Chuyên gia y tế nói gì về chuyện 'lọc máu ngừa đột quỵ'?
PGS. Nguyễn Lân Hiếu bác bỏ thông tin chỉ cần 2-3 giờ lọc máu với chi phí chưa đến chục triệu phòng ngừa được đột quỵ, hết mỡ máu, đái tháo đường.

Hình ảnh lọc máu của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện được bác sĩ theo dõi và chỉ định chặt chẽ. (Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Mới đây, PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện gần đây, nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác.
Nhiều cơ sở quảng cáo rằng chỉ cần lọc máu sẽ giúp loại bỏ mỡ máu, máu xấu ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... Thậm chí, khách hàng có thể sang Singapore hoặc Nhật Bản để thực hiện liệu trình này.
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Nếu chỉ cần 2-3 giờ với chi phí chưa đến chục triệu đồng phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, đái tháo đường thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp. Một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng".
Theo bác sĩ Hiếu, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp ...
"Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể cũng nên đặt câu hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy nên không mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật xâm lấn mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng", PGS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.