Chuyên gia tâm lý 'mách' cha mẹ cách để phòng tránh con bị bắt cóc
Vụ bé trai bị bắt cóc mới đây ở Hà Nội đang gây hoang mang dư luận. Đến nay, bé trai may mắn đã được an toàn trở về nhà. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng đã cảnh báo các bậc cha mẹ cần chú ý tới con em mình hơn, nhất là nơi công cộng.
Là người công tác trong lĩnh vực tâm lý cho trẻ và thanh thiếu niên, chuyên gia tâm lý học Vũ Trường Giang đã có những chia sẻ tới phụ huynh không chỉ nhằm phòng ngừa vấn nạn bắt cóc mà còn phòng ngừa những vấn nạn có thể xảy ra với trẻ em nói chung, đó là: "Ngoài các cách cha mẹ, người thân có thể giúp con nhằm phòng tránh vấn nạn thì việc giúp con trang bị những kiến thức và tập huấn kỹ năng đương đầu với rủi ro là điều cực kỳ quan trọng, bởi lẽ cha mẹ không phải lúc nào cũng ở bên cạnh để bảo vệ con!".
Những lưu ý cha mẹ có thể hướng dẫn con theo từng tiến trình phát triển tâm lý của trẻ:
Khi trẻ trong giai đoạn ấu thơ và nhi đồng (từ 0 - 5 tuổi)
Đây là giai đoạn trẻ chủ yếu đang sống cùng gia đình và có thể bắt đầu giai đoạn đi học mẫu giáo. Nói về khía cạnh tâm lý thì giai đoạn này trẻ cần có được sự tin tưởng vào cha mẹ, vào người chăm sóc và tin tưởng vào thầy cô giáo mầm non và dần dần xây dựng niềm tin vào thế giới này, bởi điều đó sẽ giúp trẻ hình thành sự gắn bó an toàn, sự tự chủ, chủ động cho từng bậc thang phát triển tâm lý cá nhân thay vì tâm lý ngờ vực, nghi hoặc hay do dự, mặc cảm về bản thân.
Vì vậy, để phòng tránh nạn bắt cóc trẻ em và các vấn nạn khác như bạo hành, xâm hại trẻ em trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh ưu tiên áp dụng các phương pháp nhằm "tránh" tạo cơ hội để những vấn nạn này xảy ra.
Đó là những biện pháp mà cha mẹ có thể thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ và giúp giảm thiểu việc tạo cơ hội cho những kẻ thủ ác thực hiện hành vi của mình như:
Khi con còn nhỏ trong độ tuổi dưới 2 tuổi:
+ Cha mẹ không nên để trẻ rời khỏi tầm mắt của mình
+ Cha mẹ không để tình trạng thất lạc con xảy ra.
Ở nơi công cộng, siêu thị, khu phố đông đúc cha mẹ không rời mắt khỏi trẻ tránh việc con thất lạc. Tương tự, cha mẹ cũng dạy trẻ luôn để mắt tới cha mẹ khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của mình, lúc này hãy gọi to lên.
+ Đảm bảo con được chơi một cách an toàn khi có người thân, người quen tin tưởng bên cạnh.
+ Không để trẻ ở nhà, ở cửa hàng hay trên tàu xe một mình mà không có người thân và người quen tin tưởng bên cạnh.
+ Không giao trẻ cho người lạ trông hoặc nhờ người đưa ra chỗ này chỗ kia, chỉ giao trẻ cho bạn bè, người thân tin tưởng.
+ Không nên để trẻ chơi một mình ở nhà hay ngoài cổng gần đường đi lại.
+ Không nên để trẻ đi chơi với một trẻ khác mà không có người lớn đi cùng.
+ Cài vào ba lô, túi sách của trẻ mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của cha mẹ.
Khi con bắt đầu đến tuổi học mầm non, cha mẹ có thể hướng dẫn con những điều cơ bản để còn nhận biết rủi ro (từ 2 - 5 tuổi)
+ Cha mẹ cần đón trẻ đúng giờ, tránh đón muộn tạo cơ hội cho kẻ thủ ác hành động.
+ Với trẻ đã biết nói, cha mẹ dạy trẻ nhớ tên của mình, tên của cha mẹ, địa chỉ, nhớ số điện thoại của cha mẹ, cha mẹ dạy trẻ cách giữ bình tĩnh khi bị lạc để lúc đó con biết gọi và nhờ sự trợ giúp.
+ Dạy con không đi theo người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Kể cả khi thất lạc thì con cần đứng yên tại chỗ gọi to tên bố mẹ và nhờ sự giúp đỡ tại chỗ chứ không đồng ý đi theo ai cả, để cha mẹ biết để quay lại tìm.
+ Mỗi khi ra ngoài, khi có bất cứ cơ hội nào cha mẹ đều nên dạy con những sự nhận biết về mọi người xung quanh, về ông bảo vệ, về chú cảnh sát, bộ đội, về người mặc đồng phục và có thể cùng con tập luyện các cách ứng xử trước các tình huống khác nhau, tập luyện nhiều lần để trẻ có thể phản ứng nhanh hơn khi bị lạc thật.
Khi trẻ ở giai đoạn thiếu nhi và vị thành niên trở lên (từ 6 tuổi trở lên)
Ngoài những biện pháp nhằm "tránh" vấn nạn về trẻ em nói chung và nạn bắt cóc trẻ em nói riêng thì các bậc phụ huynh chú trọng việc giúp con tự trang bị những biện pháp và kỹ năng nhằm "phòng" vấn nạn xảy ra như:
- Giúp con nâng cao những kiến thức xã hội. Đó là khiến thức nhận biết về sự an toàn xung quanh, nhận biết về sự nhận diện mọi người xung quanh như chú bảo vệ, chú công an, đồng phục nhân viên… củng cố những kiến thức cơ bản mà con đã được dạy từ khi còn nhỏ.
- Tập huấn kỹ năng sống: Giúp con học hỏi và rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản nhằm đương đầu với rủi ro là điều cực kỳ quan trọng, bởi lẽ lúc này con bắt đầu đi học tiểu học, bắt đầu quá trình hình thành những năng lực cần thiết cho bản thân để con có thể tự tin và đương đầu với những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
- Nhận diện và học hỏi kỹ năng phòng tránh nạn bắt cóc trẻ em như việc: Trẻ cần nhận diện an toàn khi nói chuyện với người lạ, cách ứng phó thế nào khi người lạ cho tặng quà, giữ khoảng cách tối thiểu 3m với người lạ và nhận diện sự an toàn xung quanh. Không đi theo người lạ khi chưa có sự xin phép, nên xin ý kiến của bố mẹ khi cảm thấy có những dấu hiệu nghi ngờ mình có thể bị bắt cóc, không đồng ý cho người lạ vào nhà khi bố mẹ chưa cho phép, các kỹ năng ứng phó khi tình huống nguy hiểm xảy ra như việc hét to, kêu gọi sự cầu cứu từ mọi người xung quanh.
Giúp trẻ nhận diện, phát triển các kỹ năng này và có thể thực hành nhiều lần để trẻ chuẩn bị tâm lý cũng như bình tĩnh xử lý hơn khi có tình huống rủi ro xảy ra.
Cha mẹ lưu ý khi hướng dẫn con kỹ năng này, thay vì việc lúc nào cũng tránh né người lạ thì việc nhận diện an toàn khi giao tiếp với người lạ là điều quan trọng hơn cả, bởi nếu không phù hợp, chúng ta sẽ dễ khiến trẻ đồng nhất người lạ là người xấu và tước đi của trẻ cơ hội giao tiếp với mọi người xung quanh, hạn chế sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ.
- Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các lớp học võ tự vệ: Nhằm nâng cao sự tự tin và sức khỏe thể chất, từ đó cũng phần nào giúp trẻ phòng ngừa các rủi ro xảy ra với mình, bởi kẻ thù ác sẽ dễ thực hiện hành vi của mình với những trẻ yếu thế, một mình, kém kỹ năng, nhút nhát..
- Học thêm các lớp kỹ năng xã hội: Ngoài việc học văn hóa ở trường, cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng như: Lớp rèn luyện khả năng vượt khó, lớp kỹ năng tự tin, lớp kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo hành, bắt cóc.
- Cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng an toàn và tự bảo vệ bản thân càng sớm càng tốt. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà cha mẹ chọn mức độ phức tạp của thông tin và cách xử lý phù hợp và không chỉ dạy trẻ bằng lời nói mà cần cho trẻ tập luyện, thực hành thường xuyên trong cuộc sống xung quanh để củng cố.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).