Chuyên gia UOB nói về thuận lợi và thách thức lớn của kinh tế Việt Nam thời gian tới

Trong bối cảnh chính trị thế giới sẽ có những thay đổi, chuyên gia ngân hàng UOB cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tại sự kiện thường niên nhận định về triển vọng kinh tế do ngân hàng UOB – Singapore tổ chức vào ngày 8-1, ông Suan Teck Kin - chuyên gia kinh tế, giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB (Singapore) nhấn mạnh đến những lợi thế và ba thách thức mà ASEAN và Việt Nam đang đối mặt.

 Ông Suan Teck Kin - chuyên gia kinh tế, giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB (Singapore)

Ông Suan Teck Kin - chuyên gia kinh tế, giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB (Singapore)

ASEAN và Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

Trước tiên, chuyên gia ngân hàng UOB chỉ ra Việt Nam có nhiều lợi thế. Trong thời gian tới, Việt Nam có cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể.

Dù chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra những thách thức nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác.

Chuyên gia ngân hàng UOB đồng thời tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như sân bay, cầu, cảng biển không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Điều này tạo nền móng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế trong những năm tới.

Ngoài ra, chuyên gia ngân hàng UOB khẳng định lợi ích to lớn từ cơ hội liên quan đến hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Ba thách thức lớn trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, theo chuyên gia ngân hàng UOB bao gồm:

Thứ nhất, thách thức về thuế quan. Với nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN (sau Singapore), Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu và thương mại quốc tế. Việt Nam hiện đang có mức độ phụ thuộc về thương mại quốc tế là 84% (cao thứ 2 ở khu vực ASEAN).

Thứ hai, thách thức về thị trường tài chính. Biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính Việt Nam, tác động đến thương mại, đầu tư, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Dù vậy, chuyên gia kinh tế ngân hàng UOB nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định.

Cuối cùng, thách thức về chuỗi cung ứng. ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, với Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN.

Dòng vốn FDI và tác động đến thị trường bất động sản công nghiệp

Cũng trong ngày hôm nay, CBRE Việt Nam cũng đã đưa ra một số nhận xét về tình hình thị trường bất động sản công nghiệp dưới ảnh hưởng của dòng vốn FDI vào mạnh và dự báo về tình hình thời gian tới.

Trong suốt năm qua, các nhà sản xuất toàn cầu lớn như Samsung, LG, Foxconn, Hyosung và Nestle đã công bố kế hoạch mở rộng và khởi động nhiều dự án tại nhiều khu vực khác nhau ở Việt Nam. Cam kết mạnh mẽ trong việc mở rộng sản xuất của các đơn vị này, minh chứng bằng giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục lịch sử 25 tỉ USD, là động lực cho kết quả tích cực của bất động sản Việt Nam trong năm qua.

Theo chuyên gia CBRE Việt Nam, năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể thị trường bất động sản.

Đối với thị trường đất công nghiệp, các khu công nghiệp ở các thị trường cấp 1 tại khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình là 80%, trong khi khu vực phía Nam đạt 89%. Diện tích hấp thụ của khu vực phía Bắc đạt hơn 400 ha trong năm 2024, được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau như điện tử, xe điện.

Trong khi đó, do quỹ đất công nghiệp hạn chế ở các thị trường chính, khu vực miền Nam ghi nhận diện tích hấp thụ đạt 265 ha và thấp hơn 52 % so với năm 2023, chủ yếu các giao dịch lớn tập trung ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.

Khoảng cách về giá thuê ở hai khu vực công nghiệp chính đang dần thu hẹp do tăng trưởng giá thuê mạnh mẽ ở các thị trường có ngưỡng giá cạnh tranh hơn ở phía Bắc, như Hải Dương và Hải Phòng.

Đến cuối năm 2024, giá thuê trung bình của các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt 137 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi ở phía Nam đạt 175 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về triển vọng bất động sản công nghiệp ba năm tới, chuyên gia CBRE dự báo giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 4-8% mỗi năm ở phía Bắc và 3-7% mỗi năm ở phía Nam. Các khu công nghiệp mới dự kiến sẽ tập trung ở các thị trường như Hải Phòng và Vĩnh Phúc ở phía Bắc hoặc Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam.

Ngoài ra, các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam dự kiến sẽ có các khu công nghiệp mới được phát triển.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-uob-noi-ve-thuan-loi-va-thach-thuc-lon-cua-kinh-te-viet-nam-thoi-gian-toi-post829188.html
Zalo