rau Trà Quế. Các loại hình sản phẩm du lịch như ẩm thực, phong tục tập quán và một số loại hình nghệ thuật dân gian được tổ chức, khai thác ở Trà Quế quy mô còn nhỏ...
Trà Quế là một trong những điểm đến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Hội An nhưng bến đỗ chưa được đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, việc quản lý môi trường nhằm đảm bảo điều kiện sinh thái tự nhiên tại những điểm đến ở Trà Quế cũng rất cấp thiết.
Dưới sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, làng rau Trà Quế sẽ phải đối mặt với biến động dân cư, sinh kế sâu sắc và nguy cơ mai một các giá trị văn hóa. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn, khai thác và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa của Trà Quế trong tương lai. “Làng rau Trà Quế đã có những bước đột phá sáng tạo để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm từ các loại rau của Trà Quế,... đang là trở ngại cho quá trình phát triển du lịch của Trà Quế. Do đó đòi hỏi các bên liên quan cần quan tâm hơn nữa và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch Trà Quế theo hướng bền vững”, ông Cường góp ý.
Làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) được UN Tourism xác quyết “điểm đến đáng chú ý với truyền thống nông nghiệp và di sản văn hóa lâu đời” sau khi đánh giá hơn 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, dựa trên chấm điểm 9 tiêu chí: tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; thúc đẩy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; tính bền vững về kinh tế; tính bền vững về xã hội; tính bền vững về môi trường; phát triển du lịch và chuỗi giá trị; quản trị và ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng và kết nối; sức khỏe, an toàn, an ninh.
Hoàng Tấn - Phạm Anh